Viêm gan B có lây không? Làm sao để biết mình mắc bệnh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa
Viêm gan B có lây không? Nếu lây thì qua những con đường nào? Làm sao để biết mình có mắc bệnh hay không và chủ động phòng tránh bệnh thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Viêm gan B có lây không

Viêm gan B nguy hiểm vì nó là một bệnh “lây nhiễm thầm lặng”, có nghĩa là nó có thể lây nhiễm sang người khác mà họ không hề hay biết.

1. Tổng quan về bệnh viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra và có thể gây ra cả bệnh cấp tính và mãn tính. Virus can thiệp vào các chức năng của gan và gây ra các tổn thương bệnh lý. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của gan, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, tăng nguy cơ ung thư gan.
Một tỷ lệ nhỏ những người bị nhiễm không thể loại bỏ được virus và bệnh tiến triển từ giai đoạn cấp tính sang mãn tính. Những người này có nguy cơ tử vong cao hơn do xơ gan và ung thư gan.
Virus viêm gan B này phổ biến nhất lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác, bao gồm quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm bệnh, dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc tiếp xúc với dụng cụ sắc nhọn.
Tổ chức y tế thế giới WHO ước tính khoảng 257 triệu người bị nhiễm viêm gan B mãn tính vào năm 2015. Bệnh dẫn đến 887.000 ca tử vong, chủ yếu là do xơ gan và ung thư gan nguyên phát.

2. Viêm gan B có lây không?

2.1. Viêm gan B có lây không?

Viêm gan B nguy hiểm vì nó là một bệnh “lây nhiễm thầm lặng”, có nghĩa là nó có thể lây nhiễm sang người khác mà họ không hề hay biết. Nhiều người bị viêm gan B không biết mình bị mang virus vì họ không cảm thấy hoặc không có triệu chứng bị bệnh. Tuy nhiên, những người này vẫn có thể lây nhiễm virus HBV cho cộng đồng.
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian đó, virus vẫn có khả năng lây từ người này sang người khác. Đối với những người bị nhiễm bệnh mãn tính, sẽ có nhiều nguy cơ phát triển bệnh gan nghiêm trọng sau này trong cuộc sống. Virus có thể âm thầm và liên tục tấn công gan trong nhiều năm mà không bị phát hiện. Cách duy nhất để xác nhận bị nhiễm viêm gan B là xét nghiệm máu.
Vì vậy việc hiểu biết về các con đường lây truyền chủ yếu của virus HBV có thể giúp chúng ta chủ động phòng tránh bệnh.

2.2. Viêm gan B có lây không? – Ba con đường lây chính

Viêm gan B lây lan khi máu, tinh dịch hoặc chất dịch người nhiễm bệnh xâm nhập vào cơ thể của người khỏe mạnh. Viêm gan B lây truyền từ người sang người bằng 3 con đường chủ yếu:

– Qua máu và các chế phẩm từ máu: Dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ pha chế thuốc; tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc vết loét hở của người bị bệnh; tiếp xúc với máu của người bệnh qua kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác…

– Qua quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm bệnh, đặc biệt là ở những người đàn ông chưa được tiêm chủng có quan hệ tình dục đồng giới và những người dị tính với nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâm.

– Từ mẹ sang con trong khi sinh

2.3. Viêm gan B không lây qua đường nào?

May mắn thay, bạn không thể bị nhiễm viêm gan B từ :

– Ôm, hôn, nước mắt của người khác hoặc hắt hơi

– Dùng chung cốc, đĩa, quần áo, thức ăn, đồ uống, vòi hoa sen hoặc nhà vệ sinh

– Ăn thức ăn do người bị viêm gan B chế biến

– Muỗi đốt

Bác sĩ có thể xác nhận nhiễm viêm gan B bằng các xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể xác nhận nhiễm viêm gan B bằng các xét nghiệm máu

3. Làm cách nào để biết mình bị viêm gan B?

3.1. Biểu hiện qua cơ thể

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan B thay đổi theo độ tuổi và giai đoạn phát hiện bệnh. Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn bị ức chế miễn dịch không biểu hiện triệu chứng khi bị nhiễm trùng ban đầu. Tuy nhiên, những người từ 5 tuổi trở lên có 30% -50% khả năng có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu như sau:

– Khó chịu ở bụng

– Buồn nôn hoặc nôn mửa

– Sốt

– Vàng da (màu vàng ở da hoặc củng mạc của mắt)

– Ăn mất ngon

– Phân màu đất sét

– Nước tiểu đậm

– Đau khớp

– Mệt mỏi

Thời gian ủ bệnh (từ khi tiếp xúc với virus HBV đến khi phát triển triệu chứng) đối với bệnh viêm gan B khá lâu, khoảng 90 ngày hoặc từ 60-150 ngày.

3.2. Biểu hiện trong chẩn đoán

Các dấu hiệu viêm gan B giai đoạn cấp tính có thể kéo dài từ vài tuần đến dưới 6 tháng. Bác sĩ có thể xác nhận nhiễm viêm gan B bằng các xét nghiệm máu tìm kháng nguyên viêm gan B (HBsAg) cũng như các kháng thể (anti-HBs).

– Nếu bị HBV cấp tính sẽ có  kháng thể HBsAg và immunoglobulin M (IgM) đối với kháng nguyên lõi, HBcAg. Trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, bệnh nhân cũng có huyết thanh dương tính với kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg). HBeAg thường là dấu hiệu cho thấy mức độ nhân lên cao của virus. Sự hiện diện của HBeAg cho thấy máu và chất dịch cơ thể của người bị nhiễm có khả năng lây nhiễm cao.

– Nếu bị HBV mãn tính sẽ có HBsAg trong ít nhất 6 tháng. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ phát triển bệnh gan mãn tính và ung thư gan.

Nếu nghi ngờ bản thân tiếp xúc với nguồn lây bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám và làm xét nghiệm máu chẩn đoán nhiễm trùng. Một số xét nghiệm thậm chí có thể xác định khả năng một người bị nhiễm viêm gan B sẽ truyền bệnh cho người khác hay không. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn bị nhiễm virus viêm gan B, bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trong điều trị, chăm sóc, sinh hoạt tránh lây lan cho cộng đồng.
vắc-xin phòng viêm gan

Chủ động tiêm vắc-xin phòng viêm gan B là biện pháp chủ động tránh lây lan bệnh hiệu quả nhất.

4. Ngăn nguy cơ lây virus viêm gan B bằng cách này

Tiêm vắc-xin viêm gan B là phương pháp chính trong việc phòng ngừa bệnh. Trẻ sơ sinh nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh trong vòng 24 giờ. Sau đó tiêm hai hoặc ba liều vắc-xin viêm gan B cách nhau ít nhất 4 tuần để hoàn thành loạt vắc xin.
Ngoài ra, chúng ta có thể chủ động bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây virus viêm gan B bằng cách:

– Quan hệ tình dục an toàn, tự bảo vệ mình (sử dụng bao cao su)

– Rửa tay sau khi chạm vào máu hoặc chất dịch cơ thể

– Đeo găng tay dùng một lần nếu sơ cứu cho ai đó hoặc làm sạch máu hoặc dịch cơ thể

– Tránh dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim tiêm, ống tiêm, dụng cụ vệ sinh cá nhân và dụng cụ hỗ trợ chải chuốt hoặc bất kỳ vật dụng nào có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể

– Sử dụng thiết bị tiêm mới và vô trùng cho mỗi lần tiêm

– Che tất cả các vết cắt và vết loét hở bằng băng không thấm nước

– Lau sạch vết máu và sau đó làm sạch khu vực bằng thuốc tẩy gia dụng

– Vứt bỏ các vật dụng cá nhân như khăn giấy, băng vệ sinh và băng trong túi nhựa kín

KẾT LUẬN

Tóm lại, viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan có thể đe dọa tính mạng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể gây nhiễm trùng mãn tính và khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan. Viêm gan B có thể lây lan qua máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con. Chủ động tiêm vắc-xin phòng viêm gan B là biện pháp chủ động tránh lây lan bệnh hiệu quả nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital