Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số mắc viêm gan B cao. Bệnh lý này dễ dàng lây nhiễm qua nhiều con đường, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Kết quả viêm gan B âm tính là gì, có ý nghĩa như thế nào? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm lời giải đáp, đồng thời tìm hiểu các xét nghiệm giúp kiểm tra tình trạng này.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là viêm gan B âm tính?
Kết quả âm tính này có nghĩa là chỉ số HBsAG (-) khi tiến hành xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B. Đây là dấu hiệu cho biết không có virus viêm gan B (HBV) trong cơ thể bạn. Nói cách khác, bạn đang không mắc bệnh viêm gan B.
Ở những người đã nhiễm HBV, khi xét nghiệm lại sau quá trình chữa trị cho kết quả âm tính thì người đó đã đạt được kết quả tốt nhất trong điều trị. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, virus viêm gan B vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Cơ thể chưa xuất hiện kháng thể chống lại HBV.
Do đó, người lành mang virus viêm gan B vẫn cần duy trì lối sống và chế độ sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe. Hãy hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, các chất kích thích để tránh gây tổn thương lên gan. Đồng thời, bạn cần tái khám định kỳ để hạn chế việc tái phát bệnh.
Với trường hợp chưa từng nhiễm viêm gan B, kết quả HBsAg sẽ âm tính. Cần lưu ý rằng bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh từ người khác nếu không có biện pháp bảo vệ. Để ngăn ngừa lây nhiễm virus, cách tốt nhất là tiêm vaccine phòng viêm gan B theo phác đồ tiêm chủng.
Một số biện pháp phòng ngừa khác gồm: không dùng chung kim tiêm và đồ dùng cá nhân; quan hệ tình dục thủy chung, an toàn; thực hiện thủ thuật y tế, phẫu thuật làm đẹp, xăm hình,… ở những cơ sở uy tín, đảm bảo dụng cụ vệ sinh vô trùng.
2. Viêm gan B âm tính có thể lây bệnh cho người khác không?
Những người kết thúc quá trình điều trị bệnh viêm gan B cho kết quả xét nghiệm âm tính vẫn có thể tái phát và lây nhiễm cho người khác. Xét nghiệm âm tính với HBV không đồng nghĩa với việc virus đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể người bệnh. Trên thực tế, HBV trong cơ thể đã được giảm xuống mức độ thấp nhất. Chúng không tiếp tục hoạt động nên không tấn công gây tổn thương đến các tế bào gan.
Chình vì vậy, những người thường xuyên tiếp xúc gần gũi (vợ chồng, con cái) hoặc tiếp xúc với máu của người với người có kết quả âm tính không nên chủ quan. Những đối tượng này cần kiểm tra sàng lọc viêm gan B và thực hiện tiêm chủng để phòng bệnh hiệu quả.
3. Kiểm tra viêm gan B âm tính bằng xét nghiệm nào?
Các xét nghiệm có thể xác định bạn dương tính hay âm tính với virus HBV gồm:
3.1. Xét nghiệm HbsAg kiểm tra viêm gan B âm tính
Xét nghiệm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để chẩn đoán một người có nhiễm viêm gan B hay không. Kết quả HBsAg (+) cho biết bạn đã mắc bệnh viêm gan B. Lúc này, bạn cần phối hợp và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ. Việc điều trị kịp thời và đúng cách giúp ngăn ngừa bệnh phát triển thành mạn tính, xơ gan, ung thư gan.
Ngược lại, kết quả xét nghiệm HBsAg (-) có nghĩa là bạn không bị bệnh.
3.2. Xét nghiệm Anti-HBs kiểm tra viêm gan B âm tính
Đây là xét nghiệm giúp kiểm tra xem cơ thể đã có khả năng miễn dịch với HBV hay chưa. Miễn dịch chống lại virus viêm gan B được tạo ra từ việc tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, miễn dịch còn có thể do cơ thể tự sinh ra đối với trường hợp từng nhiễm viêm gan B nhưng tự hồi phục.
Anti-HBs dương tính cho biết cơ thể bạn đã có kháng thể chống lại sự xâm nhập, tấn công của virus viêm gan B. Khả năng miễn dịch tỷ lệ thuận với nồng độ kháng thể. Theo đó, kháng thể có nồng độ càng cao chứng tỏ khả năng bảo vệ khỏi HBV càng lớn.
Trong khi đó, kết quả âm tính cho biết cơ thể chưa có khả năng miễn dịch với HBV. Bạn nên tiến hành tiêm vaccine phòng viêm gan B để ngăn ngừa lây nhiễm virus.
Nhìn chung, liên quan đến xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs, các kết quả có thể xảy ra gồm:
– HBsAg (+) và Anti-HBs (-): Bạn hiện đang mắc viêm gan B. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để làm rõ tình trạng bệnh.
– HBsAg (+) và Anti-HBs (+): Mắc bệnh viêm gan B mạn (nếu HBsAg (+) trên 6 tháng). Ở đây kết quả Anti- Hbs (+) không thể hiện miễn dịch chống lại virus viêm gan B.
– HBsAg (-) và Anti-HBs (+): Miễn nhiễm với virus viêm gan B. Trường hợp này gặp ở những người đã tiêm phòng hoặc có kháng thể sau khi hồi phục tự nhiễm sau khi nhiễm HBV.
– HBsAg (-) và Anti-HBs (-): Âm tính với viêm gan B, cần tiêm phòng để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm.
3.3. Đối tượng cần xét nghiệm sàng lọc viêm gan B?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm, được xem như một “sát nhân thầm lặng”. Lý do là bởi bệnh thường diễn tiến âm thầm, không biểu hiện thành các triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến người bệnh chủ quan, không phát hiện bản thân đã mắc bệnh. Khi các triệu chứng trở nên rõ nét mới đi kiểm tra, chữa trị thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tất cả mọi người nếu chưa từng tiêm phòng viêm gan B đều cần xét nghiệm sàng lọc bệnh. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn bạn hướng xử trí cho từng trường hợp.
Một số đối tượng cần ưu tiên xét nghiệm viêm gan B để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, bao gồm:
– Nhân viên y tế.
– Người có thành viên trong gia đình nhiễm viêm gan B.
– Người tiêm chích ma túy, bởi đối tượng này thường có nguy cơ nhiễm bệnh khi dùng chung kim tiêm.
– Phụ nữ mang thai.
– Trẻ nhỏ chưa tiêm vaccine phòng HBV.
– Người có nhiều bạn tình, người có quan hệ tình dục đồng giới.
Viêm gan B âm tính cho biết bạn đang không nhiễm bệnh viêm gan B ở thời điểm xét nghiệm. Hãy tiêm vaccine phòng bệnh, chủ động thăm khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để bảo vệ tốt nhất sức khỏe gan mật.