Viêm đại tràng xuất huyết là triệu chứng nghiêm trọng của bệnh lý đường tiêu hóa. Bệnh gây viêm, loét đại tràng, chảy máu và làm rối loạn các chức năng của đại tràng. Người bệnh cần nhận biết bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Viêm đại tràng xuất huyết là bệnh gì?
Viêm đại tràng xuất huyết hay viêm đại tràng chảy máu là bệnh mãn tính, có tính chất tự miễn, gây viêm loét, tổn thương và chảy máu nhiều lần ở vùng đại tràng. Bệnh gây tổn thương lan tỏa ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, không xâm phạm đến lớp cơ. Vị trí tổn thương chủ yếu ở vùng trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải.
Bệnh viêm đại tràng chảy máu là bệnh về đường tiêu hóa phổ biến và đang có xu hướng gia tăng ở các nước phát triển. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nhưng thường xảy ra ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 15-40 tuổi.
Những biểu hiện chủ yếu của bệnh là đau bụng, tiêu chảy phân máu kèm theo hiện tượng sốt, sụt cân, mất máu…. Do các triệu chứng không đặc hiệu nên bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời là điều cần thiết để tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng xuất huyết
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh xuất huyết đại tràng chưa được xác định rõ ràng. Qua nhiều kết quả nghiên cứu, bệnh có liên quan đến các yếu tố sau:
2.1 Yếu tố miễn dịch
Theo nghiên cứu, có đến khoảng 80% người bệnh dương tính với kháng thể PANCA. Đặc biệt, tỷ lệ dương tính này sẽ cao hơn nếu người bệnh bị viêm loét đại tràng chảy máu kết hợp với viêm xơ chít hẹp đường mật tiên phát. Ngoài ra, việc rối loạn miễn dịch đại tràng cũng là cơ hội để vi khuẩn, virus tác động gây viêm, loét và chảy máu đại tràng.
2.2 Yếu tố nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, virus là tác nhân trực tiếp gây ra các tổn thương trên niêm mạc đại tràng. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, những thương tổn này có thể phát triển sâu hơn, rộng hơn dẫn tới viêm loét và chảy máu. Yếu tố nhiễm khuẩn có thể gây khởi phát hoặc tái phát bệnh. Trong trường hợp tái phát, bệnh thường liên quan đến các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột như E.coli, Campylobacter, Shigella,…
2.3 Yếu tố môi trường
Chế độ ăn uống kém khoa học như ăn nhiều đồ cay nóng, đồ chiên rán cùng với việc sử dụng thức uống có cồn, chất kích thích,… có thể gây tổn thương đại trực tràng và là yếu tố khiến bệnh ngày càng trở nên trầm trọng.
Bên cạnh đó, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên có nguy cơ mắc viêm loét đại tràng cao gấp 2,5 lần so với người bình thường. Ngoài ra, nhiều loại thuốc điều trị cũng gây ra các tác động xấu với hệ tiêu hóa. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều, đúng lượng, đúng thời gian để hạn chế biến chứng.
2.4 Yếu tố tâm lý
Sức khỏe tâm sinh lý cũng là một trong các yếu tố dẫn tới nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có viêm đại tràng xuất huyết. Với những trường hợp đã có tổn thương đại tràng, nếu người bệnh thường xuyên bị căng thẳng hay stress kéo dài sẽ khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, kiểm soát tốt các yếu tố trên không những giúp phòng ngừa bệnh lý viêm loét đại tràng mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa. Trong trường hợp bệnh đã điều trị khỏi, duy trì chăm sóc và hạn chế các yếu tố nguy cơ là việc làm cần thiết để tránh tái phát bệnh.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng xuất huyết
Viêm đại tràng xuất huyết gây ra các triệu chứng như đau bụng, xuất huyết tiêu hóa nhiều lần trong ngày, phân có nhầy máu kèm theo tình trạng sốt và giảm cân. Tùy theo mức độ tổn thương mà bệnh sẽ có dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
3.1 Giai đoạn nhẹ
– Người bệnh không có sự thay đổi nào về thể trạng, không bị thiếu máu hoặc giảm protein máu.
– Người bệnh đại tiện dưới 4 lần/ngày, có thể có lẫn máu nhầy hoặc không.
– Người bệnh thương bị đau bụng nhẹ hoặc chuột rút, mót rặn khi đại tiện.
– Bệnh thường khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, ít khi có tổn thương ở vị trí cao hơn, các biểu hiện ngoài ruột cũng rất hiếm gặp. Theo thời gian, bệnh tiến triển trầm trọng hơn, các biểu hiện của bệnh ngày càng tăng và rõ nét.
3.2 Giai đoạn nặng
– Người bệnh đi đại tiện dưới 6 lần/ngày, phân lẫn máu nhầy.
– Người bệnh thường xuyên xuất hiện các cơn đau quặn bụng.
– Sốt nhẹ từ 38-39°C, có biểu hiện thiếu máu nhẹ, nồng độ protein máu giảm khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi
– Đau rát và buốt ở hậu môn, mót rặn khi đại tiện.
3.3 Giai đoạn nghiêm trọng
– Người bệnh đi đại tiện ra máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra vào ban đêm.
– Người bệnh bị đau bụng, đau rát và buốt hậu môn, mót rặn.
– Cơ thể suy kiệt, sốt cao, thiếu máu nghiêm trọng, tim đập nhanh, huyết áp hạ, bụng trướng, giãn đại tràng.
– Nguy cơ viêm loét lan rộng ra ngoài lớp niêm mạc gây suy giảm nhu động đại tràng, xuất huyết ồ ạt, phình giãn hoặc thủng đại tràng, nhiễm độc dẫn đến tử vong.
4. Biến chứng nguy hiểm của viêm đại tràng xuất huyết
Viêm loét đại tràng chảy máu nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe:
4.1 Suy nhược cơ thể
Viêm loét đại tràng xuất huyết kéo dài làm rối loạn chức năng đường ruột. Từ đó làm suy giảm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Hơn nữa, bệnh viêm đại tràng buộc người bệnh phải ăn uống kiêng khem, không đủ chất nên cơ thể dễ bị suy nhược, gầy yếu.
Tình trạng suy nhược cơ thể kéo dài khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, ăn không ngon miệng, mất ngủ, suy giảm sức đề kháng… Từ đó có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
4.2 Phình giãn đại tràng nhiễm độc
Khi viêm loét đại tràng nặng, hệ tiêu hóa sản sinh quá nhiều oxit nitric gây độc cấp tính gây phình giãn đại tràng. Đại tràng giãn to chủ yếu phình giãn tại đại tràng ngang, đường kính trên 6cm. Phình giãn đại tràng là một cấp cứu nội khoa vì có nguy cơ gây thủng đại tràng. Do đó, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, mất nước, rối loạn tâm thần… thì cần phải cấp cứu ngay lập tức.
4.3 Chảy máu ồ ạt
Viêm đại trực tràng xuất huyết chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng làm tăng nguy cơ chảy máu ồ ạt. Khi này, người bệnh có cảm giác đau quặn bụng, người toát mồ hôi, huyết áp tụt, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần.
Nguy cơ chảy nhiều máu khiến người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa mà cần chỉ định phẫu thuật ngoại khoa cắt toàn bộ đại tràng. Người bệnh cần phải được điều trị càng sớm càng tốt để không gây nguy hại đến tính mạng.
4.4 Ung thư hóa
Người bệnh viêm loét đại tràng chảy máu có tỷ lệ ung thư hóa cao. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng trong 10 năm đầu của bệnh là 2%, 8% sau 20 năm và 18% sau 30 năm. Do đó, nếu người bệnh bị viêm đại tràng mãn tính, cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ để sàng lọc ung thư và điều trị từ sớm (nếu có nguy cơ).
5. Điều trị viêm đại tràng xuất huyết
5.1. Điều trị nội khoa viêm đại tràng xuất huyết
Nguyên tắc điều trị:
Viêm đại tràng chảy máu cần được điều trị sớm để tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Việc điều trị bệnh cần căn cứ vào sức khỏe người bệnh và mức độ tiến triển của bệnh. Đồng thời cần tuân tuân thủ theo nguyên tắc sau:
– Đối với các trường hợp bệnh chưa từng điều trị: Điều trị khởi đầu bằng 1 loại thuốc. Sau đó từ 10-15 ngày đánh giá đáp ứng dựa vào các triệu chứng lâm sàng.
– Đối với các trường hợp bệnh đã hoặc đang điều trị có đợt tiến triển nặng: Bắt đầu lại điều trị bằng hai loại thuốc đang điều trị và điều trị kết hợp thêm 1 loại thuốc khác.
– Đối với trường hợp đã được điều trị và ngừng điều trị từ lâu: Điều trị khởi đầu như trường hợp chưa được điều trị. Tuy nhiên nên bắt đầu điều trị bằng thuốc khác.
– Đối với trường hợp bệnh nhẹ (tổn thương tối thiểu ở trực tràng và đại tràng sigma): Điều trị kết hợp thêm thuốc điều trị tại chỗ như viên đặt hậu môn và thuốc thụt.
– Điều trị bao gồm điều trị tấn công và điều trị duy trì.
Lưu ý:
– Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
– Kết hợp truyền máu cho người bệnh trong trường hợp đại tràng vị xuất huyết nặng gây thiếu máu, tụt huyết áp liên tục.
– Tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hóa; kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, rau sống, đồ uống có cồn…
5.2. Điều trị ngoại khoa viêm đại tràng xuất huyết
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng được chỉ định khi người bệnh gặp phải biến chứng nặng (thủng đại tràng, phình giãn đại tràng nhiễm độc, chảy máu ồ ạt à điều trị nội khoa thất bại, ung thư hóa hoặc dị sản mức độ nặng) hoặc người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa. Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật chủ yếu là mổ hở và mổ nội soi.
Với phương pháp mổ nội soi, bác sĩ thực hiện rạch những đường mổ rất nhỏ trên ổ bụng. Sau đó sử dụng dụng cụ phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột già. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, ít đau, ít chảy máu và hạn chế sau phẫu thuật hơn so với mổ hở. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, nhất là khi người bệnh gặp các tình huống nguy kịch như ung thư thì mổ hở là phương pháp được ưu tiên.
6. Những lưu ý cho người bệnh viêm loét đại tràng
Khi bị viêm đại tràng chảy máu, người bệnh cần lưu ý:
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi thường xuyên 6 tháng/lần bằng nội soi đại tràng, sinh thiết đại tràng để phát hiện dầu hiệu tiền ung thư.
– Đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời trong trường hợp phát hiện có những rối loạn đại tiện, thay đổi tính chất phân (không khuôn, phân lẫn máu), đau bụng,..
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: người bệnh nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cháo, cơm nhão, thịt nạc, cá,…; tránh ăn các loại thịt đỏ, đồ cay nóng, đồ chiên rán, rau sống, thức uống có cồn, chất kích thích….
– Giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái; căng thẳng quá mức hay stress kéo dài có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Viêm đại tràng xuất huyết hiện chưa có điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống và lối sống tốt cho hệ tiêu hóa. Ngay khi phát hiệu có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng.