Nhiễm khuẩn Hp là loại nhiễm khuẩn phổ biến chỉ sau sâu răng với hơn nửa dân số thế giới bị nhiễm loại vi khuẩn này. Vi khuẩn Hp là một trong số những nguyên nhân chính gây đau và viêm loét dạ dày tá tràng. Các triệu chứng của bệnh thường diễn tiến âm thầm nên trong thời gian đầu rất khó phát hiện. Vậy vi khuẩn Hp là gì, có lây không và có những phương pháp test Hp nào?
Menu xem nhanh:
1. Vi khuẩn Hp là gì?
Vi khuẩn Hp có tên khoa học là Helicobacter pylori – là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày chúng ta. Như chúng ta đã biết, môi trường trong dạ dày có tính acid cao vậy tại sao vi khuẩn Hp có thể sống được? Nguyên nhân vì vi khuẩn Hp tiết ra một loại enzyme là urease có khả năng trung hoà acid trong dạ dày. Và cũng chính loại enzym này có khả năng phá huỷ thành niêm mạc dạ dày, từ đó hình thành các tổn thương và gây viêm loét dạ dày – tá tràng.
Theo thống kê, hơn nửa dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Và ở Việt nam con số này lên tới 70%. Mặc dù vậy, phần lớn người nhiễm không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh lý dạ dày.
Vi khuẩn Hp không chỉ gây viêm loét dạ dày tá tràng mà còn có thể dẫn đến biến chứng ung thư dạ dày. Theo nghiên cứu, trung bình 1% số người nhiễm vi khuẩn Hp có nguy cơ mắc ung thư.
2. Vi khuẩn Hp có lây không?
Vi khuẩn Hp có thể tồn tại trong nhiều môi trường và điều kiện nhiệt độ khác nhau. Thông qua các tiếp xúc thông thường, vi khuẩn hoàn toàn có thể lây lan từ người sang người. Các con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn Hp bao gồm:
– Đường miệng – miệng: Đây là con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn Hp. Chúng có thể được truyền qua tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa trong quá trình giao tiếp, ăn uống giữa người lành và người mang mầm bệnh. Do đó, nếu dùng chung bát đũa, cốc đựng nước,.. thì khả năng bị lây nhiễm là rất cao.
– Đường phân – miệng: Vi khuẩn này có thể theo phân đào thải ra môi trường bên ngoài và là nguồn lây sang cộng đồng. Nếu không giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh thì rất dễ bị nhiễm vi khuẩn này.
– Đường khác: Ngoài 2 con đường lây nhiễm chính kể trên thì vi khuẩn Hp có thể truyền từ người này sang người khác qua dụng cụ y tế như nội soi dạ dày, tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,…
3. Triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Hp
Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm vi khuẩn Hp thường diễn ra âm thầm, không rầm rộ nên người bệnh rất khó nhận biết. Chỉ khi vi khuẩn Hp làm tổn thương dạ dày thì người bệnh mới có thể nhận biết. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng của bệnh liên quan đến dạ dày tá tràng thường tương tự nhau. Vì vậy, để biết chính xác có phải do vi khuẩn Hp gây bệnh hay không thì cần làm xét nghiệm chẩn đoán.
Các triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Hp người bệnh nên chú ý là:
– Có cảm giác đau hoặc bỏng rát ở vùng thượng vị
– Đau dạ dày sau khi ăn tối hoặc khi bụng rỗng vào ban đêm
– Cơn đau diễn ra âm ỉ và tự biến mất mà không cần điều trị
– Thường xuyên có cảm giác buồn nôn, ợ chua lên dịch vị dạ dày, nôn ngay cả khi không có thức ăn.
– Chán ăn, ăn ít, dễ bị đầy bụng và sụt cân không rõ nguyên nhân.
4. Cách phát hiện vi khuẩn Hp trong cơ thể
Để xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn Hp cho kết quả chính xác, bạn không được sử dụng kháng sinh trong vong 4 tuần. Ngoài ra các thuốc ức chế tiết acid cũng cần dừng sử dụng ít nhất 2 tuần trước khi làm xét nghiệm. Hiện nay có 4 phương pháp giúp đánh giá sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày là:
4.1 Test hơi thở
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay để đánh giá sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày. Khi đến khám, người bệnh sẽ được uống một viên thuốc hoặc dung dịch có đồng vị phóng xạ cacbon. Sau khoảng 15 phút, kỹ thuật viên sẽ đưa dụng cụ xét nghiệm dạng bóng hoặc thẻ và yêu cầu thở vào đó. Hơi thở trong dụng cụ test sẽ được phân tích và đánh giá xem có vi khuẩn Hp hay không. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện, cho biết tải lượng vi khuẩn trong dạ dày cao hay thấp. Tuy nhiên nó không phản ánh được mức độ tổn thương của dạ dày là nặng hay nhẹ.
4.2 Xét nghiệm phân
Vi khuẩn trong dạ dày có thể được đào thải ra ngoài qua phân. Mẫu phân sau khi được lấy sẽ cho tiến hành phản ứng miễn dịch huỳnh quang để xác định vi khuẩn. Phương pháp này cho kết quả chính xác, chi phí hợp lý nhưng thời gian chờ đợi lâu và vấn đề lấy mẫu xét nghiệm gây nhiều trở ngại cho người bệnh và kỹ thuật viên.
4.3 Xét nghiệm máu
Phương pháp này được tiến hành bằng cách lấy mẫu huyết thanh của người bệnh để đo kháng thể kháng Hp. Tuy nhiên phương pháp này không được ưu tiên thực hiện trường hợp vi khuẩn Hp đã bị tiêu diệt nhưng kháng thể vẫn còn tồn tại trong máu vài tháng hoặc vài năm. Do đó, nếu chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm máu thì độ tin cậy không cao.
4.4 Nội soi tìm vi khuẩn Hp
Đây là phương pháp test Hp có xâm lấn. Một ống nội soi sẽ được đưa từ miệng qua thực quản và đến dạ dày để quan sát vị trí dạ dày bị viêm loét. Trong quá trình nội soi, mô tế bào tại vị trí tổn thương cũng được lấy ra để làm xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn Hp. Phương pháp này cho phép chẩn đoán chính xác vị trí viêm nhiễm trong dạ dày và đánh giá mức độ tổn thương đẻ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
5. Điều trị vi khuẩn Hp như thế nào?
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm giúp nâng cao khả năng chữa khỏi và rút ngắn thời gian chữa bệnh. Trong trường hợp vi khuẩn mới vừa tiến triển gây viêm dạ dày, bác sĩ sẽ kê một số thuốc đặc trị. Như các loại nhiễm khuẩn khác, vi khuẩn Hp có thể bị tiêu diệt bởi kháng sinh, kèm theo thuốc ức chế tiết acid dạ dày trong suốt thời gian điều trị. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn này ngày càng tăng nên người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ và hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi liều dùng hay tự ý mua thuốc bên ngoài.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều chất xơ, rau của quả và uống nhiều nước sẽ tăng tính kiềm trong dạ dày. Từ đó, vi khuẩn không còn môi trường thuận lợi để phát triển, sẽ bị tiêu diệt theo thời gian. Khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh tuyệt đối không được ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức khuya hay stress. Điều này sẽ làm vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiểu biết được vi khuẩn Hp là gì giúp người bệnh chủ động hơn trong việc theo dõi sức khoẻ, thăm khám và điều trị. Việc điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp cần được thực hiện theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn. Kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh chóng đẩy lùi được bệnh.