Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não diện rộng. Trong đó, chụp cộng hưởng từ MRI não (sọ não, mạch não) với các chuỗi xung khuếch tán, tưới máu và xung mạch não cho phép chẩn đoán nhanh và chính xác diện nhồi máu não và đồng thời cho phép tiên lượng tiến triển ổ nhồi máu não.
Menu xem nhanh:
1. Đặc điểm hình ảnh MRI trong nhồi máu não giai đoạn cấp tính
1.1 Thời gian từ khi khởi phát bệnh đến khi được chụp MRI
Thời gian được các chuyên gia khuyến cáo khi đưa người bệnh từ khi bắt đầu có triệu chứng nhồi máu não (triệu chứng khởi phát bệnh) đến khi được chụp cộng hưởng từ MRI não là càng nhanh càng tốt và không nên vượt quá 3 giờ đồng hồ.
Khoảng thời gian 3 giờ là “thời gian vàng” hay “cửa sổ vàng” để điều trị can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Sau khoảng thời gian này, tiên lượng tử vong và tỷ lệ tàn phế ở bệnh nhân cũng tăng lên, các biện pháp can thiệp cũng sẽ nặng hơn.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân đã quá 3 giờ đồng hồ kể từ khi có biểu hiện nhồi máu não vẫn cần khẩn trương đưa người bệnh đến ngay trung tâm cấp cứu đột quỵ ngay để được can thiệp, ngăn biến chứng tử vong xảy ra.
1.2 Vị trí nhồi máu não
Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ đều xác định được vị trí nhồi máu não. Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ có thể xác định chính xác vị trí nhồi máu hơn, kể cả ở những vị trí khó nhận diện (trong đó tổn thương trên lều là chủ yếu chiếm tỷ lệ >90%).
Vị trí tắc động mạch não được đánh giá trên xung mạch TOF của chụp cộng hưởng từ MRI. Có thể xảy ra các trường hợp sau: tắc động mạch não giữa, tắc động mạch cảnh trong, hoặc phối hợp động mạch cảnh trong và động mạch não giữa, tắc động mạch thân nền.
Việc xác định được vị trí tắc động mạch cực kỳ quan trọng trong chiến lược điều trị nhồi máu não. Bởi các thuốc điều trị tiêu sợi huyết nhìn chung sẽ có hiệu quả cao trong điều trị nhồi máu não nếu người bệnh được đưa đến trong giờ vàng. Tuy nhiên với các động mạch lớn như động mạch cảnh trong, động mạch thân nền, gốc động mạch não giữa đoạn M1 thì hiệu quả tái thông không cao. Còn đối với điều trị lấy huyết khối thì ưu tiên các động mạch lớn.
1.3 Thể tích tổn thương nhồi máu trên cộng hưởng từ khi nhập viện
Hầu hết các trường hợp chụp cộng hưởng từ MRI não đều phát hiện được thể tích tổn thương nhồi máu não. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh nhân không phát hiện được nhồi máu ở lần chụp cộng hưởng từ lúc nhập viện, thường các bệnh nhân này có ổ nhồi máu nhỏ (0,2cm3). Như vậy, với những tổn thương nhỏ có thể âm tính trên chụp cộng hưởng từ đặc biệt là giai đoạn sớm.
Thể tích nhồi máu cũng phụ thuộc vào thời gian từ khi có triệu chứng tới khi được chụp cộng hưởng từ. Thể tích trung bình càng lớn nếu bệnh nhân đến viện càng muộn. Sự tiến triển của ổ nhồi máu não sẽ tăng dần theo thời gian, vì vậy trong thực hành lâm sàng đột quỵ nhồi máu não luôn có câu kinh điển đó là “thời gian là não” để nói lên tầm quan trọng của việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não luôn được tính bằng giây, phút.
Sự tồn tại vùng nguy cơ nhồi máu (có nghĩa là vùng bị thiếu máu) mất chức năng tạm thời của tế bào não, có thể được hồi phục nếu được tái tưới máu sớm, ngược lại nếu không được điều trị kịp thời vùng mô não này sẽ hoại tử. Theo thời gian, vùng lõi nhồi máu sẽ tăng dần, đây chính là vùng tổn thương quan sát thấy trên sung DW của chụp cộng hưởng từ.
2. Vai trò của chụp MRI trong chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não diện rộng
2.1 Vai trò chẩn đoán của MRI trong đột quỵ nhồi máu não diện rộng
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) đều là phương pháp chẩn đoán đột quỵ não diện rộng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá cao hơn vai trò của chụp cộng hưởng từ MRI trong việc chẩn đoán sớm và chính xác các tổn thương ở não và hệ thần kinh vì MRI với mức độ xử lý chính xác, phát hiện sớm những tổn thương dù rất nhỏ.
Chụp MRI có thể xác định chính xác đột quỵ thuộc dạng nào (nhồi máu não hay xuất huyết não), thời gian diễn ra bao lâu, diện tích tổn thương, vị trí tổn thương và tiên lượng vùng tổn thương.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu thấy người bệnh có biểu hiện đột quỵ cần đưa người bệnh đến viện ngay để được cấp cứu và chụp MRI càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất để chụp MRI cho bệnh nhân bị đột quỵ não là trong vòng 1,5-3 giờ kể từ khi người bệnh có biểu hiện đầu tiên của đột quỵ não. Thời gian chụp cộng hưởng từ còn tùy thuộc vào vị trí mỗi bộ phận, nếu chụp MRI não thường khoảng 15-20 phút.
Bạn có thể gọi sự hỗ trợ từ xe cứu thương hoặc tự vận chuyển đưa người bệnh đến cơ sở y tế có cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Khi vận chuyển cần lưu ý, tránh bế xốc, tránh vận chuyển người bệnh bằng xe máy mà nên vận chuyển người bệnh bằng xe ô tô, taxi. Nếu có thể bạn hãy kết nối với bác sĩ để trao đổi về tình trạng hiện tại của bệnh nhân trong suốt quá trình vận chuyển người bệnh đến viện.
2.2 Vai trò dự báo tiến triển và tiên lượng phục hồi lâm sàng của MRI trong đột quỵ nhồi máu não diện rộng
Máy chụp cộng hưởng từ MRI có thể đánh giá chính xác vị trí tổn thương, diện tích tổn thương từ đó dự báo được sự tiến triển của khối nhồi máu não, từ đó tiên lượng được khả năng phục hồi trên lâm sàng của người bệnh.
Các giai đoạn tiến triển của ổ nhồi máu não gồm: Ổ giảm tỉ trọng không rõ bờ -> bờ rõ -> ổ thu nhỏ.
Với ổ nhồi máu não diện rộng tức là khi này kích thước tổn thương lớn, tiên lượng tử vong của người bệnh cũng cao hơn. Các chuyên gia cần xem xét thật kỹ phương án để có thể đưa ra hướng giải quyết an toàn và hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Không chỉ có ý nghĩa trong chẩn đoán, MRI cũng được sử dụng để kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt là tổn thương của não và hệ thần kinh.