Điều trị đột quỵ nhồi máu não tính bằng giây, phút

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Người bệnh đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Nếu người bệnh may mắn sống sót sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề đeo bám đến suốt đời. Chính vì vậy, điều trị đột quỵ nhồi máu não cần khẩn trương để không bỏ lỡ “thời gian vàng”, giúp bệnh nhân sống sót và giảm tỷ lệ biến chứng sau này. 

1. “Thời gian vàng” điều trị đột quỵ nhồi máu não

Đây là khoảng thời gian cho phép mà nếu người bệnh được can thiệp xử trí trong khoảng thời gian này thì tỷ lệ sống sót sẽ rất cao và không/hoặc ít để lại di chứng về sau (tăng khả năng hồi phục hoàn toàn).

Các chuyên gia trong lĩnh vực Thần kinh –  Đột quỵ cho biết, “thời gian vàng cấp” cứu bệnh nhân đột quỵ não thường được giới hạn trong 3-4,5 giờ đầu, kể từ khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.

Chẳng hạn, nếu bạn thấy người bệnh có biểu hiện của đột quỵ hoặc nghi ngờ đột quỵ được đưa đến bệnh viện xử trí trong 3 hoặc 4,5 giờ đầu tính từ lúc người bệnh bắt đầu có dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ thì được coi là thời gian vàng. Nếu chậm trễ sau khoảng thời gian trên tức là đã bỏ lỡ thời gian vàng, tỷ lệ tử vong sẽ cao và tăng khả năng phải gánh chịu các di chứng nặng nề sau này.

“Thời gian vàng” điều trị đột quỵ nhồi máu não

Cấp cứu trog khoảng thời gian 3 đến 4,5 giờ đầu, tính từ lúc người bệnh bắt đầu có dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ thì được coi là thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não.

2. Điều trị cấp cứu chung bệnh nhân đột quỵ

Kiểm tra và bảo vệ đường thở (nếu cần hút đàm, đặt nội khí quản)

Kiểm tra nhịp thở, kiểu thở, độ bão hòa oxy

Kiểm tra tuần hoàn (có loạn nhịp không, mạch, huyết áp ổn định hay quá cao, thấp)

Thân nhiệt, đường huyết

Lập đường truyền tĩnh mạch (tránh dung dịch glucose nếu không cần thiết)

Kiểm soát co giật nếu xảy ra nhiều lần.

3. Điều trị chuyên biệt

3.1 Điều trị đột quỵ nhồi máu não bằng tái tưới máu

3.1.1. Ly giải huyết khối đường tĩnh mạch

Ly giải huyết khối đường tĩnh mạch bằng rtPA: kết quả tái thông khoảng 1/3 các mạch máu tắc. Actilyse liều 0,6 hoặc 0,9 mg/kg, tối đa 90 mg, 10% bolus tĩnh mạch, còn lại tiêm tĩnh mạch trong 60 phút. Liều thấp nên sử dụng cho bệnh nhân nguy cơ xuất huyết não cao hoặc đang sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu.

– Điều trị càng sớm càng tốt (cửa sổ điều trị ≤ 4,5 giờ) sẽ tăng cơ hội hồi phục tốt (mRS = 0 hoặc 1) lên 1,3-1,4 lần.

– Biến chứng xuất huyết não (trong vùng nhồi máu não): 4,1% (xấu thêm tình trạng thần kinh) – 12,2% (không xấu thêm tình trạng thần kinh); và 2,7% gây tử vong.

– Nguy cơ xuất huyết não sau rtPA ở bệnh nhân tiểu đường, rung nhĩ, suy tim, suy thận, đang dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, có hình ảnh nhồi máu não trước điều trị.

3.1.2 Lấy huyết khối bằng dụng cụ

– Các phương tiện mới như retrievable stents và hệ thống Penumbra giúp thực hiện nhanh hơn và tỉ lệ tái thông tốt hơn; khi thực hiện sớm: hiệu quả tốt hơn rtPA đường tĩnh mạch ở các bệnh nhân tắc động mạch. – Cửa sổ điều trị: 6 giờ; kết quả tốt càng cao nếu thời gian khởi phát đến thời điểm đâm kim làm thủ thuật càng ngắn.

Điều trị đột quỵ nhồi máu não bằng tái tưới máu

Người bị đột quỵ não cần được lấy huyết khối tái thông mạch máu kịp thời, nếu không các tế bào não bị thiếu máu sẽ tổn thương vĩnh viễn.

3.2 Bảo vệ tế bào thần kinh trong điều trị đột quỵ nhồi máu não

Sử dụng thuốc bảo vệ tế bào thần kinh phổ biến hiện nay là cerebrolysin và neuroaid. Nhằm mục đích can thiệp vào dòng thiếu máu não (bị ứ đọng Ca++, nước trong tế bào não, phù não tế bào).

3.2.1. Điều trị nguyên nhân bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu

– Aspirin: Sử dụng sớm trong vòng 48 giờ để giảm tỷ lệ tử vong do, không tăng nguy cơ xuất huyết não có ý nghĩa; giảm tái phát khoảng 1/3 (IST, CAST)

+ Liều dùng: loading dose 300 mg/ngày, liên tục 2 tuần; sau đó chuyển sang aspirin 81 mg/ngày hay clopidogrel 75 mg/ngày (khi chuyển liều có thể sử dụng clopidogrel 300mg/ngày để đạt liều điều trị nhanh)

– Thuốc kháng kết tập tiểu cầu khác: + Clopidogrel:  Ít dữ liệu trong nhồi máu não cấp: khi không dung nạp aspirin; liều tải 300 mg.

Bệnh nhân có cơn thoáng thiếu máu não và nhồi máu não nhẹ (nguy cơ tái phát cao: 10-12% trong tuần thứ 1), đặc biệt có hẹp các động mạch lớn (cảnh, cột sống, trong so): kết hợp clopidogrel đơn thuần.

Thuốc kháng tập kết tiểu cầu giúp bảo vệ tế bào thần kinh trong điều trị đột quỵ nhồi máu não.

Thuốc kháng tập kết tiểu cầu giúp bảo vệ tế bào thần kinh trong điều trị đột quỵ nhồi máu não.

3.2.2. Điều trị nguyên nhân bằng thuốc kháng đông

Sử dụng trong nhồi máu não cấp ở các bối cảnh: Liều đầy đủ cho các nhồi máu não, thuyên tắc từ tim (đặc biệt rung nhĩ) và dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu.

– Kháng đông trong thuyên tắc từ tim: + Hiệu quả, đặc biệt rung nhĩ. + Nên chờ đợi sau 2 tuần nếu nhồi máu não lớn, nếu nhồi máu não nhẹ hoặc cơn thoáng sử dụng ngay. + Nếu thấy có nguy cơ chuyển sang dạng xuất huyết (khi nhồi máu não lớn) thì nên chụp CT kiểm tra trước sử dụng (nếu có chuyển dạng xuất huyết, trì hoãn).

– Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu: + Chưa có bằng chứng heparin tiêm dưới da ở tất cả nhồi máu não cấp. + Thuyên tắc phổi: điều trị bằng heparin sau đó chuyển sang kháng đông kháng vitamin K, nếu kèm xuất huyết não hoặc xuất huyết nặng khác (xuất huyết tiêu hóa): đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới.

3.2.3. Kiểm soát các thông số sinh lí

Huyết áp

Khoảng 80% ca nhồi máu não cấp có tăng huyết áp (đã có hoặc đáp ứng stress); có thể có lợi: tăng tưới máu não hoặc có hại tăng nguy cơ chuyển dạng xuất huyết hoặc tái phát (nếu nhồi máu não diện rộng). – Dựa vào tình trạng tăng áp lực nội sọ, các bệnh lí đi kèm của từng bệnh nhân (suy tim, suy thận, đái tháo đường…), nguyên nhân nhồi máu não (hẹp, tắc động mạch lớn…), các biến chứng thứ phát, tình trạng suy các cơ quan và thời điểm đánh giá để dự tính áp lực tưới máu não cần thiết và quy thành huyết áp trung bình cho từng bệnh nhân.

– Không nên hạ huyết áp nhanh > 15mmHg/giờ và > 10% trong 24 giờ đầu trừ khi cần thiết.

Tụt huyết áp: gây nhồi máu não lan rộng, cần theo dõi bằng monitoring trong ngày đầu tiên sau nhồi máu não. Tìm nguyên nhân: xuất huyết, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim, thiếu nước, nhiễm trùng, thuyên tắc phổi. Điều trị: theo nguyên nhân trên, bù dịch, nâng chân cao, ngưng thuốc hạ huyết áp, dùng thuốc vận mạch nếu cần.

Đường huyết

Thường gặp tăng đường huyết cấp (do phản ứng stress hoặc đái tháo đường). Kiểm soát đường huyết trong khoảng 80-150 mg%.

– Sử dụng Insulin Actrapid để kiểm soát huyết áp.

Sốt

Sốt có thể liên quan kết quả xấu, có thể từ trung ương, nhưng phần lớn liên quan do viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, hệ tiêu hóa, khớp,… Cần tìm kiếm nguyên nhân nhiễm trùng ở tất cả bệnh nhân nhồi máu não có sốt.

Giảm oxy máu

Cần đảm bảo SpO2 > 93%

Sao đó, các bác sĩ cần xây dựng biện pháp phòng ngừa và điều trị các biến chứng sau đột quỵ cho người bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital