Cướp đi sinh mạng 30% bệnh nhân, làm rối loạn tâm thần, động kinh, liệt,… 50% số bệnh nhân còn lại, viêm não Nhật Bản được đánh giá là một bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Rất may mắn, ở thời điểm hiện tại, bệnh truyền nhiễm này có thể được dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Về viêm não Nhật Bản
1.1. Nguyên nhân
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do hoạt động của virus viêm não Nhật Bản (JEV), thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus. Virus này có liên quan đến một bệnh truyền nhiễm cấp tính khác, cũng rất phổ biến và nguy hiểm, là sốt xuất huyết. Theo chuyên gia, virus viêm não Nhật Bản là loại virus có khả năng chịu nhiệt kém. Chúng bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và ở nhiệt độ 100 độ C trong 2 phút.
Tương tự sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cũng có trung gian truyền bệnh là muỗi. Cụ thể là muỗi Culex (muỗi ruộng). Với nguồn bệnh chủ yếu là gia cầm và gia súc, tiêu biểu như các loài chim hoang dã và lợn, trẻ có thể nhiễm viêm não Nhật Bản khi bị đốt bởi muỗi Culex đã đốt gia cầm/gia súc nhiễm virus viêm não Nhật Bản.
1.2. Biến chứng
Khi mắc viêm não Nhật Bản, hệ thần kinh trung ương của trẻ nhiễm trùng nghiêm trọng. Bởi thế, điều trị viêm não Nhật Bản là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tỷ lệ trẻ tử vong vì viêm não Nhật Bản trung bình là 30% (25 – 35%) và tỷ lệ viêm não Nhật Bản để lại di chứng cho trẻ là 50%.
Không dừng lại ở đó, di chứng viêm não Nhật Bản còn là những di chứng nặng nề, vĩnh viễn. Cụ thể, chúng là: Rối loạn tâm thần, động kinh, liệt,… Với những di chứng đó, khả năng lao động của trẻ viêm não Nhật Bản bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn. Trẻ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Ngoài những di chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương, trẻ viêm não Nhật Bản còn có thể bị viêm phế quản – viêm phổi, viêm bể thận – viêm bàng quang, rối loạn chuyển hóa,… Mặc dù không nghiêm trọng như các di chứng liên quan đến hệ thần kinh, những di chứng này vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
2. Về vắc xin viêm não Nhật Bản
Trước thực trạng: Điều trị viêm não Nhật Bản khó khăn, bệnh dễ gây tử vong, dễ để lại di chứng, dự phòng bệnh là cực kỳ cần thiết. Rất may mắn, như đã chia sẻ phía trên, ở thời điểm hiện tại, bệnh truyền nhiễm này có thể được dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin.
2.1. Vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ là gì?
Vắc xin viêm não Nhật Bản là vắc xin tạo đáp ứng miễn dịch chủ động chống viêm não Nhật Bản. Khi được đưa vào cơ thể, vắc xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể để tiêu diệt virus JEV, gây bệnh viêm não Nhật Bản.
2.2. Có những loại vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ nào?
Hiện nay, ở Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin viêm não Nhật Bản an toàn – hiệu quả, là Imojev và Jevax.
– Imojev: Imojev là vắc xin thế hệ mới, được sản xuất bởi Sanofi Pasteur (Pháp) – một trong những hãng dược phẩm hàng đầu thế giới. Imojev tạo miễn dịch nhanh và bền vững, được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người trưởng thành, bắt đầu từ năm 2019.
– Jevax: Là vắc xin do Vabiotech (Việt Nam) sản xuất. Jevax được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người trưởng thành.
Cả Imojev và Jevax đều đã trải qua quá trình nghiên cứu – thử nghiệm nghiêm ngặt và đều đã được cấp phép sử dụng rộng rãi. Chính vì vậy, dù bố mẹ chọn Imojev hay Jevax cho trẻ, trẻ sẽ đều được bảo vệ hiệu quả một cách an toàn trước viêm não Nhật Bản.
2.3. Phác đồ tiêm
Imojev và Jevax có phác đồ tiêm khác nhau. Theo đó:
2.3.1. Imojev
– Lịch tiêm: Tiêm 2 mũi, cách nhau 12 tháng.
– Liều dùng: 0,5ml.
– Đường dùng: Tiêm dưới da.
2.3.2. Jevax
– Lịch tiêm: Tiêm nhiều mũi. Trong đó: Mũi 2 và mũi 1 cách nhau 7 – 14 ngày. Mũi 3 và mũi 2 cách nhau ít nhất 12 tháng. Các mũi nhắc, cách mỗi 3 năm cho đến khi 15 tuổi.
– Liều dùng: 0,5ml với trẻ dưới 3 tuổi và 1ml với trẻ trên 3 tuổi.
– Đường dùng: Tiêm dưới da.
2.3.3. Chuyển từ Jevax sang Imojev
– Nếu đã tiêm 1 mũi Jevax, trẻ được tiêm thêm 2 mũi Imojev như sau: Mũi 1 cách mũi Jevax tối thiểu 14 ngày. Mũi 2 cách mũi 1 Imojev tối thiểu 1 năm.
– Nếu đã tiêm 2 mũi Jevax, trẻ được tiêm thêm 1 mũi Imojev, cách mũi Jevax thứ 2 tối thiểu 1 năm.
– Nếu đã tiêm 3 mũi Jevax, trẻ được tiêm thêm 1 mũi Imojev, cách mũi Jevax thứ 3 tối thiểu 1 năm.
2.4. Những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản
Sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng và 48 tiếng tại nhà (đặc biệt lúc ban đêm). Nếu trẻ sốt nhẹ (38 – 38,5 độ C), ớn lạnh, quấy khóc, ăn uống kém hơn bình thường, đau, hơi ngứa, hơi nóng tại vị trí tiêm,… bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm, vì đây là những phản ứng bình thường, hầu hết sẽ biến mất trong 1 – 2 ngày. Lúc này, bố mẹ cần xử trí như sau:
– Cho trẻ mặc quần áo mềm mại, rộng rãi, thấm hút mồ hôi.
– Với trẻ dưới 6 tháng, cho trẻ bú nhiều bữa nhỏ một ngày. Với trẻ trên 6 tháng, có thể cho trẻ uống thêm nước hoa quả, cháo,…. Lưu ý: Không để trẻ nằm trong và sau khi bú/ăn.
– Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C: Cởi bớt quần áo, chườm ấm trán, nách, bẹn và cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt (Paracetamol, 10 – 15mg/1kg/1 lần, 4 – 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn sốt trên 38,5 độ C, 24 giờ không dùng quá 4 lần). Sau lần thứ 3 sử dụng, nếu trẻ không cắt sốt, bố mẹ phải liên lạc ngay với phòng tiêm chủng.
– Không bôi, đắp bất kỳ thứ gì lên vết tiêm,…
Trong trường hợp trẻ: Sốt cao trên 39 độ C, co giật hoặc mệt lả, lử đử, không có phản ứng khi được gọi; khó thở, da tím tái; phát ban, sưng môi, sưng mí mắt; quấy khóc dữ dội; nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại;…; đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất lập tức để trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phía trên là một số thông tin cơ bản về viêm não Nhật Bản và vắc xin viêm não Nhật Bản, bố mẹ nhất định phải biết. Nếu còn thắc mắc, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!