Túi mật có polyp nên được điều trị như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Túi mật có polyp (polyp túi mật) là loại bệnh lý thường gặp hiện nay và chủ yếu gặp ở người trưởng thành với tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới. Hầu hết các trường hợp bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh, nếu có thì cũng là tình cờ phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh lý khác.

1. Tổng quan về polyp túi mật

1.1. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật hay còn có cách gọi khác là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, đây là một dạng tổn thương u hoặc giả u phát triển nằm trên bề mặt niêm mạc túi mật. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính (thường tỷ lệ mắc ở nữ là cao hơn).

Polyp túi mật thường được phát hiện qua sàng lọc khám sức khỏe định kỳ hàng năm, tầm soát siêu âm tổng quát hoặc khi thăm khám đối với một loại bệnh lý khác.

Túi mật có polyp là gì?

Polyp túi mật gặp chủ yếu ở người trường thành và thường được phát hiện tình cờ khi thăm khám sức khỏe định kỳ.

1.2. Phân loại và kích thước của polyp

Các hình thái tổ chức u nhú sẽ có bản chất khác nhau nên có thể là u lành tính hoặc không lành tính (ung thư). Theo ước tính, khoảng trên 90% các trường hợp polyp đều xác định là lành tính, gồm có hai loại chính:

– U tuyến: U cơ, u mỡ,u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u…

– Polyp túi mật ác tính: U sắc tố, ung thư tuyến, di căn ung thư…

Số lượng và kích thước polyp túi mật cũng khá phong phú nhưng đa phần là có một polyp trong túi mật với kích thước < 10 mm. Một số trường hợp có thể cùng lúc có nhiều polyp trong túi mật hoặc có kích thước lớn hơn lên đến 20 – 40 mm.

1.3. Nguyên nhân túi mật có polyp

Cho đến nay, y học vẫn chưa thể kết luận về nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng sự hình thành của các u nhú ở tuyến mật có liên quan chặt chẽ với một số yếu tố như: Chức năng gan kém hoặc các bệnh lý về gan do virus, mỡ máu, quá trình chuyển hóa Cholesterol bất thường, thói quen ăn uống không khoa học, người béo phì,…

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khả năng mắc bệnh là:

– Người bệnh trên 60 tuổi và có tiền sử bệnh lý, hội chứng về gan.

– Người bệnh bị béo phì, chỉ số đường máu, mỡ máu cao.

– Thói quen ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều các thực phẩm giàu chất béo, Cholesterol vào cơ thể.

– Người bệnh có tiền sử từng mắc sỏi mật hoặc bị viêm đường mật nguyên phát.

Đối tượng thường bị polyp túi mật

Polyp túi mật có thể gặp ở nhiều đối tượng không phân biệt giới tính độ tuổi, nhưng thường gặp nhất ở người trung niên.

2. Triệu chứng và cách chẩn túi mật có polyp

Phần lớn các trường hợp polyp túi mật thường không biểu hiện rõ các triệu chứng ra bên ngoài nên rất khó nhận biết và thường chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi người bệnh khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám vì các lý do khác.

Chỉ có khoảng 6 – 7% các trường hợp polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng ra ngoài, thường gặp nhất là đau tức vùng dưới sườn phải hoặc đau vùng trên rốn, một số ít có thể có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, chậm tiêu và co cứng nhẹ tại vùng dưới sườn phải, nhất là khi ăn những thức ăn chiên xào, nhiều chất béo.

Chính vì vậy, việc phát hiện và chẩn đoán polyp túi mật chủ yếu là nhờ vào các phương pháp hình ảnh học như siêu âm (đây là phương pháp phổ biến nhất), siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân.

3. Chỉ định điều trị với trường hợp túi mật có polyp

Có trên 90% polyp túi mật được xác định bản chất là lành tính, hoàn toàn có thể chung sống “hòa bình” với chúng nên phần lớn người bệnh sẽ không cần đến can thiệp gì (điều trị bảo tồn). Tuy nhiên, không thể bỏ qua hoàn toàn trường hợp polyp phát triển thành ác tính gây ra những hậu quả khôn lường thì cần được cắt bỏ túi mật (phẫu thuật).

Điều trị túi mật có polyp

Hầu hết các trường hợp có thể chung sống bình thường khi có polyp nhưng không loại trừ khả năng phẫu thuật cắt bỏ túi mật khi polyp tiến triển ác tính.

3.1. Điều trị bảo tồn

Trên 90% polyp túi mật đều là lành tính. Vì thế, với các khối polyp nhỏ (nhỏ hơn 10mm) và không gây ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh thì có thể thực hiện theo dõi sự tiến triển của khối polyp nhờ siêu âm định kỳ 6 tháng/lần, kết hợp cùng các phương pháp hỗ trợ điều trị khác mà điển hình nhất là thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt sao cho hợp lý và khoa học.

3.2. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật có polyp

Chỉ định phẫu thuật được đưa ra khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng nặng và bác sĩ đã nghi ngờ tính ác tình của polyp, vì vậy các bác sĩ đã thống nhất đưa ra một phác đồ xử trí đối với các trường hợp polyp túi mật cần được phẫu thuật như sau:

– Loại polyp có chân rộng ( thường là polyp không cuống).

– Kích thước polyp lớn (lớn hơn 10mm).

– Polyp có kích thước nhỏ, nhưng lại mọc thành những cụm lớn (đa polyp).

– Polyp phát triển một cách nhanh bất thường, dễ dàng lan rộng hoặc tăng lên về số lượng, kích thước chỉ trong một thời gian ngắn.

– Polyp phát triển ở những người trung niên và thường là trên 50 tuổi.

– Polyp có triệu chứng nặng và gây viêm túi mật tái phát thường xuyên.

– Polyp ở người có bệnh lý viêm xơ đường mật tiên phát hoặc bị sỏi túi mật.

Túi mật có polyp là tình trạng không hiếm gặp hiện nay. Hầu hết phần lớn polyp là lành tính nhưng không thể chủ quan loại bỏ tỷ lệ phát triển thành ác tính. Chính vì vậy, cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital