Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính

Tham vấn bác sĩ
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Lâm

Bác sĩ Dinh dưỡng

Dinh dưỡng cho người điều trị bệnh mạn tính là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng không chỉ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe mà còn là một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị và chuyển biến tích cực các vấn đề bệnh lý. Chính vì thế, song song với dùng thuốc thì tư vấn và lên phác đồ dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính là điều hết sức cần thiết đối với mỗi bệnh nhân. Tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, nhiều người bệnh đã cải thiện đáng kể tình trạng bệnh của mình nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học do các chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm xây dựng.

1. Vì sao dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính đóng vai trò quan trọng

Dinh dưỡng là nhu cầu không thể thiếu đối với con người, và là một phần nguồn sống của cơ thể. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là tiền đề cho mỗi tế bào khỏe mạnh và giúp cơ thể phát triển một cách toàn diện.

Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính đóng vai trò quan trọng trong điều trị

Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính đóng vai trò quan trọng trong điều trị.

Ngược lại,dinh dưỡng quá thừa hoặc quá thiếu điều khiến cho các tế bào phát triển quá mức hoặc suy yếu, là căn nguyên khiến cơ thể tổn thương và tự nhiễm bệnh. Có thể kể đến rất nhiều bệnh lý mạn tính nghiêm trọng liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng như:

– Các bệnh ung thư.

– Các bệnh về cơ xương khớp.

Bệnh tim mạch.

– Bệnh lý thận tiết niệu, bệnh lý toàn thân,….

Trong điều trị các bệnh lý mạn tính, dinh dưỡng được coi là phương thuốc quan trọng trong điều trị bởi tác động trực tiếp tới nguồn nuôi sống các tế bào. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý hoàn toàn có khả năng giúp cơ thể tự chữa lành hoặc góp phần thúc đẩy quá trình điều trị hiệu quả hơn.

2. Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính

Dinh dưỡng cho mỗi người bệnh là không giống nhau và với mỗi bệnh lý cũng có những điểm khác biệt. Chính vì thế, để có một chế độ dinh dưỡng tốt phục hồi bệnh nhanh cần thăm khám và tư vấn trực tiếp tại các khoa dinh dưỡng thuộc các bệnh viện uy tín như khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.

Dưới đây là một số nguyên tắc trong tư vấn dinh dưỡng cho một số bệnh lý mạn tính thường gặp:

2.1. Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Theo thống kê, phần lớn các bệnh nhân ung thư thường tử vong do kiệt quệ trước khi tử vong do tế bào ung thư phát tác. Chính vì thế chế độ dinh dương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị.

Các bệnh nhân ung thư khi trị xạ thường có cảm giác buồn nôn và rất dễ nôn ói. Chính vì thế, với chế độ dinh dưỡng của người đang điều trị ung thư cần lưu ý một số điều sau đây:

Về thời gian và các thức ăn uống:

– Ăn trước khi cảm thấy đói để tránh buồn nôn.

– Kiêng tất cả các thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ.

– Ăn nhiều bữa nhỏ và ưu tiên đồ khô như bánh quy hay bánh mì nướng.

– Uống đủ từ 8 – 12 ly nước mỗi ngày và nên uống từng hớp rải rác cả khi không thấy khát, tránh các đồ uống chứa cafein.

Về khẩu phần ăn cần đảm bảo các nhóm chất sau đây:

– Protein: Bổ sung đa dạng nguồn protein từ động vật và thực vật. Trong đó, người bệnh nên ưu tiên sử dụng thịt trắng từ gà, cá,.. nhiều hơn các loại thịt đỏ.  Các protein này chính là nguồn cung cấp các acid amin cần thiết cho cơ thể.

– Tinh bột: Nguồn tinh bột cho người ung thư là nguồn tinh bột tốt từ các loại ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, lúa mạch,…) các loại rau củ quả (khoai lang, sắn, khoai sọ,…). Không nên cho người bệnh ăn các đồ ăn chế biến sẵn bởi chứa nhiều phụ gia gây hại và thường chứa nhiều đường không tốt cho cơ thể.

– Chất béo là một trong những nguồn dinh dưỡng cho cơ thể nhiều năng lượng nhất. Tuy nhiên không được lạm dụng ăn quá nhiều chất béo. Đặc biệt với các đồ chiên, rán nhiều dầu mỡ người bệnh cần hạn chế tối đa. Chất béo phù hợp cho bệnh nhân là các nguồn chất béo không no đến từ thực vật như lạc, mè,…

– Rau xanh và trái cây giúp cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên cần đảm bảo không có hóa chất bảo vệ thực vật và hoa quả tươi nguyên, hợp vệ sinh.

2.2. Dinh dưỡng cho người bệnh tim mạch

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tim mạch

Người bệnh tim mạch cần có chế độ dinh dưỡng riêng và phù hợp.

Béo phì là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ tim mạch. Chính vì vậy đối với người bị bệnh tim thì kiểm soát chế độ ăn, năng lượng và đặc biệt lượng chất béo dung nạp vào cơ thể đóng vai trò vô cùng quan trọng.

– Chất béo (Lipid) không quá 20% nhu cầu năng lượng của một ngày. Người mắc bệnh tim mạch nên sử dụng các chất béo không no có nguồn gốc thực vật, cá để làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim.

– Chất đường bột cần ưu tiên sử dụng các đường bột có nguồn gốc từ các hạt nguyên cám. Lý do bởi nguồn thực phẩm này cung cấp axit béo không no và glucid rất tốt giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

– Chất đạm (Protein): Tương tự như chất béo, các chất đạm thực vật đều mang đến những tác dụng tích cực cho người bị bệnh tim mạch, đặc biệt là các nguồn đạm từ đậu nành. Ngược lại, người mắc bệnh tim mạch nên hạn chế tối đa các đạm động vật.

– Vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt các vitamin nhóm B và axit folic còn có tác dụng tích cực ngăn ngừa các bệnh về mạch máu. Ăn nhiều rau xanh và trái cây là cách tốt nhất để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất.

2.4. Dinh dưỡng cho người bị bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý cần có chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt giúp kiểm soát tối đa lượng đường. Về dinh dưỡng, người bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2 cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc dinh dưỡng sau đây:

– Ăn đúng giờ và đủ lượng cho phép. Ăn đúng giờ và đủ lượng cho phép trong mỗi bữa ăn giúp cơ thể quen làm quen với chế độ ăn uống và giúp dễ dàng kiểm soát lượng đường trong cơ thể.

– Chia thành nhiều bữa nhỏ: Khác với người bình thường, người tiểu đường không thể ăn tập trung ba bữa sáng – trưa – tối mà cần chia nhỏ và đan xen với các bữa phụ. Điều này cho phép lượng đường huyết không tăng đột ngột, vẫn trong ngưỡng cho phép và tránh được các biến chứng có thể xảy ra.

Về chế độ ăn đảm bảo lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, cụ thể về thành phần đường bột, protein, chất béo,.. cần đảm bảo:

– Thành phần protein chiếm 15 -20% trong khẩu phần ăn và  không quá 0.8g/kg/ngày để tránh ảnh hưởng tới thận, đặc biệt là người có dấu hiệu bệnh thận sớm.  Cụ thể các thực phẩm nên lựa chọn để bổ sung protein là:

– Thành phần chất béo khoảng 25 – 30% khẩu phần ăn và hạn chế sử dụng chất béo động vật và tăng cường các chất béo thực vật từ các loại hạt hướng dương, đậu nành, vừng mè,..

– Thành phần bột đường: Đây là một trong những thành phần dễ khiến tăng đường huyết máu và không tốt cho người tiểu đường. Chính vì thế việc sử dụng các thực phẩm có nhiều thành phần bột đường cần thận trọng. Người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm chứa đường bột (gluxit) dạng phức hợp từ các loại khoai, hạt và củ để quá trình hình phân giải đường diễn ra một cách bình thường, tránh tăng đường huyết. Cần hạn chế tối đa các thực phẩm có hàm lượng đường cao như các loại bánh kẹp, đồ ngọt,……

Dưới đây là một số nhóm thực phẩm theo hàm lượng đường khác nhau:

– Hàm lượng đường gluxit thấp dưới 5%: các nhóm thịt cá, đậu phụ, các loại quả dưa bở, dưa chuột,…

– Hàm lượng đường từ 10 – 20% gồm các nhóm quả xoài chín, đậu hà lan, đậu vàng, cam, quýt, táo,… nên ăn hạn chế  2 – 3 lần./ tuần

– Hàm lượng đường cao gồm các đồ sấy, bánh kẹo ngọt,… nên tránh tối đa.

2.5. Dinh dưỡng cho người bị bệnh Gút mạn tính

Bệnh Gút là bệnh lý liên quan tới chuyển hóa axit uric không hoàn toàn gây lắng đọng các muối axit uric tại các khớp xương gây đau nhức. Người bị bệnh Gút mạn tính cần có chế độ dĩnh dưỡng tuân thủ theo chế độ sau:

– Kiêng các thực phẩm có chứa nhiều axit uric như các loại óc, gan, nước ninh xương hay luộc thịt,…Hạn chế ăn các thực phẩm như thịt, cá, hải sản,…

– Không sử dụng các chất làm tăng axit uric trong máu như các chất kích thích: rượu, bia, cà phê,..

– Ưu tiên các thực phẩm chứa ít axit uric như  các loại ngũ cốc, bơ trứng, sữa, các loại rau xanh,…

– Gia tăng lượng đường bột trong khẩu phần ăn thông qua các loại thực phẩm như cơm, gạo, bánh mì,…

– Ưu tiên các loại nước kiềm như nước rau và nước khoáng,.. và thực hiện uống đủ nước mỗi ngày.

2.6. Dinh dưỡng cho người bị suy gan, thận

Dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính suy gan, thận.

Dinh dưỡng cho người bị suy gan, thận.

Suy gan thận mạn tính là một trong các bệnh lý liên quan trực tiếp tới chế độ dinh dưỡng. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Với những bệnh nhân đang bị suy gan, chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo:

– Năng lượng cho cơ thể từ 30 – 35 kcal/kg/ngày.

– Giảm đạm theo tình trạng suy gan, thận, và tăng thực phẩm chứa glucid để đạt đủ glucid theo khuyến nghị.

– Thực hiện chế độ ăn nhạt.

– Hạn chế các thực phẩm giàu kali, photphat.

Dưới đây là một số thực phẩm nên và không nên dùng đối với người bị suy gan, thận mạn tính:

– Các loại thực phẩm tốt cho người suy gan, thận: tinh bột từ các loại ngũ cốc nguyên cám, khoai, sắn, các thực phẩm giàu đạm và ít béo như thịt nạc, tôm; các loại dầu thực vật  như mè, vừng, hướng dương,..và rau xanh ít đạm (bầu bí, rau họ cải), các loại quả ngọt,….

– Các thực phẩm cần tránh: Các loại thực phẩm chứa cholesterol như nội tạng, bơ, mỡ động vật,.. ; các loại rau nhiều đạm như rau dền, đậu quả, rau ngót,..; các đồ muối chua và thực phẩm được chế biến sẵn. Ngoài ra, cần tránh các đồ uống chứa chất kích thích và các loại quả chua.

2.7. Dinh dưỡng cho người hen suyễn mạn tính

Hen suyễn mạn tính là bệnh lý liên quan tới đường hô hấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường thở của người bệnh. Một chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa hen tiến triển.

Theo các bác sĩ khoa Dinh dưỡng của Thu Cúc, người bị hen mạn tính cần đặc biệt chú ý chế độ dinh dưỡng như sau:

– Cung cấp đầy đủ chất đạm theo khối lượng khoảng 1g đạm/kg/ngày.

– Ưu tiên các rau củ quả chứa nhiều vitamin C như các loại rau họ cải, rau ngót,.. và các loại trái cây như ổi, cam, bưởi,…

– Nên bổ sung các thực phẩm giàu Beta Caroten có trong cà rốt, chùm ngây, bí đỏ, đu đủ, ớt chuông,… và các thực phẩm chứa nhiều vitamin E như các rau mầm, các loại đậu và hạt,..

– Đặc biệt các loại gia vị như hành, tỏi hay nghệ, các loại rau thơm,… có tác dụng tích cực đối với người bị hen suyễn, giúp tăng đề kháng và chức năng hô hấp.

Riêng đối trẻ nhỏ đang dùng sữa mẹ, việc bú mẹ là vô cùng quan trọng để kích thích đề kháng tự nhiên của trẻ. Trong trường hợp mẹ bị hen suyễn, việc cho trẻ vẫn cần duy trì và hoàn toàn không bị ảnh hưởng hay lây nhiễm bệnh từ mẹ. Ngược lại mẹ mắc hen suyễn khi cho trẻ bú thường xuyên càng giúp gia tăng cơ hội trẻ không mắc hen suyễn sau này.

Trên đây là một số bệnh lý mạn tính thường gặp và chế độ dinh dưỡng đi kèm. Ngoài ra, do việc tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính là khác nhau ở từng bệnh lý và từng thể trạng sức khỏe của bệnh nhân nên người bệnh cần trực tiếp tới chuyên khoa dinh dưỡng lắng nghe tư vấn chi tiết của bác sĩ để có phương án dinh dưỡng tốt nhất.

3. Khám và phục hồi dinh dưỡng cho người bệnh mạn tính tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc

Với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi, tận tâm, giàu kinh nghiệm, từng công tác tại Viện dinh dưỡng Quốc gia, khoa dinh dưỡng đã và đang thực hiện các thăm khám, điều trị và tư vấn một cách hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực cho người bệnh.

– Tư vấn dinh dưỡng cho người điều trị ung thư.

– Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh về xương khớp.

-Tư vấn dinh dưỡng cho người điều trị hoặc tiền sử bệnh lý tim mạch.

– Tư vấn dinh dưỡng trong điều trị bệnh lý thận – tiết niệu.

– Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh hô hấp.

– Tư vấn dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính về đường tiêu hóa…

Các bác sĩ sẽ dựa trên phân tích các yếu tố và chỉ số sức khỏe để đưa ra các phương án dinh dưỡng phù hợp nhất:

– Thể trạng của người bệnh và các chỉ số sức khỏe.

– Tình trạng bệnh lý dựa trên kết quả thăm khám tại các chuyên khoa.

– Phương pháp điều trị bệnh.

– Phù hợp nhất với khả năng kinh tế và tài chính của người bệnh.

Sau khi thăm khám và tư vấn phác đồ dinh dưỡng, bác sĩ sẽ hẹn thời gian tái khám để đánh giá kết quả và có sự điều chỉnh phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital