Các triệu chứng viêm trực tràng thường gặp như tiêu chảy, đau chướng bụng, đại tiện ra máu… Những biểu hiện này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế cần được phát hiện và điều trị sớm.
Menu xem nhanh:
1. Viêm trực tràng là bệnh gì?
Viêm trực tràng là tình trạng xuất hiện viêm ở niêm mạc trực tràng. Trực tràng là phần quan trọng của hệ thống tiêu hóa, là phần ống cơ kết nối ruột già tới hậu môn. Bệnh có thể diễn ra cấp tính hoặc mạn tính, khiến người bệnh đau đớn, khó chịu. Trong nhiều trường hợp. viêm tại trực tràng có thể gây chảy máu hoặc tiết dịch nhầy ở trực tràng.
Bệnh viêm trực tràng thường là do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, dùng nhiều kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột, do nhiễm trùng. Ngoài ra, do thần kinh căng thẳng, chấn động tâm lý, stress kéo dài hoặc mắc các bệnh viêm đại tràng, dạ dày… cũng gây viêm trực tràng.
2. Triệu chứng viêm trực tràng
2.1 Đau bụng
Đa phần người bệnh viêm trực tràng sẽ có cảm giác đau chướng vùng bụng. Sau mỗi lần đi đại tiện thì cảm giác này giảm đi. Tuy nhiên nếu đau bụng muốn đi tiêu mà không đi được thì mức độ đau sẽ tăng lên. Đau bụng theo chu kỳ, có thể đau ở hạ sườn bên trái hoặc bên trái thắt lưng và thường là đau bụng âm ỉ kéo dài.
2.2 Triệu chứng viêm trực tràng: Tiêu chảy
Đây là triệu chứng của viêm trực tràng đặc trưng. Người bệnh sẽ bị đi đại tiện nhiều lần trong ngày tùy theo từng mức độ của bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ khoảng vài lần mỗi ngày nhưng bệnh nặng thì số lần đi có khi tăng lên tới trên 10 lần.
Mỗi lần đi đại tiện, người bệnh sẽ thấy phân ra thường ở dạng lỏng đôi khi còn có lẫn cả máu. Cũng có trường hợp có thể là phân mềm, nát kèm theo dịch nhày. Một số trường hợp khác trong phân còn lẫn cả mủ như kiết lỵ. Người bệnh thường sẽ bị tiêu chảy vào buổi sáng sớm khi thức dậy và sau khi ăn khiến cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.
2.3 Đại tiện ra máu
Với những bệnh nhân mới phát viêm trực tràng thì khi đại tiện sẽ thấy có một ít dịch máu lẫn trong phân, lượng máu ra sẽ tăng dần theo thời gian và mức độ phát triển của bệnh.
Trường hợp bệnh nặng thì không chỉ ra một chút máu mà người bệnh sẽ bị đại tiện ra máu tươi, máu có thể chảy thành từng giọt, thậm chí thành từng tia gây choáng váng do mất máu nhiều.
2.4 Triệu chứng viêm trực tràng khác
Người bị viêm trực tràng luôn có cảm giác ngứa ngáy, nóng rát tại hậu môn. Ngoài ra người bệnh viêm trực tràng có có một số triệu chứng khác như căng vùng bụng trên, chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy hơi ợ chua… khiến sức khỏe ngày càng suy yếu.
Người bệnh cần đi khám bác sĩ tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị sớm bệnh
3. Biến chứng của viêm trực tràng
3.1 Thiếu máu
Viêm đại tràng nặng sẽ gây chảy máu liên tục khi đi đại tiện. Không chỉ đau đớn, khó chịu mà còn khiến người bệnh thiếu máu. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài làm cho cơ thể mệt mỏi, khó thở, đau đầu, da nhợt nhạt,…
3.2 Hình thành vết loét rộng và rò rỉ
Với trường hợp viêm đại tràng mạn tính, ở các vị trí viêm có thể hình thành lên các vết loét lớn. Lâu dần lan rộng ra thành ruột, tạo thành lỗ rò giữa ruột và da hoặc các cơ quan khác với ruột như bàng quang hoặc âm đạo. Đối với chị em phụ nữ bệnh viêm trực tràng có thể gây ra viêm nhiễm phụ khoa.
3.3 Gây ung thư trực tràng
Viêm trực tràng mạn tính có thể dẫn đến đau rát và có nguy cơ gây nên bệnh ung thư trực tràng. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất nếu không điều trị bệnh sớm. Biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thậm chí là tính mạng người bệnh.
4. Cách điều trị triệu chứng viêm trực tràng
4.1 Điều trị bằng thuốc
Phương pháp điều trị bằng thuốc áp dụng cho trường hợp cấp tính, giúp giảm các triệu chứng viêm trực tràng nhanh chóng. Với trường hợp viêm trực tràng do nhiễm trùng Salmonella, người bệnh không nhất thiết phải uống kháng sinh. Có thể bù nước và điện giải, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học để khỏi bệnh.
Với những trường hợp viêm trực tràng do nhiễm khuẩn Shigella, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để chữa. Trường hợp viêm trực tràng do quan hệ tình dục không an toàn, người bệnh thường được chỉ định điều trị bằng kháng sinh.
Nếu viêm trực tràng do xạ trị thì không cần dùng thuốc. Trong trường hợp có chảy máu nhiều, người bệnh được chỉ định dùng thuốc kháng viêm hoặc thuốc xổ để cầm máu và hạn chế tình trạng viêm loét. Ngoài ra trong một số trường hợp có thể điều trị laser để tiêu diệt mô tổn thương.
4.2 Phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng phổ biến trong trường hợp viêm trực tràng mãn tính. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ phần mô bị tổn thương. Hoặc thậm chí với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể cắt bỏ toàn bộ trực tràng.
Sau khi điều trị bệnh viêm trực tràng, người bệnh cần điều chỉnh lối sống để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Lối sống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa bệnh với người bình thường. Bổ sung món ăn thanh mát vào bữa ăn hàng ngày. Tăng cường men vi sinh, hạn chế dầu mỡ… Thực hiện ăn chín uống sôi và sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
5. Phải làm gì khi gặp các triệu chứng viêm trực tràng?
Viêm trực tràng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa và gây ra nhiều phiền toái đối với sức khỏe cũng như sinh hoạt trong cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi thấy các triệu chứng viêm trực tràng, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Chuyên khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc hội tụ đội ngũ các bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu về tiêu hóa cùng với trang thiết bị y tế hiện đại sẽ giúp chẩn đoán, phát hiện và điều trịị sớm triệu chứng viêm trực tràng. Bệnh viện hiện có áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế và bảo hiểm phi nhân thọ, giúp hỗ trợ tối đa chi phí khám chữa bệnh cho mọi người bệnh.