Rối loạn giấc ngủ là một bệnh lý thường gặp và gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến người bệnh. Bệnh không thể tự khỏi nếu không được các bác sĩ điều trị. Và một trong những cách thức xác định mức độ của bệnh là thông qua bài trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ PSQI. Hãy cùng tìm hiểu về bài trắc nghiệm này trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bài trắc nghiệm PSQI là gì?
Trắc nghiệm PSQI là một trong những phương pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ rất phổ biến hiện nay. Với phương pháp này, tình trạng rối loạn giấc ngủ của bệnh nhân sẽ được đánh giá dựa trên thang đo chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (The Pittsburgh Sleep Quality Index – PSQI).
Theo phương pháp này, chất lượng giấc ngủ của người bệnh được đánh giá trên 7 phương diện:
– Chất lượng giấc ngủ theo cảm nhận của người bệnh
– Độ trễ của giấc ngủ
– Thời gian ngủ
– Hiệu quả giấc ngủ
– Rối loạn giấc ngủ
– Việc sử dụng thuốc giúp dễ ngủ
– Rối loạn chức năng trong ban ngày
Những câu hỏi trắc nghiệm trong bài kiểm tra dưới đây được trích từ bài báo The Pittsburgh Sleep Quality Index (PSQI): A new instrument for psychiatric research and practice. Psychiatry Research (tạm dịch: Chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI): Một công cụ mới để nghiên cứu và thực hành tâm thần) của Buysse,D.J., Reynolds,C.F., Monk,T.H., Berman,S.R., & Kupfer,D.J. (1989). Bản quyền thuộc về Elsevier Science Ireland Ltd., nhà xuất bản của Psychiatry Research.
2. Ý nghĩa của bài trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ PSQI
Rối loạn giấc ngủ là thuật ngữ chỉ những bất thường về giấc ngủ bao gồm: mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình khi ngủ, ngủ quá nhiều,…Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh còn khiến người bệnh đối mặt với nhiều nguy hiểm như tai nạn, chấn thương.
Thông thường, các chẩn đoán về tình trạng rối loạn giấc ngủ thường được đưa ra dựa vào:
– Các triệu chứng được bệnh nhân cung cấp:
Khó ngủ vào ban đêm, giấc ngủ ngắn, hay mơ khi ngủ, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, mất tập trung…vào ban ngày.
– Các yếu tố nguy cơ của chứng rối loạn giấc ngủ:
Bệnh lý về tâm thần
Các bệnh lý nội khoa
Môi trường sinh sống
Di truyền
Công việc
Tuổi tác
Việc sử dụng thuốc và các chất kích thích
Căng thẳng trong cuộc sống
Chấn thương, tai nạn, sang chấn tâm lý
– Kết quả khám tổng quát, khám cận lâm sàng: X-quang, CT, MRI,…
Trắc nghiệm PSQI là một công cụ bổ trợ, giúp các bác sĩ có thêm cơ sở trong việc xác định nguyên nhân và mức độ bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
3. Câu hỏi trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ
Bài trắc nghiệm này gồm 2 phần. Người bệnh đến khám cần trả lời đầy đủ tất cả câu hỏi, không bỏ trống bất cứ câu hỏi nào. Tất cả câu hỏi đều về trải nghiệm giấc ngủ trong tháng gần đây nhất khi người bệnh đến bệnh viện khám hoặc làm bài kiểm tra. Người bệnh nên lựa chọn đáp án dựa theo tình trạng giấc ngủ của phần lớn các ngày trong tháng đó.
3.1. Phần 1 của bài trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ PSQI
Câu hỏi 1: Trong tháng vừa rồi, bạn thường bắt đầu đi ngủ lúc mấy giờ?
Câu hỏi 2: Trong tháng vừa rồi, mỗi đêm bạn thường mất khoảng bao nhiêu phút để ngủ được?
Câu hỏi 3: Trong tháng vừa rồi, bạn thường ngủ dậy lúc mấy giờ?
Câu hỏi 4: Trong tháng vừa rồi, mỗi đêm bạn thường ngủ thực tế được mấy tiếng?
Câu hỏi 5: Trong tháng vừa rồi, tần suất bạn gặp phải những hiện tượng gây khó ngủ sau đây là bao nhiêu?
– Sau 30 phút nhắm mắt vẫn không thể ngủ được
– Tỉnh dậy lúc nửa đêm hoặc sáng sớm
– Phải dậy giữa lúc ngủ để đi vệ sinh
– Không thể hít thở được bình thường gây khó ngủ
– Ho hoặc ngáy lớn tiếng khi ngủ
– Cảm thấy quá lạnh nên không ngủ được
– Cảm thấy quá nóng nên không ngủ được
– Gặp ác mộng khó ngủ trở lại
– Bị đau nên không ngủ được
Ngoài ra, bạn có thể liệt kê thêm những lý do khác khiến cho bạn mất ngủ và tần suất chúng xuất hiện.
3.2. Phần 2 của bài trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ PSQI
Câu hỏi 6: Bạn đánh giá chất lượng giấc ngủ trong tháng vừa qua của mình như thế nào?
Câu hỏi 7: Trong tháng vừa rồi, tần suất bạn uống thuốc (cả thuốc kê đơn và không kê đơn) để dễ ngủ hơn là bao nhiêu?
Câu hỏi 8: Trong tháng vừa rồi, tần suất bạn gặp khó khăn trong việc cố giữ mình tỉnh táo khi lái xe, ăn uống và trong các hoạt động xã hội khác là bao nhiêu?
Câu hỏi 9: Trong tháng vừa rồi, bạn cảm thấy việc hăng hái thực hiện mọi việc khó khăn như thế nào?
Câu hỏi 10: Nếu bạn có bạn cùng phòng hay người ngủ cùng, hãy hỏi họ tần suất bạn làm những việc sau trong tháng vừa rồi?
– Ngáy to
– Ngưng thở một lúc trong khi ngủ
– Chân bạn bị co giật trong khi ngủ
– Bị ngã khỏi giường do mất phương hướng khi ngủ
– Bạn có thể hỏi và liệt kê thêm các tình trạng đặc biệt khác của bạn khi ngủ và tần suất xuất hiện những tình trạng đó
4. Phương án trả lời và cách tính điểm bài trắc nghiệm PSQI
Đối với các câu hỏi từ 1 đến 4, người bệnh có thể tự điền khoảng thời gian thích hợp.
Đối với các câu hỏi từ số 5, 7, 8 và 10, người bệnh có thể lựa chọn 1 trong 4 phương án:
– Không gặp phải trong tháng vừa rồi
– Ít hơn 1 lần 1 tuần
– 1 hoặc 2 lần 1 tuần
– Nhiều hơn 2 lần 1 tuần
Đối với câu hỏi số 6, người bệnh có thể lựa chọn 1 trong 4 phương án:
– Rất tốt
– Khá tốt
– Khá tệ
– Rất tệ
Đối với câu hỏi số 9, người bệnh có thể lựa chọn 1 trong 4 phương án:
– Không có vấn đề gì
– Hơi có vấn đề một chút
– Khá có vấn đề
– Rất có vấn đề
Thang điểm của bài trắc nghiệm này sẽ được lập trình sẵn cho máy tính và máy tính sẽ tính toán đưa ra kết quả phù hợp. Dựa vào điểm số, bảng câu hỏi và quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp.
Trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ PSQI là một thước đo khá chính xác tình trạng rối loạn giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân. Tuy nhiên, thang đo trên chỉ là một trong những công cụ giúp xác định được tình trạng bệnh ở người bệnh. Quan trọng nhất, người bệnh không nên tự xử trí tình trạng này bằng cách tự ý dùng thuốc. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau này. Việc cần làm nhất khi phát hiện những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ là đi khám ở những bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.