Sán lá gan là bệnh lý phổ biến ở nước ta. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh khác. Vậy bệnh này có triệu chứng như thế nào, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa ra sao, cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin tổng quan về bệnh sán lá gan
1.1. Sán lá gan là bệnh gì, có mấy loại?
Sán lá gan còn có tên khoa học là Fasciola. Đây là bệnh nhiễm ký sinh trùng mạn tính ở đường mật. Nguyên nhân của bệnh là do bệnh nhân ăn thực phẩm có sán lá gây nhiễm khuẩn hoặc uống nước chưa đun sôi.
Bệnh được chia thành hai nhóm chính: sán lá gan nhỏ (bao gồm 3 loại: Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini, Opisthorchis felineus) và sán lá gan lớn (gồm 2 loại: Fasciola hepatica, Fasciola gigantica). Cả hai loại sán ký sinh ở gan này đều có hình dạng giống nhau, chúng chỉ khác nhau về kích thước.
Nếu sán loại nhỏ tồn tại chủ yếu trong cơ thể người thì sán loại lớn lại thường sống trong cơ thể những loài động vật ăn cỏ. Con người bị nhiễm loại này thường do ăn các loại rau dưới nước có chứa sán như rau muống hoặc rau cần.
1.2. Các giai đoạn gây bệnh của sán lá gan
– Giai đoạn xâm nhập và ủ bệnh
Giai đoạn này được tính từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi cơ thể tiếp xúc với ký sinh trùng. Tùy thuộc vào lượng ấu trùng xâm nhập và đáp ứng của vật chủ, người nhiễm có thể xuất hiện triệu chứng hoặc không. Đối với sán gan nhỏ, phải nhiễm hơn 100 con sán mới xuất hiện biểu hiện trên người. Với sán gan lớn, thời gian ủ bệnh khó xác định hơn do cần căn cứ vào số lượng ấu trùng người bệnh ăn phải.
– Giai đoạn xâm nhập đường mật
Sán sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi xuống dạ dày, tá tràng sau đó theo đường mật đi vào gan. Tại đó sán phát triển thành sán gan trưởng thành, sinh sống và di chuyển xuống ruột theo đường mật. Sau đó ra ngoài theo phân và tiếp tục gây bệnh cho những đối tượng khác.
1.3. Nguyên nhân gây ra bệnh sán gan
Nguyên nhân chủ yếu khiến con người nhiễm sán lá gan là do việc ăn uống. Ăn các loại rau dưới nước như rau muống, rau cần, rau nhút; uống nước có ấu trùng sán; uống nước chưa đun sôi khiến sán dễ xâm nhập vào cơ thể.
Thói quen ăn đồ tái từ thịt bò, cá, tôm, món ăn sống như sushi, sashimi cũng là nguyên nhân phổ biến. Bên cạnh đó lối sống không sạch sẽ, vứt bỏ chất thải chưa qua xử lý, xả rác bừa bãi cũng tạo điều kiện cho sán sinh sôi và xâm nhập gây hại cho sức khỏe con người.
2. Triệu chứng của bệnh sán gan
Ở giai đoạn ủ bệnh, hầu như cơ thể người bị nhiễm không có biểu hiện rõ rệt vì còn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng đã ăn. Ở thời kỳ lây truyền, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như sau:
– Đau bụng
Những cơn đau quặn bụng xuất hiện khi sán gan di chuyển từ ruột đến gan, chui qua gan hoặc vào ống mật dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ống mật.
– Vàng da, da xanh
Sán ký sinh trong gan và mật làm mật tắc nghẽn và gan bị nhiễm trùng. Tình trạng này khiến bệnh nhân có biểu hiện vàng da, da xanh và có phần nhợt nhạt. Một số bệnh nhân khi nhiễm sán bị nôn nhiều, tiêu chảy, chán ăn khiến cơ thể mất sức nên gây ra tình trạng da xanh xao, vàng vọt.
– Cơ thể khó chịu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy
Tắc ống dẫn mật là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng nhiều hay ít, bệnh nhân sẽ bị mệt mỏi, nôn ói trong vài tuần hoặc vài tháng.
– Giảm cân
Nhiễm sán gan khiến người bệnh chán ăn, ăn không ngon nên dễ bị xuống cân.
– Nổi mẩn đỏ, phát ban
Đây là một trong những triệu chứng phổ biến trong giai đoạn đầu khi sán xâm nhập vào gan. Những nốt ngứa trên da là do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm trùng do sán gây ra ở gan.
– Sốt
Sự tắc nghẽn ống mật có thể làm người bệnh bị sốt.
3. Điều trị và phòng ngừa sán lá gan hiệu quả
3.1. Các phương pháp điều trị sán gan
Nếu có triệu chứng sán tấn công gan, bệnh nhân cần đi khám sớm nhất. Bởi bệnh không được can thiệp sớm sẽ gây ra một số biến chứng như tắc nghẽn ống mật, nhiễm trùng gan. Việc điều trị sớm để đem lại kết quả tốt, thời gian điều trị ngắn hơn và khả năng hồi phục cao hơn.
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc tẩy giun sán nhằm loại bỏ sán gan. Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm sán lớn hay sán nhỏ, bệnh nhân sẽ được sử dụng một trong các loại thuốc tẩy giun. Thường dùng nhất như Nitazoxanide, Triclabendazole, Albendazole, Praziquantel.
Nếu điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ sán ra khỏi cơ thể.
3.2. Cách phòng bệnh sán gan
Dựa vào con đường lây nhiễm của sán vào cơ thể, bác sĩ khuyến cáo một số cách để ngăn ngừa căn bệnh này như sau:
– Luôn luôn ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống như gỏi, tiết canh, gan sống… Sử dụng nguồn nước sạch để nấu nướng và uống. Trước khi uống cần đun sôi nước.
– Các loại rau trồng dưới nước cần được rửa sạch sẽ trước khi ăn. Rau có thể ngâm với dung dịch axit axetic 6% để khử khuẩn. Trong quá trình nấu cần để nấu kỹ để rau chín.
– Không ăn ốc, cá nếu chưa được chế biến kỹ.
– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chế biến thức ăn hay đi vệ sinh.
– Tẩy giun 6 tháng/lần. Đây là việc vô cùng quan trọng để phòng tránh sán gan nhưng người trưởng thành thường bỏ qua.
– Vệ sinh môi trường sống đều đặn, không thải rác bừa bãi.
– Lựa chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín.
Khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng cảnh báo bị sán lá gan cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.