Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn được biết đến là bệnh COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới, gây ra 3,23 triệu ca tử vong vào năm 2019. Cùng tìm hiểu các thông tin quan trọng về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Các thông tin tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
1.1 Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh viêm phổi mạn tính gây ra tình trạng tắc nghẽn luồng khí từ phổi. Khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính là hai tình trạng phổ biến nhất gây ra COPD. Hai tình trạng này có thể xảy ra cùng nhau và có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng ở những người mắc bệnh COPD.
– Khí phế thũng là một tình trạng tổn thương túi khí trong phổi.
– Viêm phế quản mạn tính là một tình trạng viêm đường hô hấp lâu dài.
COPD là một tình trạng phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên hoặc người lớn tuổi hút thuốc. Tuy nhiên nhiều người không nhận ra bản thân mình mắc bệnh lý này.
COPD có xu hướng trầm trọng hơn theo thời gian, các triệu chứng gia tăng về mức độ và tần suất có thể hạn chế các hoạt động bình thường của bạn.
1.2 Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?
Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường không xuất hiện cho đến khi mức độ tổn thương phổi đáng kể xảy ra. Ngoài ra, chúng thường trầm trọng hơn theo thời gian, đặc biệt nếu tiếp tục tiếp xúc với thuốc lá.
Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của COPD có thể bao gồm:
– Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động thể chất, cần nhiều sức
– Thở khò khè
– Tức ngực
– Ho mạn tính có thể tiết ra chất nhầy (đờm) có màu trong, trắng, vàng hoặc hơi xanh
– Gặp nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên
– Thiếu năng lượng
– Giảm cân ngoài ý muốn ở giai đoạn sau triệu chứng trầm trọng
– Nhận thấy sưng ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân
Nếu không được kiểm soát và điều trị, các triệu chứng thường ngày càng nặng hơn. Ngoài ra, cũng có thể có những giai đoạn các triệu chứng COPD đột ngột trở nên tồi tệ hơn, được gọi là cơn bùng phát. Những triệu chứng lúc này thường kéo dài trong vài ngày, và mức độ nghiêm trọng thay đổi hàng ngày.
1.3 Đâu là nguyên do dẫn đến bệnh COPD?
COPD xảy ra khi phổi bị viêm, tổn thương và gây tình trạng tắc nghẽn luồng khí từ phổi. Nguyên nhân chính là do hút thuốc, mặc dù tình trạng này đôi khi có thể ảnh hưởng đến những người chưa bao giờ hút thuốc.
– Khả năng phát triển bệnh COPD càng tăng khi bạn hút thuốc nhiều hơn và hút thuốc càng lâu.
– Một số trường hợp mắc COPD là do tiếp xúc lâu dài với khói hoặc bụi có hại.
– Một số khác là kết quả của một vấn đề di truyền hiếm gặp khiến phổi dễ bị tổn thương hơn.
1.4 Biến chứng của bệnh COPD là gì?
Bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng ở người mắc bệnh, bao gồm:
– Nhiễm trùng đường hô hấp: Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có nhiều khả năng bị cảm lạnh, cúm và viêm phổi. Ngoài ra, bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào cũng có thể khiến bạn khó thở nhiều hơn và có thể gây tổn thương thêm cho mô phổi.
– Vấn đề tim mạch: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm cả đau tim.
– Ung thư phổi: Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.
– Huyết áp cao trong động mạch phổi: COPD có thể gây ra huyết áp cao trong các động mạch đưa máu đến phổi (tăng huyết áp phổi).
– Trầm cảm: Khó thở có thể khiến bạn không thực hiện được các hoạt động mà bạn yêu thích. Việc đối phó với điều này lâu dần có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trầm cảm.
2. Phương án điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Khi được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nghĩa là bệnh đã tồn tại trong một thời gian dài. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chủ yếu điều trị tập trung vào cải thiện triệu chứng, duy trì chức năng phổi khỏe mạnh.
Bước quan trọng hàng đầu trong bất kỳ kế hoạch điều trị COPD nào là bỏ thuốc lá. Tiếp theo là tránh khói thuốc lá và các chất gây ô nhiễm khác tại nhà và nơi làm việc.
Bác sĩ cũng sẽ xem xét lựa chọn các phương pháp điều trị sau cho người bệnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh, các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe liên quan.
– Điều trị bằng thuốc
– Sử dụng oxy cho những người bị bệnh COPD lâu năm hoặc bị COPD nặng.
– Phục hồi chức năng phổi thông qua các bài tập để cải thiện hơi thở và khả năng tập thể dục của bạn.
– Phẫu thuật có thể cải thiện triệu chứng ở một số người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.
– Phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng phổi. Nhiễm trùng phổi có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở những người mắc bệnh COPD. Một số loại vắc-xin, chẳng hạn như vắc-xin cúm và viêm phổi, đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh COPD.
3. Hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Không giống như một số bệnh, COPD thường có nguyên nhân rõ ràng, cách phòng ngừa rõ ràng và bạn có thể làm giảm đáng kể cơ hội phát triển của bệnh. Phần lớn các trường hợp liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá, vậy nên cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa COPD là không hút thuốc – hoặc ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt
Nếu bạn là người hút thuốc lâu năm, bạn nên nhận thức được sự nghiêm trọng của thuốc lá đến phổi. Do đó bạn nên cố gắng bỏ thuốc, cai thuốc. Hiện nay có nhiều phương pháp giúp bạn có thể cai thuốc lá, bạn có thể tham khảo và bắt đầu ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt.
Đối với những người hút thuốc lá thụ động nghĩa là những người hít khói thuốc lá, sử dụng thuốc lá một cách gián tiếp thì cũng nên cố gắng tránh xa khói thuốc nhất có thể.
Đối với người có nghề nghiệp tiếp xúc với khói và bụi hóa chất – Đây là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh COPD. Vậy nên trong quá trình làm việc bạn luôn cần mang thiết bị bảo hộ đường hô hấp theo đúng quy định của từng tính chất công việc.
Cuối cùng, thăm khám sức khỏe định kỳ là việc rất cần thiết ở mỗi người. Bạn nên chủ động thăm khám sức khỏe, kiểm tra hệ hô hấp định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần