Tình trạng mất ngủ trưa và phương pháp cải thiện

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Giấc ngủ trưa có vai trò nhất định đối với cơ thể. Nếu được ngủ trưa một cách hợp lý, bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn để tiếp tục hoạt động cho khoảng thời gian còn lại trong ngày. Tuy nhiên nhiều người lại gặp phải tình trạng mất ngủ trưa, đặc biệt là đối tượng nhân viên văn phòng. Mất ngủ vào buổi trưa do những nguyên nhân nào gây ra và làm thế nào để cải thiện hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Giấc ngủ trưa có lợi ích gì đối với cơ thể?

Cũng giống như giấc ngủ đêm, ngủ trưa được xem là một nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người. Giấc ngủ trưa có thể không dài nhưng lại mang tới nhiều lợi ích cho cơ thể.

Việc ngủ trưa giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, mệt mỏi sau một buổi sáng làm việc tích cực.

Trong trường hợp bị thiếu ngủ, mất ngủ vào ban đêm, giấc ngủ trưa có vai trò thực sự cần thiết góp phần giảm cảm giác buồn ngủ, xua tan mệt mỏi. Từ đó giúp bạn tỉnh táo và có thêm năng lượng hoạt động cho buổi chiều, tối.

Bên cạnh đó, xây dựng và duy trì thói quen ngủ trưa còn giúp đầu óc thư giãn, phòng ngừa và cải thiện chứng đau đầu, bệnh mất ngủ, các bệnh lý về tim mạch cũng như các vấn đề làm tê liệt trí não.

Giấc ngủ trưa mang tới nhiều lợi ích đối với cơ thể và sức khỏe con người. Tuy nhiên không nên ngủ trưa quá lâu, bởi thời gian ngủ trưa kéo dài có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ vào ban đêm. Theo các chuyên gia, thời gian từ 15 – 30 phút là khoảng thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi và mất ngủ vào ban đêm, người bệnh có thể chủ động kéo dài giấc ngủ nhưng không quá 1 giờ đồng hồ.

Giấc ngủ trưa giúp giải phóng căng thẳng, mệt mỏi sau một buổi sáng làm việc.

Ngủ trưa đem tới nhiều lợi ích cho não bộ, giúp tinh thần sản khoái, tỉnh táo.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ trưa

Mất ngủ trưa là tình trạng thường gặp ở nhiều người, chủ yếu là do tác động từ các yếu tố tâm lý cùng một số thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, một số nguyên nhân dẫn đến khó ngủ trưa phổ biến đó là:

2.1 Mất ngủ trưa do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh

Việc thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, trà, cà phê, thuốc lá, ngủ trái múi giờ, căng thẳng, lo âu, ăn quá no trước khi đi ngủ… đều có tác động tới giấc ngủ và gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ trưa. Nguyên nhân là do những thói quen sinh hoạt này có thể cản trở quá trình lưu thông lượng oxy và máu lên não. Từ đó gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động của hệ vi mạch, làm thần kinh bị hưng phấn không thể tập trung vào giấc ngủ.

2.2 Tác động từ tâm lý

Đầu óc căng thẳng, cơ thể mệt mỏi, khó chịu, tâm lý không ổn định do áp lực từ công việc hay các mối quan hệ trong cuộc sống làm mất cảm giác buồn ngủ, dẫn đến khó ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc. Ngoài tác động tới giấc ngủ trưa, tâm lý không ổn định còn khiến chất lượng giấc ngủ ban đêm bị suy giảm.

2.3 Mất ngủ trưa do thói quen không ngủ trưa

Khó ngủ trưa có thể xuất hiện từ việc không có thói quen ngủ trưa mỗi ngày. Để khôi phục đồng hồ sinh học cơ thể, nên dành 15 – 30 phút mỗi ngày để ngủ trưa. Khi đó, bạn cần tập trung vào giấc ngủ, không suy nghĩ và quan tâm tới những hoạt động xung quanh. Giấc ngủ trưa cần được giới hạn thời gian. Bạn nên dậy đúng giờ ngay cả khi không ngủ được để hình thành thói quen tốt cho giấc ngủ.

2.4 Ảnh hưởng từ không gian ngủ

Tương tự như giấc ngủ ban đêm, không gian ngủ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian và chất lượng của giấc ngủ trưa. Nếu nhiệt độ phòng không phù hợp (quá nóng hoặc quá lạnh), không gian ngủ nhiều tiếng ồn, chật hẹp, nhiều ánh sáng, không thoáng mát… thì bạn có thể gặp nhiều khó khăn khi chìm vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, một số tư thế ngủ như cong người, nằm trên sàn cứng, không gối đầu hay gối quá cao, ngồi gục trên bàn… cũng sẽ làm gia tăng cảm giác khó chịu và khiến bạn bị mất ngủ trưa.

2.5 Nguyên nhân thực thể

Tình trạng khó ngủ trưa thường xảy ra phổ biến ở những người đang trong quá tình điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, đau thấp khớp, viêm loét dạ dày… Ngoài ra, khó ngủ trưa còn phát sinh từ việc lạm dụng các loại thuốc đau đầu, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm không steroid…

Nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ trưa

Không gian ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và chất lượng của giấc ngủ trưa.

3. Phương pháp giúp cải thiện giấc ngủ trưa hiệu quả

Để cải thiện giấc ngủ trưa, giúp giấc ngủ ngon hơn, bạn có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản sau đây:

3.1 Hạ thấp nhiệt độ phòng

Như đã nói ở trên, nhiệt độ và độ ẩm trong phòng là điều kiện góp phần tạo nên giấc ngủ ngon. Nên điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ở mức từ 16 – 27 độ C tùy thuộc vào sự thích nghi và các điều kiện xung quanh để duy trì giấc ngủ trưa thoải mái và đều đặn hơn.

3.2 Không ngủ trưa ngay sau khi ăn no

Thói quen ngủ ngay sau khi ăn no sẽ tác động đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, đồng thời còn làm tăng cảm giác khó chịu và gây mất ngủ trưa. Để cải thiện giấc ngủ trưa, nâng cao chất lượng giấc ngủ và giúp tinh thần sảng khoái hơn, bạn nên ngủ trưa sau 30 phút kể từ khi ăn xong.

Ngoài ra, trước khi ngủ từ 1 – 2 giờ, người bệnh có thể sử dụng một số loại nước uống như: trà tâm sen. mật ong ấm, trà hoa cúc… giúp dễ ngủ hơn. Các thành phần thảo dược có trong những loại nước uống này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ trưa mà còn làm dễ ngủ hơn vào ban đêm.

3.3 Lựa chọn không gian ngủ

Để nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, nên lựa chọn không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, không có nhiều ánh sáng, thông thoáng, sạch sẽ và ít tiếng ồn. Nếu vẫn cảm thấy khó ngủ, có thể nghe nhạc không lời với âm lượng vừa phải để não bộ thư giãn, giảm bớt căng thẳng và dễ chìm vào giấc ngủ.

3.4 Xây dựng và duy trì thói quen ngủ đúng giờ

Việc điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và duy trì thói quen thức – ngủ đúng giờ sẽ giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ, đồng thời ngủ đủ giấc và dậy đúng giờ mà không cần áp dụng thêm bất cứ biện pháp nào. Khi cơ thể đã quen với trạng thái này, việc chìm vào giấc ngủ trưa hay giấc ngủ ban đêm sẽ trở nên tự nhiên hơn và chất lượng giấc ngủ cũng cao hơn.

3.5 Luyện tập thể dục thể thao và luôn duy trì cảm giác thoải mái

Nghiên cứu chỉ ra, quá trình luyện tập thể dục thể thao và duy trì cảm giác hạnh phúc, giúp giảm nồng độ cortisol – một loại hormone gây căng thẳng. Ngoài ra, việc giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái còn có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh lượng hormone serotonin hay 5-hydroxytryptamine (5-HT) trong hệ thống thần kinh trung ương. Các loại hormone này giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảm giác hạnh phúc, đồng thời điều chỉnh hành vi, nhận thức, trí nhớ và quá trình sinh lý.

Ngủ đúng giờ để cải thiện tình trạng mất ngủ trưa

Xây dựng và duy trì thói quen thức – ngủ đúng giờ giúp việc chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Mất ngủ trưa có liên quan đến chứng mất ngủ nhưng thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và có thể cải thiện bằng một số phương pháp cơ bản. Tuy nhiên, nếu mất ngủ do nguyên nhân từ bệnh lý, xuất hiện đồng thời với hiện tượng mất ngủ về đêm, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để có hướng điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital