Răng miệng không được chăm sóc đúng cách có thể tạo cơ hội để vi khuẩn phát triển, gây ra bệnh về viêm quanh răng. Nạo túi lợi là một thủ thuật điều trị bệnh lý liên quan đến vùng lợi quanh răng thường thấy trong nha khoa. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về phẫu thuật nạo túi lợi ngay trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao phải nạo túi lợi?
Lợi là mô mềm bao phủ quanh răng, có tác dụng bảo vệ và giữ sự chắc chắn của răng. Về cấu tạo, lợi được chia thành hai phần chính là lợi tự do và lợi dính. Lợi tự do ôm sát phần cổ răng, tạo rãnh lợi sâu khoảng 1mm. Lợi dính bám vào phần chân răng và phần mặt ngoài của xương ổ răng. Túi lợi được tạo thành ở trong khe nông do lợi tự do và răng tạo thành. Thức ăn bị mắc ở trong khu vực này lâu ngày sẽ hình thành cao răng và mảng bám. Điều này khiến cho vi khuẩn có cơ hội phát triển mạnh mẽ, gây tổn thương lợi và dẫn đến viêm lợi, viêm quanh răng.
Khi bị viêm túi lợi, người bệnh thường có cảm giác cộm cấn, sưng tấy và đau đớn ở khu vực lợi bị viêm nhiễm. Nếu tình trạng viêm túi lợi diễn ra trong thời gian dài mà không được điều trị đúng cách thì có thể để lại các biến chứng vô cùng nguy hiểm:
– Tụt lợi khiến lộ chân răng làm nụ cười trở nên kém duyên.
– Khiến răng bị ê buốt do men răng yếu, mòn cổ răng làm răng trở nên nhạy cảm.
– Gây nên tình trạng hơi thở có mùi, hôi miệng nghiêm trọng.
– Gây viêm dây chằng ở lợi, có nguy cơ đứt dây chằng khiến nướu tách khỏi thân và chân răng, khiến răng lung lay.
– Cổ chân răng bị mòn, đâm xuống nướu gây đau nhức, khó chịu.
– Gây tiêu mòn xương ổ răng, xương hàm nếu không được điều trị kịp thời.
– Viêm tủy răng, mất răng và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hại tới tính mạng.
Để ngăn chặn biến chứng, khi có các dấu hiệu của viêm túi lợi như đau nhức, sưng tấy, chảy máu chân răng… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
2. Quy trình phẫu thuật nạo túi lợi
Phẫu thuật nạo bỏ túi lợi là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải do bác sĩ chỉ định và được thực hiện tại cơ sở nha khoa có đầy đủ trang thiết bị y tế. Phương pháp này giúp làm sạch các mô lợi bị viêm và cao răng để loại bỏ vi khuẩn trú ngụ gây bệnh. Trường hợp thành bên túi lợi quá mỏng hoặc quá sâu bên vùng răng hàm, viêm lợi cấp tính, lợi phì đại do Phenytoin… không thể thực hiện phẫu thuật nạo bỏ túi lợi. Do đó, để có thể đảm bảo an toàn, phẫu thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm. Quy trình phẫu thuật được áp dụng cụ thể tại các nha khoa hiện nay:
Bước 1: Thăm khám tổng quát
Để xác định tình trạng và mức độ phù hợp để phẫu thuật thì bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát, đánh giá sơ bộ tình trạng răng miệng của người bệnh. Sau đó, bác sĩ chụp phim xác định cấu trúc răng hàm, xác định tiến triển của bệnh để lên phác đồ điều trị.
Bước 2: Gây tê cục bộ
Gây tê cục bộ tại vị trí cần phẫu thuật để làm giảm đau, giúp người bệnh có thể thoải mái và phối hợp hơn trong quá trình phẫu thuật túi lợi.
Bước 3: Phẫu thuật nạo túi lợi
Phẫu thuật để nạo bỏ túi lợi được phân theo mức độ viêm túi lợi của người bệnh. Ở mức độ nhẹ, nếu túi lợi không quá sâu thì bác sĩ chỉ cần tiến hành cạo vôi răng, mảng bám cho bệnh nhân. Nếu mức độ viêm nặng, túi lợi sâu hơn 5mm, xương răng bị tiêu và viêm cả phần túi dưới xương thì phải tiến hành nạo vét túi lợi, lợi bỏ ổ viêm. Nghiêm trọng hơn thì phải phẫu thuật nạo vét sâu, làm sạch ổ mủ, điều chỉnh mô nha chu và phục hồi răng khi cần thiết.
Bước 4: Làm sạch túi lợi
Sau khi nạo bỏ ổ viêm ở lợi, bác sĩ sẽ tiến hành nắn chỉnh lại vị trí của lợi, bơm rửa túi lợi bằng dung dịch chuyên dụng, sử dụng gạc để cầm máu và gel để kháng viêm và kết thúc quá trình phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách theo dõi, chăm sóc răng miệng tại nhà và hẹn lịch tái khám để theo dõi mức độ lành của lợi.
3. Chăm sóc sau khi nạo túi lợi
Việc theo dõi và chăm sóc sau khi nạo túi lợi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo vết thương nhanh lành và ngăn bệnh tái phát. Bác sĩ nha khoa TCI khuyến cáo bạn bên chăm sóc sức khỏe răng miệng một cách khoa học với các lưu ý sau:
– Sử dụng thuốc làm giảm đau, kháng viêm… theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
– Không chải trực tiếp vào vị trí lợi ngay sau khi vừa mới nạo để tránh làm tổn thương lợi.
– Nên chải răng nhẹ nhàng, đều đặn 2 lần mỗi ngày để làm sạch răng miệng và loại bỏ thức ăn thừa.
– Sử dụng kết hợp với chỉ nha khoa, tăm nước để làm sạch cả mảng bám, thức ăn thừa trong kẽ răng.
– Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng để làm sạch cả khoang miệng.
– Ăn thực phẩm lành mạnh, mềm, dễ nuốt để không làm tổn thương lợi, đặc biệt là khi mới phẫu thuật.
– Tái khám theo chỉ định của bác sĩ, hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở răng miệng.
– Khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để chủ động điều trị các bệnh lý về răng miệng nếu có nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hại xảy ra.
Trên đây là những thông tin về phẫu thuật nạo túi lợi được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Răng hàm mặt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI. Hy vọng bài viết đã mang tới cho bạn những thông tin hữu ích trong việc tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe răng miệng. Hãy liên hệ với các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám, điều trị các bệnh lý răng miệng một cách an toàn và hiệu quả nhé.