Mổ sỏi thận hay phẫu thuật để loại bỏ sỏi thận là một trong những phương pháp điều trị phổ biến của bệnh sỏi thận. Hiện nay với sự tiến bộ của y học, đã có nhiều lựa chọn phẫu thuật sỏi thận hiệu quả và có thời gian phục hồi ngắn hơn so với phẫu thuật mở trước đây.
Người bệnh sỏi thận có thể được chỉ định mổ nếu:
- Sỏi không thể tự thoát ra ngoài sau một khoảng thời gian nhất định và gây đau liên tục.
- Sỏi có kích thước quá lớn để có thể thoát ra ngoài hoặc đã mắc kẹt ở một vị trí khó khăn nào đó.
- Chặn dòng chảy của nước tiểu.
- Gây nhiễm trùng đường tiết niệu liên tục
- Gây tổn thương mô thận hoặc gây chảy máu liên tục
- Kích thước của sỏi tăng dần qua theo dõi trên hình ảnh chụp X quang.
Trước đây, mổ mở hay phẫu thuật mở được áp dụng phổ biến nhất. Thời gian phục hồi sau mổ mở là từ 4 – 6 tuần. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều lựa chọn phẫu thuật mới với nhiều ưu điểm hơn.
Menu xem nhanh:
Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung
Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung là thủ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị sỏi thận. Trong quá trình thực hiện, sóng xung được tạo ra bên ngoài cơ thể, đi qua da và mô cho tới khi va chạm vào sỏi. Sỏi sẽ bị sóng xung phá vỡ thành những hạt nhỏ hơn và có thể dễ dàng thoát ra ngoài qua nước tiểu.
Có nhiều kiểu thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể. Hầu hết các thiết bị hiện nay sử dụng tia X quang hoặc siêu âm để giúp bác sĩ xác định vị trí sỏi. Khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung, người bệnh cần được gây mê.
Thời gian phục hồi sau tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung là tương đối ngắn và hầu hết bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau một vài ngày.
Các biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật này là:
- Một số trường hợp có máu trong nước tiểu một vài ngày sau khi điều trị. Sóng xung có thể gây bầm tím hoặc khó chịu ở bụng hoặc sau lưng.
- Để giảm nguy cơ biến chứng, bác sĩ thường cho bệnh nhân tránh dùng aspirin và các thuốc có ảnh hưởng đến quá trình đông máu trong vài tuần trước khi điều trị.
- Các hạt sỏi vỡ gây tắc nghẽn nhẹ khi chúng di chuyển qua đường tiết niệu và gây khó chịu. Bác sĩ có thể đặt stent qua bàng quang vào niệu quản để giúp các mảnh sỏi thoát qua dễ dàng hơn.
- Đôi khi sỏi không vỡ hoàn toàn trong một lần điều trị, và có thể phải cần đến nhiều đợt trị liệu bổ sung.
Tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da được lựa chọn khi sỏi có kích thước khá lớn hoặc nằm ở vị trí mà không thể áp dụng được phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung.
Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật rạch một vết nhỏ ở lưng và tạo ra một đường hầm dẫn trực tiếp vào thận. Sau đó sử dụng thiết bị nội soi thận (nephroscope) để định vị và loại bỏ sỏi. Đối với sỏi có kích thước lớn, có thể cần đến một số loại đầu dò dùng năng lượng siêu âm, thủy lực hoặc laser để phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ.
Bệnh nhân tán sỏi qua da cần nằm viện trong nhiều ngày và có thể cần đặt một ống nhỏ gọi là ống mở thận ra da (nephrostomy) tại thận trong suốt quá trình điều trị.
Tán sỏi qua nội soi niệu quản
Phương pháp này được dùng để xử lý sỏi niệu quản đoạn giữa và đoạn thấp hơn. Không cần thực hiện vết mổ nào trong tán sỏi qua nội soi niệu quản. Bác sĩ phẫu thuật sẽ luồn một dụng cụ nhỏ bằng sợi quang học gọi là ống nội soi niệu quản (ureteroscope) đi qua niệu đạo và bàng quang và vào niệu quản. Sau đó, xác định vị trí sỏi và loại bỏ nó bằng một thiết bị giống cái lồng hái trái cây, hoặc tán vỡ nó bằng một công cụ đặc biệt phát sóng xung. Đặt một stent lưu lại trong niệu quản trong vài ngày để hỗ trợ dòng chảy nước tiểu.