Phẫu thuật nạo túi lợi được chỉ định trong trường hợp điều trị bệnh viêm quanh răng. Kỹ thuật này giúp làm sạch mô mềm bị viêm ngoài thành túi lợi, loại bỏ cao răng bám ở trong và các thành phần nằm trong túi lợi để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Vậy chi phí nạo túi lợi có cao không, hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là phẫu thuật nạo túi lợi?
Răng và tổ chức quanh răng được gọi chung là cơ quan răng. Lợi là một phần của niêm mạc miệng, bám vào cổ răng và có nhiệm vụ chính là che chở, bảo vệ cho sức khỏe của chân răng. Lợi khỏe mạnh có màu hồng nhạt, săn chắc, không sưng, không chảy máu. Tuy nhiên, khi vi khuẩn và mảng bám, cao răng tồn tại lâu trong khoang miệng mà không được xử lý, có thể gây ra các bệnh như viêm lợi, viêm nha chu. Lợi bị viêm không chỉ làm cho mọi người khó chịu vì sưng đỏ và đau nhức mà còn có thể gây viêm quanh răng, hôi miệng. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới viêm tủy răng và các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi viêm quanh răng không thể điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nạo túi lợi. Đây là thủ thuật được thực hiện để xử lý tình trạng viêm quanh răng bằng việc làm sạch mô mềm bị viêm ở ngoài thành túi lợi, loại bỏ cao răng và mảng bám.
2. Trường hợp được chỉ định nạo túi lợi
Nạo túi lợi là thủ thuật được áp dụng nhiều ở các cơ sở nha khoa do rất nhiều người chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng khiến tình trạng viêm quanh răng diễn ra rất phức tạp. Các trường hợp được chỉ định nạo túi lợi cụ thể bao gồm:
– Người cần được thực hiện giảm viêm ở túi lợi có độ sâu trung bình, tổ chức lợi có hiện tượng xơ dày.
– Người bị viêm quanh răng, áp xe quanh răng.
– Người thực hiện các phẫu thuật quanh răng khác cần được giảm viêm lợi.
– Người bị viêm nhiễm túi lợi sau khi thực hiện các phương pháp phẫu thuật quanh răng khác.
3. Quy trình nạo túi lợi
Bước 1: Thăm khám
Bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe răng miệng của người bệnh để xác định tình trạng bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người có thành bên lợi mỏng, người có lợi bị phì đại do phenytoin, người viêm nhiễm lợi cấp tính hay túi lợi quá sâu, đã đi hết phần lợi dính… không thể thực hiện nạo túi lợi để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng.
Bước 2: Chuẩn bị
Bác sĩ và y tá chuẩn bị bộ dụng cụ phẫu thuật túi lợi kèm thuốc và các vật liệu y tế như thuốc tê, dung dịch sát khuẩn… Bệnh nhân được giải thích chi tiết về thủ thuật điều trị. Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đồng ý điều trị. Quá trình điều trị được ghi rõ ràng trong hồ sơ bệnh án.
Bước 3: Thực hiện phẫu thuật nạo túi lợi
Bác sĩ tiến hành sát khuẩn niêm mạc quanh khu vực cần nạo túi lợi. Sau đó, tiến hành gây tê tại chỗ để ngăn chặn tình trạng đau buốt khó chịu cho bệnh nhân.
Trường hợp túi lợi không quá sâu, bác sĩ chỉ cần cạo vôi răng, loại bỏ mảng bám xung quanh răng cho bệnh nhân. Nếu túi lợi sâu trên 5mm kết hợp tiêu xương răng, viêm túi lợi xương thì cần nạo vét sâu để làm sạch ổ viêm nhiễm. Sau khi loại bỏ ổ viêm, bác sĩ tiến hành vệ sinh lại khu vực nạo và khoang miệng một lần nữa bằng oxy già 3V và nước muối sinh lý 0,9%.
Bước 4: Hướng dẫn sau phẫu thuật nạo túi lợi
Phẫu thuật nạo túi lợi thực hiện rất nhanh và đơn giản. Sau khi nạo túi lợi, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh và chăm sóc răng miệng tại nhà. Trường hợp lợi bị chảy máu sau khi nạo thì cần được bơm rửa sạch và đắp băng y tế. Trường hợp nhiễm trùng sau một vài ngày phẫu thuật có thể được chỉ định sử dụng kháng sinh, chống viêm tại chỗ.
Bước 5: Hẹn lịch tái khám
Sau khi hoàn tất phẫu thuật, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để kiểm tra tình trạng liền sẹo cũng như sức khỏe răng miệng sau khi nạo túi lợi.
4. Chi phí nạo túi lợi có cao không?
Chi phí nạo túi lợi được xác định dựa trên tình trạng viêm nhiễm quanh răng, số lượng răng cần nạo túi lợi và phương pháp nạo.
Tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, ở nhiều răng thì chi phí sẽ cao hơn so với những người chỉ viêm nhẹ ở số ít răng. Ngoài ra, điều trị bằng phương pháp laser sẽ có chí phí cao hơn so với phương pháp nạo túi lợi truyền thống.
Để có thể biết cụ thể về chi phí nạo túi lợi, bạn nên liên hệ tới cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám xác định tình trạng bệnh và phương pháp nạo phù hợp.
5. Một số lưu ý sau phẫu thuật nạo túi lợi
Sau khi nạo túi lợi, vùng lợi rất nhạy cảm, dễ chảy máu và viêm nhiễm nếu không được chăm sóc đúng cách. Do đó, bạn cần lưu ý tới các vấn đề sau đây khi thực hiện thủ thuật nạo túi quanh răng:
– Sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau… đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
– Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng bằng việc súc miệng bằng nước muối sinh lý để tránh tác động đến vết thương khi mới thực hiện thủ thuật.
– Ăn các món ăn mềm, lỏng như cháo, súp và hạn chế đồ ăn dai cứng, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng… để vết thương nhanh hồi phục.
– Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
– Thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần để chủ động phòng ngừa cách bệnh lý răng miệng.
Phẫu thuật nạo túi lợi mang lại hiệu quả tích cực trong việc điều trị viêm lợi. Bạn nên liên hệ tới các cơ sở nha khoa để tìm hiểu cụ thể hơn về phương pháp và chi phí nạo túi lợi trước khi tiến hành thủ thuật này. Đồng thời, thường xuyên khám sức khỏe răng miệng định kỳ, lấy cao răng thường xuyên để ngăn ngừa tình trạng viêm lợi, viêm nha chu.