Bệnh u nang buồng trứng và cách điều trị là một trong những chủ đề nóng về các bệnh phụ khoa được các chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ sẽ mang ít nhất một u nang trong suốt cuộc đời, chúng chiếm khoảng 3,6% các bệnh lý phụ khoa. Tỷ lệ mắc u nang buồng trứng ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng mang thai của chị em, do đó cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh u nang buồng trứng, những triệu chứng và nguyên nhân của bệnh, cũng như những phương pháp điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Những điều chị em cần biết về bệnh u nang buồng trứng
1.1 Nguyên nhân nào dẫn đến u nang buồng trứng?
Có rất nhiều yếu tố hình thành nên u nang buồng trứng, có thể kể đến như:
– Sự thay đổi hormone một cách bất thường: Nếu một phụ nữ có các vấn đề về nội tiết tố, như tăng sản xuất hormone estrogen hoặc giảm sản xuất hormone progesterone, có thể dẫn đến sự phát triển của u nang trên buồng trứng.
– Yếu tố di truyền: U nang buồng trứng có thể được di truyền từ người thân nhưng rất hiếm khi xảy ra.
– Dùng thuốc điều trị vô sinh: Một số loại thuốc điều trị vô sinh, như clomiphene citrate, có thể dẫn đến sự phát triển của u nang trên buồng trứng. Tuy nhiên, tác dụng phụ này cũng không phổ biến và chỉ xảy ra đối với một số trường hợp.
– Tuổi tác: Tỷ lệ phát triển u nang buồng trứng tăng ở các chị em phụ nữ sau thời kỳ tiền mãn kinh. Điều này có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể của phụ nữ lớn tuổi.
Các yếu tố khác có thể gây u nang buồng trứng bao gồm:
– Bệnh lý về tuyến giáp.
– Chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc tăng cân.
– Sử dụng hormone bổ sung như: hormone sinh dục nữ (estrogen) hoặc progesterone.
– Liên tục thay đổi các loại thuốc ngừa thai.
– Chị em mắc lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng, chấn thương hoặc viêm trên buồng trứng đều tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển của u nang. Từ đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung có thể thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến u nang buồng trứng xuất phát từ tình trạng rối loạn nội tiết tố, sụt giảm năng lượng tế bào, dẫn đến giảm và mất thông tin liên lạc giữa các tế bào với nhau, từ đó khiến rối loạn quá trình chết tế bào theo chương trình ( còn gọi là suy giảm miễn dịch) và hình thành khối u.
1.2 Các triệu chứng thường gặp của u nang buồng trứng
Thông thường, u nang buồng trứng là phát triển một cách âm thầm, đa số các chị em sẽ ít nhận ra bởi những biểu hiện của bệnh không quá nổi bật, gây sự chủ quan và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Hầu hết thường được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ hay siêu âm kiểm tra sức khỏe. Khi u nang phát triển lớn hơn sẽ đi kèm một vài triệu chứng như:
– Kinh nguyệt thất thường: Rối loạn kinh nguyệt liên quan đến hầu hết các bệnh lý phụ khoa, trong đó có u nang buồng trứng. Khi nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình xuất hiện dấu hiệu bất thường thì chị em cần xác định được cơ thể mình đang có sự thay đổi nào tác động lên, nếu tình trạng bất thường này kéo dài thì cần tiến hành thăm khám để được chẩn đoán chính xác và kịp thời.
– Thấy đau và khó chịu ở vùng xương chậu, vùng thắt lưng.
– Thường xuyên chướng bụng, đầy hơi và buồn nôn. Cơ thể gầy nhưng bụng lại to bất thường.
– Đau khi quan hệ tình dục, xuất hiện ở trường hợp u nang phát triển lớn gây chèn ép lên tử cung và cổ tử cung.
– Tình trạng tiểu không tự chủ: Do u nang phát triển và chèn ép lên bàng quang dẫn đến hiện tượng tiểu nhiều và tiểu không kiểm soát.
Bệnh u nang buồng trứng biểu hiện qua nhiều dạng khác nhau, nếu nghi ngờ bản thân bị u nang buồng trứng, chị em cần khám phụ khoa ngay, điều này không chỉ giúp chị em loại bỏ được những triệu chứng khó chịu của u nang gây ra mà còn kịp thời ngăn chặn những biến chứng xảy ra.
1.3 Những biến chứng u nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Bệnh u nang buồng trứng được chia thành 2 loại: u cơ năng và u thực thể, có 90% u nang buồng trứng là u lành tính, 10% u nang chuyển biến thành ác tình gặp nhiều ở phụ nữ trẻ tuổi.
Với u cơ năng, loại u lành tính không đáng quan ngại bởi chúng có thể biến mất sau một thời gian mà không gây nguy hiểm gì. Tuy nhiên, nếu là dạng u nang thực thể thì cần phải can thiệp kịp thời, loại u này có quá trình phát triển âm thầm qua từng năm, khi có các triệu chứng chứng tỏ u đã có kích thước to, chèn ép đến các tạng xung quanh, có xu hướng dễ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng hay thậm chí ảnh hưởng đến tình mạng.
Khi những khối u nang thực thể không được phát hiện và loại bỏ sớm, chúng phát triển và nguy cơ vỡ là rất cao gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng… trong đó đáng quan ngại nhất phải kể đến u nang xoắn, một dạng biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, xảy ra ở mọi lứa tuổi và phổ biến ở phụ nữ sau 30 tuổi. Đối với phụ nữ mang thai, sự phát triển u nang có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy cơ sẩy thai, ngôi bất thường, sinh non, u tiền đạo… U nang có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên của buồng trứng.
2. Chẩn đoán và phương pháp điều trị u nang buồng trứng
Việc chẩn đoán u nang buồng trứng thường sẽ kết hợp kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng, qua các dấu hiệu nhỏ sẽ giúp cho kết quả đánh giá được chính xác và chi tiết hơn. Cơ sở chẩn đoán chính là những dấu hiệu mà chị em gặp phải, sau khi thu thập các thông tin, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm: siêu âm, chụp CT, xét nghiệm…
Sau khi đã xác định được tính chất u nang, tùy thuộc vào từng loại và đánh giá mức độ nguy hiểm mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị bao gồm:
– Theo dõi và giám sát: Nếu u nang buồng trứng của bạn nhỏ và không gây ra triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ của bạn có thể quyết định theo dõi và giám sát nó thay vì điều trị ngay lập tức. Theo đó, chị em sẽ cần thực hiện các xét nghiệm và siêu âm định kỳ để đảm bảo rằng u nang không phát triển và không gây ra vấn đề sức khỏe.
– Điều trị bằng thuốc kháng estrogen: Thuốc kháng estrogen có thể được sử dụng để điều trị u nang buồng trứng. Những loại thuốc này giúp ngăn chặn sự phát triển của u nang và giảm triệu chứng như đau bụng và chu kỳ kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, sẽ có một vài tác dụng phụ như: rối loạn kinh nguyệt và buồn nôn.
– Phẫu thuật: Nếu u nang buồng trứng của bạn lớn hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ của bạn có thể đề xuất phẫu thuật, có thể là phẫu thuật mở bụng hoặc phẫu thuật nội soi tùy vào tình trạng cụ thể của u nang. Hiện nay, phẫu thuật u nang nội soi được nhiều người lựa chọn bởi giảm cơn đau và khả năng hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Chị em đang trong độ tuổi sinh sản sẽ được bác sĩ phẫu thuật bảo tồn buồng trứng.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh u nang buồng trứng và cách điều trị, hy vọng chị em có thể hiểu hơn về loại bệnh này. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe trước các bệnh phụ khoa bằng cách khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần và duy trì một lối sống lành mạnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về u nang buồng trứng, chị em hãy liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ kịp thời nhé!