Niệu đạo là một ống dài nối từ bàng quang ra lỗ sáo (lỗ tiểu) để đưa nước tiểu ra ngoài. Niệu đạo rất dễ mắc nhiều bệnh lý khác nhau như viêm niệu đạo hoặc sỏi niệu đạo. Mời độc giả cùng tìm hiểu về bệnh sỏi niệu đạo qua bài viết dưới đây.
Vì sao lại mắc sỏi niệu đạo?
Sỏi niệu đạo thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi niệu đạo có thành phần hóa học như sỏi thận, sỏi ở bàng quang, chủ yếu là oxalate, urat, phosphate. Bệnh được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
- Sỏi di chuyển từ bàng quang xuống niệu đạo
- Do chít hẹp niệu đạo hoặc do túi thừa niệu đạo
- Do hẹp – dính ở bao quy đầu
Sỏi niệu đạo gây ảnh hưởng tới việc đào thải nước tiểu ra ngoài, khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì thế khi thấy xuất hiện các dấu hiệu sỏi niệu đạo, bạn cần đi khám ngay.
Triệu chứng của sỏi niệu đạo
Thông thường khi bị sỏi niệu đạo, bạn sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng đau, khó chịu khi tiểu tiện.
- Đau: bạn sẽ gặp phải tình trạng đau tức vùng hạ vị, đau quặn thận và đau nhiều khi di chuyển, vận động. Mức độ của cơn đau cũng thay đổi khác nhau tùy vào kích thước của sỏi và độ tuổi của từng người. Ngoài ra, bạn có thể gặp phải tình trạng đau ở hố thắt lưng dưới xương sườn rồi lan về trước rốn.
- Rối loạn tiểu tiện: bạn có thể gặp phải tình trạng tiểu đục, tiểu buốt hoặc tiểu rắt, bí tiểu, dòng tiểu yếu, nước tiểu ít. Có trường hợp nước tiểu có mủ trắng cảnh báo nhiễm trùng thận ngược chiều hoặc viêm niệu đạo.
- Ngoài ra người bệnh còn có thể thấy xuất hiện tình trạng sốt, rét run, buồn nôn và nôn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Sỏi niệu đạo nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, triệt để sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì thế người bệnh cần đi khám và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để loại bỏ sớm bệnh ra khỏi cơ thể.
Cách điều trị sỏi niệu đạo
Tùy vào kích thước và mức độ ảnh hưởng của sỏi niệu đạo mà các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Với sỏi kích thước bé có thể sử dụng thuốc làm tan sỏi. Người bệnh được kê thuốc uống theo đơn, uống đều đặn hàng ngày, đúng giờ, kết hợp với uống nhiều nước để đào thải sỏi ra khỏi cơ thể.
- Với sỏi niệu đạo kích thước lớn và gây biến chứng thì cần phẫu thuật mổ lấy sỏi. Hiện nay có nhiều phương pháp mổ lấy sỏi như mổ hở, mổ nội soi hoặc tán sỏi bằng laser, tán sỏi qua da.
Bác sĩ cũng căn cứ vào các nguyên nhân gây sỏi niệu đạo để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Trường hợp do hẹp niệu đạo hoặc túi thừa niệu đạo, hẹp dính ở bao quy đầu thì cần phải điều trị cả những bệnh lý này để ngăn ngừa tình trạng tái phát sỏi niệu đạo.
Cách phòng ngừa sỏi niệu đạo
Với các sỏi ở hệ tiết niệu nói chung và sỏi niệu đạo nói riêng, việc phòng ngừa đơn giản và dễ thực hiện nhất là uống nhiều nước. Mỗi ngày, chúng ta nên uống ít nhất 2 lít nước để thanh lọc cơ thể và ngăn ngừa sự hình thành sỏi.
Ngoài ra, để phòng sỏi niệu đạo, chúng ta nên:
- Ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây, củ quả. Rau xanh nên chế biến dưới dạng luộc hoặc xay sinh tố. Với củ quả cũng vậy, có thể xay để làm sinh tố uống hàng ngày hoặc ăn trái cây tươi để cung cấp thêm chất xơ cho cơ thể.
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều oxalat như sô cô la, dâu tây và các loại hạt…
- Giảm lượng muối ăn hàng ngày cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu
- Cắt giảm lượng caffeine vì chúng chính là nguyên nhân khiến cơ thể bạn bị mất nước dễ hình thành sỏi niệu đạo.
- Sử dụng các thực phẩm giàu đạm như thịt, trứng và cá đúng cách, không nên ăn quá nhiều cùng lúc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ