Đau nửa đầu trên là bệnh lý thần kinh phổ biến, không phân biệt giới tính và tuổi tác. Người bệnh thường phải chịu những cơn đau dữ dội, đột ngột và đi kèm nôn ói. Do đó, việc điều trị sớm căn bệnh này là vô cùng cần thiết. Cùng tham khảo bài viết sau đây của TCI để hiểu hơn về căn bệnh này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về bệnh đau nửa đầu trên
1.1. Đau nửa đầu trên là gì?
Đau nửa đầu còn có các tên gọi khác là đau đầu Migraine hoặc đau đầu vận mạch. Đau nửa đầu trên có thể là biểu hiện của bệnh lý về thần kinh, não bộ hoặc các bệnh lý khác.
Biểu hiện của bệnh lý này có thể là tình trạng đau nửa đầu một cách dữ dội nhưng cũng có khi chỉ là một cơn đau nhẹ và kết thúc nhanh chóng. Bệnh đau nửa đầu phía trên phổ biến trong độ tuổi từ 10-45. Những cơn đau này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày và công việc của người bệnh.
1.2. Biểu hiện của đau nửa đầu trên
Bệnh đau nửa đầu phía trên thường có các dấu hiệu báo trước như:
– Khó chịu với tiếng ồn, với ánh sáng.
– Dễ thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt hoặc dễ hưng phấn.
– Thay đổi vị giác, có lúc thèm ăn hoặc có khi buồn nôn.
– Uể oải, mệt mỏi, ngáp nhiều.
Bên cạnh đó, cơn đau nửa đầu có thể đột ngột dữ dội hoặc đau kiểu âm ỉ, kéo dài. Nhiều người có biểu hiện đau nửa đầu kèm hiện tượng giật như mạch đập ở phần phía trên đỉnh đầu, có lúc là những cơn đau buốt. Cơn đau gây ra cảm giác chóng mặt, hoa mắt và buồn nôn.
Nếu bệnh đau nửa đầu đi kèm với các dấu hiệu sau thì bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý:
– Tần suất và mức độ đau đầu tăng lên gần đây.
– Sử dụng thuốc không còn hiệu quả như trước đây.
– Đau đầu kèm sốt cao, nôn mửa nghiêm trọng.
– Cứng cổ, gặp khó khăn khi nói chuyện.
Đau nửa đầu trở nên nghiêm trọng khi đi kèm triệu chứng nôn ói.
1.3. Nguyên nhân của bệnh đau đầu Migraine
Tình trạng đau nửa đầu vẫn chưa được xác định nguyên nhân cụ thể. Các nghiên cứu cho rằng 60% người bị đau nửa đầu di truyền từ bố mẹ. Bên cạnh đó, đau nửa đầu có thể do những nguyên nhân sau:
– Sử dụng đồ uống có caffein, uống rượu bia.
– Thời kì thay đổi nội tiết tố ở nữ giới: nồng độ estrogen bị thay đổi khi phụ nữ mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh …
– Chịu căng thẳng, áp lực trong một thời gian dài.
– Sử dụng các loại thuốc chứa nội tiết tố ví dụ thuốc tránh thai.
– Tiếp xúc thường xuyên với môi trường có âm thanh quá lớn, ánh sáng rực rỡ, mùi hương quá nồng …
– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
– Thay đổi thời tiết nóng lạnh, nắng mưa thất thường.
2. Phương pháp điều trị bệnh đau nửa đầu phía trên
2.1. Chẩn đoán đau nửa đầu phía trên bằng cách nào?
Khi gặp bác sĩ, bệnh nhân sẽ được hỏi một số thông tin cơ bản như tình trạng sức khỏe, triệu chứng, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình để chẩn đoán ban đầu về bệnh.
Bên cạnh đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân có thể được thực hiện một số xét nghiệm và kỹ thuật như sau:
– Chụp MRI: sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để chụp hình ảnh não và mạch máu não. Từ hình ảnh này, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng đau nửa đầu đồng thời giúp phát hiện các bệnh lý khác như khối u, xuất huyết não, …
– Chụp CT: tia X sẽ tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết não bộ. Cũng giống như chụp MRI, từ hình ảnh não bộ, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và phát hiện các khối u bất thường.
– Đo lưu huyết não: đây là phương pháp kiểm tra và đánh giá tình trạng dòng máu lưu thông lên não. Phương pháp này giúp tầm soát, phát hiện nhiều vấn đề ở mạch não.
– Điện não đồ: kỹ thuật được sử dụng để đo lường, thăm khám các loại sóng điện và hoạt động điện bên trong não bộ.
2.2. Phương pháp điều trị đau nửa đầu phía trên hiệu quả
Sau khi được chẩn đoán chính xác về bệnh, bệnh nhân sẽ được tư vấn về các phương pháp điều trị sao cho hiệu quả. Điều trị đau nửa đầu trên thường được sử dụng đến các loại thuốc, bao gồm:
– Thuốc giảm đau để điều trị các cơn đau nửa đầu cũng như giảm bớt những triệu chứng đi kèm. Có thể sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDS, thuốc giảm đau opioid, thuốc lasmiditan, thuốc chống nôn.
– Nhóm thuốc ngăn ngừa và giảm tần suất xuất hiện cơn đau, giảm mức độ đau. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, …
Một số phương pháp giảm đau tại nhà mà bệnh nhân đau nửa đầu nên tham khảo:
– Tìm kiếm không gian yên tĩnh để nằm nghỉ: những cơn đau khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh nên nếu được nghỉ trong phòng yên tĩnh sẽ bạn đỡ đau hơn.
– Uống thức uống chứa caffeine: một lượng caffeine vừa phải có thể làm giảm cơn đau nửa đầu trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên chỉ uống một lượng vừa đủ để không gây tác dụng phụ như mất ngủ và làm cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn.
– Thư giãn: phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để não bộ được thư giãn. Khi xuất hiện cơn đau trong lúc làm việc, học tập, người bệnh cũng nên nghỉ ngơi để cơn đau được dịu lại.
– Châm cứu: đây cũng là phương pháp hiệu quả giúp xua tan căng thẳng và ngăn chặn cơn đau nửa đầu tiếp diễn.
2.3. Cách ngăn ngừa bệnh đau đầu Migraine
Cuộc sống hiện đại với cường độ làm việc căng thẳng khiến những cơn đau đầu xuất hiện dày đặc. Một số thay đổi nhỏ trong lối sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp bạn hạn chế được căn bệnh này.
Nâng cao chất lượng giấc ngủ: ngủ đủ giấc, ngủ sớm và ngủ trong môi trường yên tĩnh sẽ giúp ngủ ngon và hạn chế đau đầu.
– Hạn chế ngồi nhiều giờ trước máy tính, điện thoại: ngồi liên tục trước màn hình khiến não bộ căng thẳng và góp phần gây đau nửa đầu. Khi làm việc, bạn nên đứng dậy ra ngoài để nghỉ ngơi.
– Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên: tập luyện với tần suất đều đặn giúp cơ thể khoan khoái, dễ đi vào giấc ngủ, giảm thiểu căng thẳng sau giờ làm cũng là hoạt động tốt cho sức khỏe não bộ.
– Ăn uống lành mạnh và tăng cường nhóm chất tốt cho não: thực phẩm đóng một vai trò quan trọng với sức khỏe. Khi bạn cung cấp đủ chất dinh dưỡng tốt cho não, các cơn đau cũng sẽ được hạn chế.
Khi bị đau nửa đầu liên tục, cơn đau ngày càng dữ dội, bệnh nhân hãy đến khoa Nội thần kinh ở các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm, giúp chữa dứt điểm bệnh.