Bệnh sán lá gan xảy ra khi trứng hoặc ấu trùng sán lá gan xâm nhập vào cơ thể người hoặc các loài động vật. Ấu trùng của sán lá gan hình thành và phát triển như thế nào? Có điểm gì khác ở sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ?
Menu xem nhanh:
1. Vòng đời của sán lá gan
Sán lá gan là căn bệnh phổ biến và lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Người ăn hoặc động vật ăn phải thức ăn hoặc nước uống có chứa trứng hoặc ấu trùng sán lá gan sẽ nhiễm bệnh do ký sinh trùng xâm nhập vào nhu mô gan và hệ thống đường mật. Bệnh cũng truyền từ người bệnh sang người lành theo cách thức tương tự.
Vòng đời của sán lá gan có đặc điểm như sau:
– Sán lá gan trưởng thành ký sinh trong gan, mật của người và đẻ trứng
– Trứng sán đi theo đường mật xuống tới ruột rồi sẽ theo phân ra khỏi cơ thể
– Trứng gặp môi trường nước trong khoảng 9 – 21 ngày sẽ nở ra ấu trùng lông
– Ấu trùng này ký sinh ở vật chủ trung gian là ốc và phát triển thành ấu trùng đuôi trong khoảng 6 – 7 tuần
– Sau khi rời khỏi vỏ ốc, ấu trùng đuôi bám sẽ vào thực vật thủy sinh, các loại cá hoặc bơi tự do trong nước để tạo nang ấu trùng
– Khi động vật hoặc con người ăn/uống phải các nang ấu trùng này sẽ nhiễm sán lá gan
Sau khoảng 1 giờ kể từ khi xâm nhập vào vật chủ, nang ấu trùng xuyên qua thành ruột, sau đó nằm trong ổ bụng rồi tiếp tục đi vào gan. Trung bình thời gian để nang ấu trùng có mặt ở gan và ký sinh đến đường mật là khoảng 6 ngày.
Thời gian từ khi sán xâm nhập vào cơ thể cho đến khi ra ngoài môi trường qua đường phân là khoảng 3 – 4 tháng (đối với người) và 6 – 13 tuần (đối với động vật). Khoảng thời gian này thậm chí có thể lên đến 13,5 năm.
2. Ấu trúng sán lá gan lớn và nhỏ hình thành và phát triển như thế nào?
Sán lá gan có 2 loại chính là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Quá trình sinh trưởng của 2 loại này tương đối giống nhau nhưng cũng có những đặc điểm riêng. Cụ thể như sau:
2.1 Quá trình hình thành và sinh trưởng của ấu trùng sán lá gan nhỏ
Ở sán lá gan nhỏ, trứng sán theo phân ra ngoài môi trường. Khi gặp môi trường nước ngọt, trứng lơ lửng trong nước, bị ốc giống Bithynia và Melania nuốt rồi phát triển thành ấu trùng lông tơ, sau đó chuyển thành bào tử nang và ấu trùng đuôi.
Ấu trùng đuôi sau đó sẽ rời khỏi ốc để chui qua da cá nước ngọt họ Cyprinidae. Khi xâm nhập được vào trong cơ thể cá, ấu trùng sẽ rụng đuôi và phát triển thành hậu ấu trùng ký sinh trong thịt hoặc da cá.
Nếu con người uống nước, ăn cá, gan động vật, các loại rau mọc dưới nước chứa sán chưa nấu chín,… thì sán sẽ vào dạ dày, tá tràng rồi đi ngược theo đường mật để lên tới gan. Tại đây, sán sẽ nhanh chóng trưởng thành rồi đẻ trứng ở ống dẫn mật.
2.2 Quá trình hình thành và sinh trưởng của ấu trùng sán lá gan lớn
Vật chủ của sán lá lớn chủ yếu là người hay động vật ăn cỏ như cừu và gia súc. Sán lá gan nhỏ trưởng thành trong ống mật của các loài động vật này rồi đẻ trứng. Trứng từ mật theo phân ra ngoài, phát triển thành ấu trùng lông, gặp môi trường nước sẽ rời khỏi trứng, sau đó chui vào sống trong mình ốc Lymnaea, phát triển thành bào tử nang và ấu trùng đuôi.
Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc để bám vào cây thủy sinh, sau đó rụng đuôi thành hậu ấu trùng. Khi người hay động vật ăn cỏ ăn phải cây thủy sinh ấu trùng sẽ nhiễm bệnh. Khi đến ruột non, hậu ấu trùng sẽ mất vỏ để thành sán non, tiếp tục chui qua vách ruột, vào gan để đi tới ống mật và sống ở đây trong khoảng 1 năm. Thậm chí có những trường hợp sán có thể đi tới mạch máu, theo đại tuần đến phổi, mô dưới da và mắt.
Sán lá gan biến chứng có thể đe dọa nghiêm trọng như: áp-xe gan, tắc ống dẫn mật, xơ gan, xơ gan cổ trướng, xơ cứng ống mật, ung thư đường mật, tử vong…
3. Triệu chứng bệnh sán lá gan
Sán lá gan khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh có thể không gây bất kỳ một triệu chứng nào. Người bệnh thường bỏ qua và không biết cho đến khi có các biến chứng xuất hiện mới đi khám. Các trường hợp có triệu chứng thì các dấu hiệu nhiễm sán thường là:
– Đau vùng gan bên phải, thường là những cơn đau âm ỉ, lan ra phía sau lưng hoặc sang bên trái, tới đến vùng thượng vị
– Rối loạn tiêu hóa, khó chịu, đầy bụng, buồn nôn
– Sốt cao kèm rét run nhưng cũng có thể chỉ thoáng qua rồi hết
– Chóng mặt, mệt mỏi thường xuyên, vã mồ hôi
– Biếng ăn, sụt cân
– Da tái xanh hoặc vàng, nổi mề đay
– Gan sưng to, thậm chí có thể sờ thấy được trên lâm sàng
– Có dịch trong ổ bụng
4. Chẩn đoán và điều trị sán lá gan như thế nào?
Để điều trị sán lá gan hiệu quả, cần chẩn đoán chính xác loại sán nhiễm phải, số lượng, mức độ phát triển của sán trong ổ bụng.
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh sán lá gan và mức độ bệnh bao gồm:
– Soi phân, kiểm tra dịch tá tràng hoặc dịch mật của người, động vật nghi ngờ mắc bệnh
– Xét nghiệm công thức máu
– Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể sán lá gan trong máu, thường là phương pháp miễn dịch ELISA
– Test trong da
– Siêu âm bụng
– CT scan ổ bụng
– Chụp cộng hưởng từ MRI
Các phương pháp điều trị sán lá gan chủ yếu bao gồm sử dụng các loại thuốc như Corticosteroid, Praziquantel… hoặc phẫu thuật nếu gan bị tổn thương nặng. Quá trình điều trị sán lá gan cần được đưa ra và giám sát bởi các bác sĩ chuyên khoa gan mật để đạt hiệu quả cao nhất.
5. Phòng ngừa bệnh sán lá gan
Để tránh nhiễm trứng hoặc ấu trùng sán lá gan, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau:
– Ăn chín uống sôi
– Sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh để uống và chế biến đồ ăn
– Không ăn các loại thực vật tươi sống dưới nước , đặc biệt gần các vùng chăn nuôi gia súc
– Rửa sách trái cây hay rau quả, ngâm trong dung dịch khử trùng như axit axetic 6% trong khoảng 10 phút trước khi ăn
– Giữ gìn vệ sinh môi trường chung, không phóng uế bừa bãi
Người bệnh nếu nghi ngờ mình nhiễm sán lá gan, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm nhất có thể, tránh những hậu quả nặng nề do bệnh gây ra.