Bệnh chân tay miệng ở trẻ em rất dễ lây lan và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị đúng cách. Nhận biết sớm các dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ và điều trị đúng phác đồ là một trong những việc làm quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ tối ưu. Tìm hiểu ngay!
Menu xem nhanh:
1. Về bệnh chân tay miệng
Tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây từ người này sang người khác. Bệnh thường có các biểu hiện đặc trưng là tổn thương da và niêm mạc thành các vết phồng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay và bàn chân…
1.1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tay chân miệng chủ yếu do các loại virus thuộc họ virus đường ruột gây ra. Trong đó, hai nhóm virus phổ biến nhất gây tay chân miệng là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Những loại virus này có khả năng sống sót và tồn tại dai dẳng trong môi trường.
Virus gây bệnh có thể bị tiêu diệt khi nhiệt độ lên đến 560 độ C sau 30 phút. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiệt độ -40 độ C, virus vẫn có thể tồn tại và sống sót trong khoảng 3 tuần. Trẻ em là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc tay chân miệng cao hơn, đặc biệt là trẻ thường xuyên tới những nơi tập trung đông người.
1.2. Dấu hiệu nhận biết
Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu bất thường của trẻ để phát hiện bệnh tay chân miệng sớm. Bệnh tay chân miệng ở trẻ thường có các giai đoạn đặc trưng với từng biểu hiện cụ thể như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này kéo dài từ 3-7 ngày, trẻ không có nhiều biểu hiện của bệnh và vẫn sinh hoạt bình thường.
– Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn khởi phát diễn ra trong 1 đến 2 ngày với các triệu chứng cụ thể như đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy,…
– Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này là khi các triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ trở nên rõ ràng hơn như: Loét miệng, ở hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc vùng má, môi, lưỡi… khiến trẻ đau khi ăn uống và bỏ ăn; Trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39 độ C; Trẻ phát ban dưới da dạng phỏng nước, tập trung trên lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông…
Nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng này, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị đúng phác đồ.
1.3. Con đường lây truyền
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Cụ thể:
– Hít các dịch tiết đường hô hấp, tiêu hóa của trẻ khác khi ho, vui chơi, ăn uống…
– Chạm phải các mụn nước, phỏng nước trên da của trẻ mắc bệnh.
– Cầm nắm, sử dụng chung đồ chơi, đồ dùng cá nhân của trẻ mắc bệnh.
Virus có khả năng lây truyền khá nhanh nên khả năng bùng phát thành dịch của bệnh là rất lớn. Đặc biệt, tay chân miệng rất dễ lây lan và bùng dịch ở những nơi tập trung đông người nhưng không được kiểm soát dịch bệnh khoa học.
2. Biến chứng tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường không đe dọa tới tính mạng và có thể thuyên giảm dần sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, có một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:
– Mất nước: Đây là biến chứng phổ thường gặp ở trẻ do các vết loét trong miệng làm cho trẻ khó uống nước, ăn uống kém.
– Nhiễm trùng thứ phát: Có thể xảy ra nhiễm trùng trong các vết loét trên da, vết phỏng nước.
– Viêm màng não: Biến chứng hiếm gặp khi trẻ mắc tay chân miệng nhưng có thể xảy ra khi trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời.
– Viêm não: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất đối với trẻ nhỏ mắc tay chân miệng. Các triệu chứng viêm não có thể phát triển rất nhanh trong vài giờ hoặc vài ngày, đe dọa tới tính mạng của trẻ.
Để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng với các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám để điều trị đúng cách.
3. Cách chữa chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị chân tay miệng là giảm triệu chứng và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định điều trị với phương pháp phù hợp cho trẻ:
– Để giảm đau từ các vết loét trong miệng, có thể sử dụng các loại thuốc bôi gây tê tại chỗ, giảm cảm giác khó chịu cho trẻ.
– Kháng sinh chỉ sử dụng khi tay chân miệng ở trẻ kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng và khi có chỉ định của bác sĩ. Tác nhân gây bệnh là do virus nên kháng sinh không có tác dụng chữa bệnh.
– Trẻ sốt cao từ 38,5 độ trở lên có thể được chỉ định sửa dụng thuốc để hạ sốt, ngăn ngừa sốt cao, co giật.
– Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, cha mẹ có thể bổ sung các dung dịch bù nước, bù điện giải cho trẻ.
– Trong trường hợp trẻ sốt cao không hạ, khó thở, giật mình, run tay chân, li bì, hôn mê… thì cha mẹ nên đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để can thiệp điều trị chuyên sâu hơn.
Cha mẹ cần lưu ý, đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để trẻ được điều trị kịp thời và đúng cách. Để đảm bảo trẻ nhanh chóng khỏi bệnh và hồi phục tốt, cha mẹ nên tuân thủ phác đồ của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc dùng mẹo để chữa tay chân miệng cho trẻ.
4. Phòng ngừa bệnh đúng cách
Tay chân miệng không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng vẫn có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Do vậy, việc sinh hoạt và phòng ngừa đúng cách sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và khỏe mạnh hơn. Cha mẹ cần lưu ý:
– Đảm bảo vệ sinh khi chế biến đồ ăn và nên ăn chín, uống nước sạch, nước sôi.
– Vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng trong gia đình, đồ dùng cá nhân và đồ chơi của trẻ.
– Sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt, chế biến đồ ăn cho gia đình.
– Không nên mớm thức ăn bằng miệng cho trẻ vì có thể lây nhiễm các vi khuẩn có hại ở trong miệng của người lớn cho trẻ.
– Không để trẻ ngậm đồ chơi hoặc mút tay, vệ sinh sạch sẽ tay cho trẻ trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh…
– Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân cho trẻ như cốc, chén, thìa, đĩa, bát và đồ chơi…
– Không để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc người nghi mắc tay chân miệng.
Chân tay miệng ở trẻ em có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu như trẻ được phát hiện và thăm khám sớm. Cha mẹ nên chủ động trong việc phát hiện dấu hiệu bất thường ở trẻ và đưa trẻ tới các cơ sở y tế kịp thời.