Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm nhưng thường diễn ra trong âm thầm với các triệu chứng bệnh khá mờ nhạt, khó nhận biết dẫn tới hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Chính vì vậy, việc tiêm viêm gan B cho trẻ là cần thiết nhằm giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ mắc bệnh này ngay từ giai đoạn sớm. Để vắc xin đạt được hiệu quả tối đa, phụ huynh cần lưu ý để thực hiện tiêm phòng cho trẻ theo đúng phác đồ.
Menu xem nhanh:
1. Ảnh hưởng của vắc xin viêm gan B đối với sức khỏe
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, phát sinh chủ yếu bởi sự tấn công của virus HBV. Nếu không được sớm điều trị sớm và kịp thời, viêm gan B có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo đó là những biến chứng bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.
Viêm gan B có thể lây truyền bằng một số con đường chính như:
– Lây truyền qua đường máu.
– Lây nhiễm từ mẹ sang con.
– Lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục.
Viêm gan B nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng bệnh như:
– Xơ gan: Nếu viêm gan B kéo dài dẫn tới dễ hình thành các mô sẹo ở gan, điều này dẫn tới xơ gan và làm giảm khả năng hoạt động của gan.
– Suy gan: Viêm gan B là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy gan cấp tính, các tế bào gan bị tổn thương ồ ạt có thể làm tăng nguy cơ gây tử vong.
– Ung thư gan: Người bị viêm gan B mạn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn những người không mắc bệnh.
– Các biến chứng tại những bộ phận khác có thể gặp như viêm thận hoặc viêm mạch máu.
2. Tầm quan trọng của tiêm viêm gan B cho trẻ sau khi chào đời
Như đã đề cập ở trên, có thể thấy được phần nào sự nguy hiểm của viêm gan B ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Nguy hiểm hơn, khi căn bệnh này có thể lây truyền theo nhiều đường khác nhau, khiến trẻ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe trong tương lai.
Hơn nữa, trẻ con rất hiếu động, thường xuyên chạy nhảy nên dễ bị ngã, trầy xước. Đó chính điều kiện thuận lợi để lây nhiễm loại virus này. Bởi vậy, việc tiêm phòng cho trẻ ngay từ giai đoạn sớm vô cùng cần thiết. Nếu được tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh, trẻ sẽ nhận được hiệu quả miễn dịch tốt nhất.
Mục đích của việc tiêm phòng trong 24 giờ đầu giúp ngăn ngừa tình trạng trẻ có thể bị lây nhiễm từ mẹ (nếu có mắc viêm gan B trước đó). Nếu không phòng ngừa tình trạng này, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh từ mẹ và các nguồn lây nhiễm khác từ môi trường xung quanh, có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
3. Những lưu ý khi thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B
3.1. Lịch tiêm phòng cho trẻ
Để phòng viêm gan B đạt hiệu quả cao nhất, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin đúng và đủ mũi tiêm như sau:
– Mũi đầu tiên: Trong 24 giờ sau khi sinh.
– Mũi thứ hai: 1 tháng sau mũi vắc xin đầu tiên (trẻ đủ 1 tháng tuổi).
– Mũi thứ ba: 6 tháng sau khi tiêm mũi vacxin đầu tiên (trẻ đủ 6 tháng tuổi).
– Trẻ có thể tiêm mũi bổ sung 1 mũi thứ 4 để nhắc lại vào giai đoạn trẻ đủ 16 – 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên chỉ nên tiêm viêm gan B sau 24 giờ đầu nếu trẻ đạt đủ những điều kiện:
– Nhịp thở ổn định.
– Da khỏe mạnh, hồng hào, không có biểu hiện bất thường.
– Trẻ bú tốt.
3.2. Trường hợp không nên/hoãn tiêm viêm gan B cho trẻ
Trường hợp hoãn tiêm
Nếu thuộc nhóm đối tượng sau thì nên hoãn lại việc tiêm viêm gan B cho trẻ
– Trẻ sinh non. sinh khó, trọng lượng cơ thể dưới 2kg tại thời điểm tiêm vắc xin.
– Dị tật bẩm sinh, trẻ đang được theo dõi hồi sức sơ sinh.
– Trẻ bị sốt, mắc các bệnh cấp hoặc mạn tính, dị ứng miễn dịch.
Thời gian tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ không quá 7 ngày sau khi sinh. Vắc xin viêm gan B sẽ không có hiệu quả ở trẻ sinh non nếu trẻ mắc bệnh này trước khi được 1 tháng tuổi.
Trường hợp không nên tiêm
Một số trường hợp trẻ không nên tiêm phòng viêm gan B mà phụ huynh cần chú ý là:
– Trẻ có phản ứng nghiêm trọng với các liều thuốc được tiêm trước đó.
– Trẻ bị sốc phản vệ với kháng sinh có trong vắc xin.
– Trẻ đang điều trị cấy ghép nội tạng, ung thư hoặc đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng.
– Trẻ dị ứng nặng với men nở, loại men làm bánh mì không nên tiêm ngừa viêm gan B vì vắc xin viêm gan B được làm từ loại nấm này
3.3. Phản ứng có thể gặp sau khi tiêm viêm gan B cho trẻ
Một số phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng viêm gan B cho trẻ là:
– Đau, sưng tấy nhẹ tại vị trí tiêm.
– Sốt nhẹ.
– Mệt mỏi, quấy khóc.
Sau khi tiêm xong cha mẹ nên nán lại tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi những dấu hiệu ban đầu của trẻ. Nếu trẻ có xuất hiện các biểu hiện như choáng váng, thay đổi thị lực, ù tai và các bất thường khác nên thông báo tới đội ngũ y tế ngay.
Với các biểu hiện thông thường như đỏ da hay sưng tấy nhẹ cha mẹ không nên đắp gì lên vết thương để tránh nhiễm trùng.
Trẻ dễ bị sốt, quấy khóc, cha mẹ có thể làm mát người cho trẻ bằng cho bú thêm sữa, mặc quần áo, dán miếng hạ sốt và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với trường hợp trẻ sau tiêm đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm, sốt kéo dài nhiều ngày hay quấy khóc nhiều, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái… cha mẹ nên cho trẻ tới cơ sở y tế sớm để được xử lý kịp thời.
Hy vọng qua bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin về hoạt động tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ và tầm quan trọng của loại vắc xin này. Nếu bạn còn các thắc mắc khác cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để nhận hỗ trợ và tư vấn sớm nhất!