Tiêm ngừa vaccine sớm để phòng 4 bệnh lý nguy hiểm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Hiện nay, có 4 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao mà chúng ta không thể chủ quan. Do đó, việc tiêm ngừa vaccine từ sớm là cực kỳ cấp thiết để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc phải.

1. Điểm mặt gọi tên 4 bệnh có tỷ lệ tử vong cao hiện nay

1.1. Bệnh lao

Bệnh lao được xếp vào 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong top đầu thế giới hiện nay. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua giọt bắn từ cổ họng và phổi của người bệnh.

Không thể xem nhẹ tốc độ lây lan của bệnh lao. Cứ một người bị lao phổi ho khạc ra vi khuẩn có thể lây cho 10 đến 15 người khác. Nhất là trong môi trường tiếp xúc nhỏ, đông người như: trường học, gia đình, nơi làm việc,… Nếu chủ quan, người bệnh khó nhận biết bản thân thời điểm bị lây nhiễm cũng như diễn tiến phát triển của bệnh. Đa số các trường hợp mắc đều phát hiện bệnh muộn và hiệu quả điều trị lúc này không cao.

Triệu chứng của một người mắc bệnh lao phổi bao gồm:

– Ho, thi thoảng ho có đờm hoặc ho ra máu.

– Đau ngực.

– Suy nhược, gầy sút.

– Sốt và ra mồ hôi về đêm.

Tất cả đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh lao. Tuy nhiên những đối tượng sau có dễ mắc hơn cả và có nguy cơ chịu biến chứng nặng nề gồm:

– Người HIV/AIDS.

– Người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận giai đoạn cuối, người mắc bệnh Crohn, bệnh vảy nến, người bệnh suy dinh dưỡng.

– Người đang trong thời gian điều trị căn bệnh ung thư.

– Người đang dùng thuốc để điều trị viêm khớp dạng thấp.

– Trẻ nhỏ.

– Người cao tuổi.

1.2. Bệnh dại

Bệnh dại là 1 bệnh nhiễm virus dại cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt nhiễm virus dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật (thường là của chó, mèo).

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần 100% nếu không được tiêm phòng dại kịp thời. Tại Việt Nam, bệnh dại được đánh giá là nguy hiểm vì có tốc độ lây lan nhanh và tử vong cao trong các bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế thống kê:

– Năm 2022, có 70 ca tử vong trên cả nước.

– 7 tháng đầu năm 2023 có 43 ca tử vong do bệnh dại.

tiêm ngừa vaccine phòng dại

Bệnh dại là bệnh dễ tử vong nhanh nếu không được phát hiện và tiêm vaccine kịp thời

1.3. Viêm gan B

Viêm gan virus là nguyên nhân số 1 gây ung thư gan. Phần lớn người mắc bệnh ung thư kèm theo viêm gan B hoặc C, trong đó viêm gan B chiếm số lượng lớn hơn.

Viêm gan B gây ra do virus HBV – loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Viêm gan B dễ lây truyền qua:

– Lây qua đường máu.

– Lây từ mẹ sang con.

– Lây qua đường tình dục.

1.4. Viêm phổi do phế cầu

Vi khuẩn phế cầu là loại vi khuẩn sống ký sinh ở vùng hầu họng của đa số những người bình thường. Khi sức đề kháng giảm và cùng với những tổn thương ở đường dẫn khí do bị viêm họng, viêm mũi, viêm xoang…, phế cầu khuẩn di chuyển xuống phổi một cách dễ dàng, xâm nhập vào các phế nang và gây nên tình trạng viêm phổi.

Bệnh viêm phổi do phế cầu dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị:

– Tràn dịch màng phổi.

– Áp xe phổi.

– Suy hô hấp.

– Tử vong.

Không chỉ vậy, phế cầu khuẩn khi xâm nhập vào máu sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Tình trạng này dẫn đến tử vong nhanh chóng vô cùng. Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn gây viêm màng não, tình trạng viêm tai giữa và viêm xoang.

Có 3 đối tượng sau dễ gánh chịu hậu quả nặng nề của bệnh tật:

– Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

– Người trên 60 tuổi.

– Người mắc bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp,…

tiêm ngừa vaccine viêm phổi do phế cầu khuẩn

Viêm phổi do phế cầu khuẩn dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng

2. Tiêm ngừa vaccine sớm – Giải pháp phòng ngừa mắc bệnh và biến chứng hiệu quả

Tiêm ngừa vaccine từ sớm là cách phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả tối ưu. Bởi vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của bệnh tật. Nhờ đó mà tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong giảm đi. Chủ động tiêm phòng là rất cần thiết và có ý nghĩa đối với cả trẻ em và người lớn.

Khi toàn dân đều tiêm vacxin phòng bệnh sớm sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng. Dịch bệnh lúc này sẽ khó lây lan từ người này sang người khác bởi hầu hết mọi người đã được miễn dịch. Miễn dịch cộng đồng sẽ tạo ra một hàng rào bảo vệ chống lại bệnh cho cả những người chưa được tiêm chủng, bao gồm cả trẻ sơ sinh.

2.1. Tiêm ngừa vaccine bệnh lao

Hiện vaccine phòng bệnh lao đang sử dụng là Bacille Calmette – Guérin (BCG). Vaccine BCG phòng ngừa hiệu quả các bệnh lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với khả năng bảo vệ lên tới 70%.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine phòng lao cho trẻ trong vòng một năm sau sinh. Thời gian “vàng” để tiêm vaccine chính là 24 giờ ngay sau sinh. Với những trẻ sinh non hoặc chưa đảm bảo điều kiện tiêm thì có thể hoãn và tiêm phòng ngay khi tình trạng sức khỏe ổn định.

2.2. Tiêm ngừa bệnh dại

Vắc xin dại có khả năng tạo ra hệ miễn dịch đặc hiệu chủ động, giúp cơ thể chống lại tác nhân virus dại, bảo vệ mỗi người trước căn bệnh đáng sợ này. Hiện nay có 2 loại vaccine phòng ngừa bệnh dại thế hệ mới và có hiệu quả cao được sử dụng rộng rãi gồm:

– Vaccine Verorab (Pháp).

– Vaccine Abhayrab (Ấn Độ).

2.3. Tiêm ngừa vaccine viêm gan B

Vaccine viêm gan B có hiệu quả ngăn ngừa 80 – 100% các trường hợp nhiễm trùng hoặc lâm sàng viêm gan B. Hiện nay, ở Việt Nam đang sử dụng rộng rãi 4 loại vaccine viêm gan B đó là:

– Engerix B (Bỉ).

– Heberbiovac (Cu Ba).

– Gene Hbvax (Việt Nam).

– Euvax B (Hàn Quốc).

Trẻ em tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 24h sau sinh giúp thiết lập lá chắn sức khỏe ngay trong những năm đầu đời. Đối với người lớn thì trước khi tiêm cần phải làm xét nghiệm nồng độ và cần tiêm càng sớm càng tốt.

tiêm ngừa vaccine viêm gan B khi nào

Tiêm phòng viêm gan B từ sớm để dự phòng bệnh trong tương lai

2.4. Tiêm phòng viêm phổi do phế cầu

Vaccine phòng bệnh viêm phổi do phế cầu được sử dụng phổ biến là:

– Vaccine Synflorix (Bỉ) giúp phòng ngừa 10 chủng phế cầu. Loại vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 15 tuổi.

– Vaccine Prevenar 13 (Bỉ) giúp phòng ngừa 13 chủng phế cầu. Vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và cả người lớn.

Chúng ta có thể phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bằng cách tiêm phòng từ sớm và đầy đủ. Với 4 loại bệnh có tỷ lệ tử vong cao kể trên thì nay đều đã có vaccine phòng bệnh. Hãy chủ động tiêm ngừa vaccine cho chính bản thân cũng như người thân trong gia đình để giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital