Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm ngừa cúm có thể giúp giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và khoảng 70 – 80% tỷ lệ bị tử vong do cúm. Nghĩa là, nếu tiêm phòng vắc xin cúm mùa, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cúm thấp hơn 60% so với người không tiêm phòng. Nếu mắc bệnh cúm, bạn cũng sẽ có nguy cơ tử vong thấp hơn 70 – 80% so với người không tiêm.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu rõ về cúm và vắc xin cúm
1.1. Cúm là gì?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Virus cúm thường hoạt động mạnh vào mùa đông xuân và lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh cúm mùa thường có các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C, mệt mỏi, rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho hoặc đau họng.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh cúm mùa diễn biến nhẹ và tự khỏi trong vòng 2 – 7 ngày. Tuy nhiên, ở một số nhóm đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính, bệnh cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Các biện pháp phòng bệnh cúm mùa bao gồm:
– Tiêm vắc xin ngừa cúm.
– Giữ vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc với người bệnh.
– Che miệng, mũi khi hắt hơi, sổ mũi.
1.2. Vắc xin cúm là gì?
Vắc xin cúm được điều chế từ các virus cúm bất hoạt, nghĩa là các virus đã bị vô hiệu hóa, không còn khả năng gây bệnh. Khi tiêm vắc xin, cơ thể sẽ nhận diện các virus cúm bất hoạt này và sản sinh ra kháng thể chống lại chúng. Kháng thể sẽ bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm virus cúm trong vòng 6-12 tháng. Tuy nhiên, các chủng virus cúm thường thay đổi theo thời gian, vì vậy công thức vắc xin cúm cần được cập nhật hàng năm để phù hợp với các chủng virus đang lưu hành. Ngoài ra việc tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm là rất cần thiết để duy trì hiệu quả bảo vệ cao.
4 loại vắc xin cúm phổ biến hiện nay bao gồm Vaxigrip tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan) và GCFLU Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam). Cụ thể phác đồ sử dụng như sau:
Vaxigrip tetra, Influvac Tetra và GCFLU Quadrivalent sử dụng để tiêm bắp 0.5ml/ liều cho trẻ trên 6 tháng và người lớn với phác đồ tùy tình huống:
– Trẻ em từ 6 tháng đến 9 tuổi tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần, sau đó nhắc lại một mũi hàng năm.
– Trẻ trên 9 tuổi tiêm 1 mũi hàng năm.
Ivacflu – S sử dụng cho người lớn từ 18 – 60 tuổi với lịch tiêm 1 mũi hàng năm, tiêm bắp 0.5ml/ liều.
2. 3 Điều cần lưu tâm về việc tiêm ngừa cúm
2.1. Đối tượng nên, không nên tiêm ngừa cúm
Theo khuyến cáo từ CDC, những đối tượng sau nên thực hiện tiêm ngừa cúm:
– Trẻ em từ 6 tháng tuổi.
– Phụ nữ mang thai.
– Người trên 65 tuổi.
– Người mắc bệnh lý mạn tính như viêm phổi, hen, tim mạch, đái tháo đường, suy thận, suy giảm hệ miễn dịch do mắc hoặc điều trị HIV/AIDS.
Chống chỉ định tiêm phòng cúm với các đối tượng:
– Trẻ nhỏ (dưới 6 tháng tuổi).
– Người bị dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin cúm. Thành phần dị ứng bao gồm gelatin, kháng sinh hoặc các thành phần khác.
Ngoài ra nếu bạn gặp phải một trong các tình trạng sau, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn loại vắc xin phù hợp:
– Bạn bị dị ứng với trứng hoặc một thành phần nào khác. Hãy nói chuyện với bác sĩ để chắc chắn điều này không ảnh hưởng đến quá trình tiêm của bạn.
– Bạn từng mắc hội chứng Guillain-Barré (GBS). Một số đối tượng có tiền sử GBS không nên tiêm ngừa cúm.
– Bạn cảm thấy không khỏe trong thời điểm chuẩn bị tiêm, hãy báo với bác sĩ về các triệu chứng của bạn.
2.2. Thời điểm tiêm ngừa cúm và hiệu lực của vắc xin
Thời điểm tiêm phòng cúm mùa phù hợp là từ 2 tuần đến 1 tháng trước khi mùa cao điểm bắt đầu.
Cúm có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng đỉnh dịch cúm thường vào mùa đông và xuân. Tại Việt Nam, mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài đến tháng 5 năm sau. Kháng thể sau khi tiêm vắc xin cúm cần có thời gian để phát triển, đạt đỉnh sau khoảng 2 tuần và kéo dài trong vòng 6 – 12 tháng. Vì vậy, tiêm phòng cúm quá sớm có thể khiến kháng thể chưa kịp phát triển, giảm khả năng phòng bệnh, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Từ thực tế này, Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia y tế khuyến cáo tiêm phòng cúm từ giữa tháng 9 trở đi sẽ giúp cơ thể có đủ thời gian để sản sinh kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm trong mùa cao điểm. Bên cạnh đó, virus cúm thường biến đổi theo thời gian nên việc tiêm nhắc lại hàng năm là cần thiết để duy trì hiệu quả bảo vệ.
2.3. Lưu ý những phản ứng phụ sau tiêm vắc xin cúm
Cả trẻ em và người lớn đều có thể gặp phải phản ứng phụ sau khi tiêm ngừa cúm, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm cúm. Các phản ứng phụ này thường là nhẹ và tự biến mất trong vòng vài ngày, bao gồm đau chỗ tiêm, sưng nhẹ, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,…
Nếu gặp phải các phản ứng phụ sau tiêm ngừa cúm, bạn nên nghỉ ngơi tại nhà, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh các phản ứng phụ thường gặp trên, một số phản ứng phụ hiếm gặp cũng có thể xảy ra, bao gồm:
– Hội chứng sốc nhiễm độc: Đây là một phản ứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, thường xảy ra trong vòng 1-6 giờ sau tiêm phòng. Hội chứng này có thể gây ra các triệu chứng như sốt cao kèm co giật, hạ huyết áp, khó thở, rối loạn nhịp tim,…
– Phản ứng phản vệ: Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, thường xảy ra trong vòng vài phút sau tiêm phòng. Phản ứng phản vệ có thể gây ra các triệu chứng như nổi mề đay, sưng mặt, lưỡi, họng, khó thở,…
Các phản ứng này rất hiếm gặp, chỉ xảy ra với khoảng 1 – 2 người trên 1 triệu người tiêm phòng và nếu hi hữu gặp phải, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Nhìn chung để đảm bảo sức khỏe trước tiêm chủng, bạn cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh, dị ứng,… để nhận chỉ định tiêm an toàn và phù hợp. Sau khi tiêm cần theo dõi sức khỏe cẩn thận và thông báo ngay với bác sĩ nếu có vấn đề bất thường.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về tiêm ngừa cúm. Nếu bạn còn thắc mắc về vắc xin và tiêm chủng, hãy liên hệ TCI để được giải đáp.