Kiểm soát các triệu chứng hiện tại, tăng cường cơ thể và khả năng miễn dịch là những bước bạn có thể thực hiện để chống lại bệnh sốt xuất huyết. Cùng với việc điều trị của bác sĩ, dinh dưỡng cho người sốt xuất huyết cụ thể là những thực phẩm bạn nên ăn và thực phẩm cần tránh khi bị sốt xuất huyết sẽ là kim chỉ nam để bạn nhanh chóng hồi phục.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với người bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết cũng giống như các bệnh do virus thông thường gây ra bởi sự tấn công của virus đều sẽ khiến hệ miễn dịch của người bệnh suy giảm, kéo theo là hàng loạt các triệu chứng điển hình của bệnh gây nên những tác động ảnh hưởng đến cơ thể như: Mệt mỏi, kém ăn, đau nhức, xuất huyết… Vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng cần được chú trọng bên cạnh quá trình điều trị để đồng thời giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại sức lực, tăng đề kháng, nhanh phục hồi, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Nguyên tắc dinh dưỡng nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm tốt và nhiều chất, người bệnh cần tăng năng lượng và đạm, tăng dần lượng cho mỗi bữa ăn và nên ăn thêm bữa phụ hàng ngày. Nên chế biến thức ăn dưới dạng mềm lỏng để dễ ăn và tiêu hóa để giúp người bệnh có thể ăn dễ dàng và nhiều hơn.
2. Chế độ dinh dưỡng giúp người mắc sốt xuất phục hồi, nhanh khỏi
2.1 Thực phẩm giàu vitamin C – Nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho người bệnh sốt xuất huyết
Trong số các loại vitamin, vitamin C đóng vai trò quan trọng cho quá trình phục hồi của người bệnh sốt xuất huyết. Vitamin C được biết đến là có đặc tính chống virus và chống oxy hóa, đồng thời cũng giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng hữu ích khác là sắt từ ruột. Vì vậy các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, đu đủ, dứa… và các loại rau lá xanh nên được đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn khi mắc sốt xuất huyết.
2.2 Thực phẩm giàu chất sắt
Số lượng tiểu cầu có xu hướng giảm khi bạn mắc sốt xuất huyết. Trong khi cơ thể cần một lượng sắt đủ để duy trì nồng độ huyết sắc tố trong máu và sản xuất tiểu cầu – yếu tố giúp ích cho quá trình đông máu và ngăn chặn tình trạng chảy máu, mất máu.
Vì vậy sử dụng thực phẩm giàu sắt như các loại đậu, gan, thịt đỏ, quả chuối, táo, mận, cam, lựu, rau bina, bông cải xanh… có thể giúp phục hồi số lượng tiểu cầu và phục hồi sức khỏe tổng quát nhanh hơn.
2.3 Thực phẩm giàu vitamin K – Nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho người bệnh sốt xuất huyết
Vitamin K là một chất dinh dưỡng quan trọng khác cho người bệnh sốt xuất huyết bởi cũng thúc đẩy việc tăng số lượng tiểu cầu, cải thiện tình trạng xuất huyết, hữu ích trong việc chống lại bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy nên sử dụng các thực phẩm là nguồn cung cấp vitamin K tự nhiên như rau mầm, bông cải xanh, rau cải xoăn, củ cải đường, bắp cải, măng tây, cần tây, mùi tây… đưa vào danh sách những thực phẩm nên ăn khi bị sốt xuất huyết.
Trong đó, 100g thực phẩm sau đây chứa hàm lượng vitamin K cao đó là: Rau bina nấu chín chứa 540,7 micrograms, cải xoăn nấu chín chứa 418,5 micrograms, rau cải xanh nấu chín chứa 592,7 micrograms, bắp cải nấu chín chứa 108,7 micrograms, húng quế khô chứa 1714,5 micrograms…
2.4 Thực phẩm giàu calo
Cơ thể bạn trở nên suy yếu khi bị nhiễm virus sốt xuất huyết, vì thế việc bổ sung năng lượng là rất cần thiết. Các thực phẩm bạn nên sử dụng để lấy lại sức khi bị sốt xuất huyết là sữa, gạo, khoai tây…
2.5 Chất lỏng
Nước rất cần thiết cho cơ thể đặc biệt là đối với người bệnh sốt xuất huyết đang gặp phải các tình trạng mất nước. Bạn nên đảm bảo rằng uống nhiều nước trong quá trình điều trị và phục hồi sau bệnh, bạn có thể sử dụng các loại nước khác nhau như nước dừa, nước gạo vì chúng có chứa chất điện giải như kali, canxi, natri, magie. Chất lỏng sẽ giúp bạn cân bằng điện giải và giữ nước cho cơ thể.
3. Những lưu ý quan trọng cần tránh trong chế độ dinh dưỡng ở người sốt xuất huyết
Bên cạnh những thực phẩm nên sử dụng để tăng cường dinh dưỡng cho người sốt xuất huyết thì cũng có những nhóm thực phẩm bệnh nhân cần tránh.
– Thực phẩm chiên, rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ: Thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể dẫn đến huyết áp và cholesterol cao, vì vậy có thể làm chậm quá trình phục hồi bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
– Thực phẩm cay: Danh sách thực phẩm cần tránh khi bị sốt xuất huyết bao gồm cả thực phẩm cay nóng. Thức ăn cay có thể gây tích tụ axit trong dạ dày, gây loét thành mạch máu, tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, cản trở quá trình hồi phục của người bệnh sốt xuất huyết.
– Đồ uống có chứa caffeine: Như đã đề cập trước đó, sốt xuất huyết gây ra tình trạng mất nước do đó bệnh nhân phải uống nhiều nước. Đồ uống chứa caffein có thể kích thích đường tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn và tiêu chảy, làm tăng sản xuất axit dạ dày và khiến tim đập nhanh, suy nhược cơ, khiến cơ thể mất nước… Tất cả những tác dụng phụ này có thể khiến quá trình phục hồi của người bệnh sốt xuất huyết bị ảnh hưởng.
4. Một số lưu ý khác trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng cho người sốt xuất huyết thì trong quá trình chăm sóc cũng cần lưu ý đến những vấn đề sau:
– Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi sử dụng sai thuốc vô tình có thể khiến tình trạng xuất huyết ở người bệnh trở nên trầm trọng hơn.
– Cần theo dõi kỹ các tình trạng của người bệnh trong suốt chu kỳ sốt xuất huyết. Khi có những dấu hiệu bất thường được bác sĩ cảnh báo trước đó nên nhanh chóng thông báo chi tiết cho bác sĩ để được điều trị kịp thời và dứt điểm sớm bệnh.