Thoái hóa khớp gối bệnh học và những điều cần chú ý

Thoái hóa khớp gối là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất, xuất hiện do sự mất cân bằng trong quá trình tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Thoái hóa khớp gối nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn tình trạng nhuyễn hóa, xơ hóa xương dưới sụn, nứt loét, mất sụn khớp, tạo gai xương…. Vậy thoái hóa khớp gối bệnh học có đặc điểm gì, cách điều trị bệnh ra sao?

1.Thoái hóa khớp gối là gì?

Khớp gối được cấu tạo bởi 4 phần chính, bao gồm: xương, lớp sụn bao bọc đầu xương, hệ thống dây chằng bên và hệ thống dây chằng chéo.

Hiện tượng thoái hóa khớp gối xảy ra sẽ tác động trực tiếp đến cấu trúc xương và lớp sụn đầu xương. Đây là kết quả của sự mất cân bằng trong quá trình tổng hợp cũng như hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Theo thời gian, sụn khớp dần trở nên mỏng và xù xì do trải qua quá trình bào mòn. Khi đó, sụn khớp sẽ mất tính đàn hồi và không thể bảo vệ được đầu xương dẫn đến những biến đổi ở bề mặt khớp. Hệ quả cuối cùng đó là làm biến dạng khớp và hư khớp.

Khớp gối có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển động do vị trí tiếp giáp giữa 3 xương, đó là: phần dưới của xương đùi, phần trên của xương chày và mặt sau xương bánh chè. Không chỉ vậy, khớp gối còn có chức năng gánh toàn bộ cơ thể và luôn là khớp vận động nhiều nhất nên rất dễ bị thoái hóa.

thoái hóa khớp gối bệnh học và những điều cần chú ý

Thoái hoá khớp gối khiến xương dưới sụn bị xơ hoá, sưng và cứng khớp gối

2. Quá trình thoái hóa khớp gối bệnh học diễn ra như thế nào?

Quá trình thoái hóa khớp gối thường trải qua 4 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng khác nhau:

– Giai đoạn 1

Ở giai đoạn đầu tiên, các biểu hiện thường không rõ ràng. Người bệnh hầu như sẽ không cảm thấy đau hay khó chịu do sự tiếp xúc và mài mòn giữa các thành phần của khớp chưa đáng kể.

– Giai đoạn 2

Người bệnh sẽ bắt đầu cảm nhận được những triệu chứng đầu tiên nên đây được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh. Một số dấu hiệu có thể xuất hiện như đau sau một ngày dài đi bộ hay chạy bộ, đau khi cúi hoặc quỳ. Ngoài ra, tình trạng cứng khớp cũng xuất hiện nhiều hơn nếu không cử động trong thời gian ngắn.

Giai đoạn này, khoảng cách giữa các xương chưa bị thu hẹp, chưa bị cọ xát vào nhau, đồng thời chất lỏng hoạt dịch vẫn có khả năng duy trì đủ để các khớp hoạt động bình thường.

– Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 được cho là giai đoạn thoái hóa khớp gối ở mức độ trung bình. Thời điểm này, sụn giữa các xương đã có dấu hiệu tổn thương và khoảng cách giữa các xương cũng thu bắt đầu dẹp dần.

Người bệnh sẽ cảm nhận các cơn đau kéo đến thường xuyên hơn khi đi bộ, chạy bộ, cúi hoặc quỳ. Hiện tượng cứng khớp cũng xuất hiện khi ngồi lâu hoặc thức dậy vào buổi sáng. Nếu cử động liên tục trong thời gian dài, người bệnh còn gặp dấu hiệu sưng khớp.

– Giai đoạn 4

Khi tiến triển đến giai đoạn 4 tức là bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Người bệnh cảm thấy đau và khó chịu nhiều hơn khi đi bộ hoặc ngay cả khi cử động khớp.

Đây là giai đoạn không gian giữa các xương bị giảm và thu hẹp đáng kể, sụn hầu như không còn nguyên vẹn, ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp cũng không còn khiến cho khớp bị cứng.

thoái hóa khớp gối bệnh học trải qua 4 giai đoạn tiến triển

Quá trình thoái hóa khớp ở người bệnh thể hiện qua 4 giai đoạn

3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối được chia thành 2 loại chính là thoái hóa khớp gối nguyên phát và thoái hóa khớp gối thứ phát.

3.1 Thoái hóa khớp gối bệnh học thể nguyên phát

– Tuổi tác: Quá trình tổng hợp của sụn ngày càng suy giảm khi tuổi người bệnh tăng lên. Hơn nữa, sau độ tuổi trưởng thành, các tế bào sụn cũng không còn khả năng sinh sản và tái tạo dễ khiến khớp bị thoái hóa.

– Di truyền: Nghiên cứu cho thấy, nếu trong gia đình có người bị thoái hóa khớp gối thì nguy cơ các thành viên khác mắc bệnh là rất cao.

– Nội tiế: Giai đoạn tuổi tiền mãn kinh hay tiền sử mắc bệnh đái tháo đường đều là những yếu tố tác động tới các bệnh lý về xương khớp, cụ thể là bệnh thoái hóa khớp gối.

3.2 Thoái hóa khớp gối bệnh học thể thứ phát

– Giới tính: Theo thống kê, phụ nữ từ 55 tuổi trở lên là đối tượng dễ có nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp hơn nam giới. Nguyên nhân do dây chằng trước của khớp gối ở phụ nữ yếu hơn, cộng thêm thói quen đi giày cao gót gây áp lực trực tiếp lên sụn dẫn đến tình trạng thoái hóa tiến triển nhanh hơn.

– Thừa cân: Tình trạng thừa cân sẽ tạo áp lực trực tiếp lên 2 khớp gối khiến sụn khớp yếu và hao mòn dần theo thời gian.

– Chấn thương: Quá trình lao động hay tham gia các hoạt động thể thao hàng ngày có thể làm gãy xương bánh chè, giãn hoặc đứt dây chằng, gãy đầu dưới xương đùi… khiến sụn bị tổn thương trầm trọng. Nếu không can thiệp điều trị sớm sẽ gây thoái hóa, lệch trục khớp.

– Bệnh lý khác: Một số bệnh lý như béo phì, tiểu đường, gút, viêm khớp dạng thấp… đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sụn và xương khớp.

4. Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối trên cơ sở bệnh học như thế nào?

Điều trị thoái hóa khớp không chỉ giúp người bệnh giảm đau mà còn tăng khả năng phục hồi vận động cho người bệnh. Có nhiều phương pháp để cải thiện tình trạng này, trong đó có sự kết hợp của một số liệu pháp sau:

4.1 Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc

Trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối ở giai đoạn nhẹ và vừa, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc đem lại hiệu quả như:

– Thuốc chống viêm giảm đau: Acetaminophen (Tydol) dùng cho trường hợp thoái hoá khớp gối từ nhẹ đến vừa.

– Thuốc chống viêm không steroid: Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Motrin).

– Thuốc bôi ngoài da: Người bệnh có thể dùng thuốc dạng gel Voltaren Emulgel bôi trực tiếp lên phần khớp để giảm đau nhanh.

– Thuốc tiêm vào khớp: Corticosteroid, Acid Hyaluronic có tác dụng bôi trơn, giảm đau và cứng ở khớp gối.

– Đắp thuốc: Một số nguyên liệu tự nhiên người bệnh cũng có thể sử dụng để đắp lên phần khớp gối bị đau như: ngải cứu, lá lốt, lá xương sông…

Các loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo đối với người bệnh. Tùy vào từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định đơn thuốc phù hợp. Người bệnh không nên dùng thuốc tùy tiện mà cần có sự theo dõi và kê đơn chính xác từ các bác sĩ chuyên khoa.

Một số phương pháp điều trị thoái hoá khớp gối

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp tiêm trực tiếp vào khớp.

4.2 Điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc

– Giảm cân (nếu bị thừa cân): Việc giảm cân giúp giảm thiểu áp lực đáng kể ở đầu gối do cơ thể nặng nề gây ra.

– Tập luyện thường xuyên: Các bài tập chống thoái hoá khớp có tác dụng tăng cường cơ bắp quanh đầu gối. Đồng thời việc thường xuyên thực hiện các bài tập linh hoạt còn giúp khớp gối chuyển động trơn tru, dễ dàng hơn.

– Vật lý trị liệu: Phương pháp vật lý trị liệu thường được các bác sĩ trực tiếp thực hiện hoặc người bệnh cũng có thể làm ngay tại nhà để giảm đau tại vùng khớp gối.

– Vận động đúng tư thế: Để hạn chế việc gây áp lực lên đầu gối, người bệnh nên tránh các tư thế như ngồi xổm, ngồi bó chân và hạn chế leo cầu thang.

Trên đây là những thông tin thoái hóa khớp gối bệnh học và những phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh lý thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, người bệnh nên đi khám để nhận được chẩn đoán và những hướng dẫn điều trị kịp thời của các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp trước khi quá muộn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital