Thiếu máu não thoáng qua tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ

Tham vấn bác sĩ

Thiếu máu não thoáng qua (TIA – Transient Ischemic Attack) không phải đột quỵ. Nhưng người bị thiếu máu não thoáng qua tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ rất cao. Cùng tìm hiểu để biết: thiếu máu não thoáng qua thực chất là gì? Vì sao lại tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ? Dấu hiệu nhận biết cơn thiếu máu não thoáng qua, cách xử trí và phòng ngừa hiệu quả. 

1. Thiếu máu não thoáng qua (TIA) là gì?

Nhiều người thường nhầm lẫn thiếu máu não thoáng qua là đột quỵ. Nếu như chỉ thông qua các biểu hiện của bệnh thì sẽ rất khó phân biệt sự khác nhau như thế nào.

Tuy nhiên, thiếu máu não thoáng qua khác với đột quỵ ở chỗ các biểu hiện chỉ mang tính chất thoáng qua. Thường chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn tầm 5-10 phút, sau đó giảm dần và mất đi hoàn toàn sau 24 giờ và không để lại di chứng.

Hay hiểu một cách đơn giản, đây chỉ tình trạng gần giống như đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn khoảng 5-10 phút mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào ở nhu mô não.

Khác với đột quỵ, có thể diễn ra trong thời gian kéo dài hơn 24 giờ và có sự xuất hiện tổn thương ở nhu mô não.

Về bản chất: thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi một động mạch của não bị bít lại hoặc tắc nghẽn sau đó tự tái thông. Nguyên nhân có thể do cục máu đông gây bít tắc, sau đó cục máu đông này di chuyển đi xa chỗ khác, khiến máu tại khu vực đó lại nhanh chóng được tái thông lên não.

thiếu máu não thoáng qua TIA thường hồi phục trước 24 giờ.

Thiếu máu TIA là yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ thiếu máu não cục bộ.

2. Thiếu máu não thoáng qua tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ

Mặc dù không để lại tổn thương nào ở não nhưng TIA tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ rất cao.

Theo thống kê, có tới 30-40% bệnh nhân bị đột quỵ não trước đó đã từng xuất hiện cơn thiếu máu não nhất thời (thoáng qua). Người từng bị thiếu máu não trong thời gian ngắn đó sẽ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 9 lần so với người chưa bị lần nào.

Tuy nhiên, chính vì triệu chứng “thoáng qua” đã khiến nhiều người chủ quan. Không để ý và dễ bỏ qua. Cộng với việc không đi thăm khám thường xuyên nên nhiều trường hợp đã dẫn đến đột quỵ não thật sự xảy ra.

Chúng ta cần cảnh giác trước các dấu hiệu thiếu máu não TIA. Nếu có biểu hiện này hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.

3. Dấu hiệu nhận biết cơn thiếu máu não TIA

Triệu chứng thường đến một cách đột ngột, bất ngờ. Một số triệu chứng biểu hiện cụ thể như sau:

3.1 Thiếu máu não thoáng qua gây đau đầu, ù tai

Cơn đau đầu có thể dữ dội hoặc âm ỉ, thường kèm theo triệu chứng ù tai (nghe như có tiếng ve kêu bên tai).

3.2 Thiếu máu não thoáng qua gây hoa mắt

Nhìn như có ảo giác ở mắt, sau đó nhanh chóng chuyển sang tối. Mắt không nhìn thấy gì trong một thời gian ngắn.

thiếu máu não thoáng qua gây hoa mắt, chóng mặt.

Hoa mắt chóng mặt do thiếu máu não TIA thường diễn ra khoảng 5-10.

3.3 Chóng mặt do thiếu máu não thoáng qua

Mọi thứ xung quanh như đảo lộn, quay vòng vòng khiến người bệnh khó đứng vững, dễ bị ngã nếu không bám được vào vật gì.

Ngoài ra, biểu hiện cơn thiếu máu não TIA có thể kèm theo một số triệu chứng sau:

– Đột nhiên có cảm giác khó nói

– Cánh tay, chân, lưỡi, má, cằm, mặt có cảm giác yếu hoặc tê bì.

– Nhìn không rõ ở một mắt hoặc cả hai mắt.

4. Phải làm gì khi bị TIA

Nếu gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua, bạn cần lưu ý:

– Để người bệnh nằm nghỉ ngơi trên một mặt phẳng thông thoáng. Để đầu người bệnh nghiêng sang một bên.

– Nới lỏng quần áo, tháo bớt cà vạt, áo khoác, thắt lưng,…

– Khi người bệnh tỉnh lại nên chấn an tinh thần người bệnh, có thể cho ăn đồ ăn lỏng như cháo, súp, uống sữa.

Tuyệt đối không cho người bệnh ăn, uống, ngậm bất cứ thứ gì khi người bệnh đang trong cơn thiếu máu não, vì lúc này người bệnh chưa tỉnh táo có thể dẫn đến sặc phổi.

thiếu máu não thoáng qua TIA nên đi thăm khám sớm với bác sĩ Nội thần kinh

Chụp MRI não, mạch não giúp khảo sát, phát hiện sớm nhiều bệnh lý ở não, mạch máu não.

5. Phương pháp điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Sau khi thăm khám xong, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị cũng như là các biện pháp giúp ngăn ngừa thiếu máu não TIA biến chứng đột quỵ.

Mục tiêu điều trị nhằm ngăn ngừa đột quỵ. Một số thuốc chống tiểu cầu và statin được sử dụng, phẫu thuật hoặc thuốc chống đông.

Người có sẵn bệnh nền cần được điều trị ngay, kết hợp với các biện pháp phòng ngừa được đưa ra.

Một số chẩn đoán cận lâm sàng có thể được chỉ định thực hiện  như: siêu âm tim, siêu âm động mạch cảnh và động mạch đốt sống, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ sọ não và mạch não, đo lưu huyết não, điện não đồ,…

6. Biện pháp phòng ngừa

Thiếu máu TIA dễ gây đột quỵ thật sự trong tương lai, do đó người từng bị TIA nên đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

Với những người có các yếu tố nguy cơ cao gây thiếu máu não thoáng qua như:

– Tuổi cao

– Nam giới

– Người mắc bệnh hồng cầu hình liềm.

– Gia đình có người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não)

– Có sẵn bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch (suy tim, rung nhĩ,…), đông máu, dị dạng mạch máu não,….

– Từng bị thiếu máu não TIA trước đó.

– Có lối sống không lành mạnh,…

Nên xây dựng chế độ ăn, uống, tập luyện khoa học và lành mạnh bằng cách:

– Từ bỏ hoặc hạn chế tối đa bia, rượu, thuốc lá, chất kích thích.

– Kiểm soát stress, giảm căng thẳng.

– Kiểm soát tốt cân nặng; tránh tình trạng dư cân, béo phì.

– Tăng cường ăn nhiều rau và trái cây tươi, hạn chế thịt đỏ và đồ chế biến sẵn.

– Tránh thay đổi tư thế và môi trường một cách đột ngột.

– Tích cực vận động hàng ngày sao cho phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của mỗi người.

– Vệ sinh giấc ngủ, ngủ đủ.

Đăch biệt, mỗi người nên chủ động đi thăm khám, thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ để được kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông qua đó, bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra phương án điều trị hoặc phòng ngừa phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital