Tiết nước bọt quá nhiều khi mang thai không phải là hiện tượng hiếm, đặc biệt là trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Mặc dù triệu chứng này thường vô hại và chỉ mang tính tạm thời nhưng có thể gây ra nhiều phiền toái, khó chịu cho sinh hoạt thường ngày của mẹ bầu. Để chế ngự tình trạng này và ngăn chặn bất kỳ biến chứng tiềm ẩn nào, người mẹ có thể tham khảo một số biện pháp tự chăm sóc đơn giản tại nhà trong bài viết sau.
Nguyên nhân
Sự biến động của nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể là nguyên nhân gây tiết nước bọt quá nhiều. Ngoài ra, tình trạng buồn nôn khiến người mẹ nuốt ít hơn, tạo điều kiện để nước bọt tích tụ trong miệng. Một lượng lớn nước bọt được sản xuất ra cũng có đôi khi là do chứng ợ nóng. Chứng bệnh này có thể khiến tuyến nước bọt tiết ra nhiều nước bọt hơn bình thường để trung hòa các chất trong dạ dày và axit. Chất kích thích, khói thuốc, các bệnh về răng miệng và độc tố từ môi trường cũng có thể gây ra tình trạng dư thừa nước bọt khi mang thai ở nhiều người.
Biện pháp khắc phục
Mặc dù không có biện pháp nào có thể ngăn chặn triệt để được tình trạng tăng tiết nước bọt trong thai kỳ nhưng có rất nhiều cách để hạn chế, giảm bớt khó chịu cho người mẹ. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để hạn chế buồn nôn – một trong những nguyên nhân gây tiết nước bọt nhiều. Uống nhiều nước và hãy uống thành từng ngụm nhỏ để tăng cường nuốt nhiều hơn, hạn chế tích tụ nước bọt trong miệng.
Cân nhắc
Thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng tiết nước bọt quá nhiều trong khi mang thai. Bác sĩ có thể thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân, tư vấn điều trị cho các trường hợp nước bọt quá nhiều do ợ nóng hoặc nôn mửa.
Các biến chứng có thể xảy ra
Mặc dù tiết nước bọt quá nhiều trong khi mang thai thường không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp người mẹ có thể bị mất tới 2 lít nước bọt mỗi ngày. Tình trạng này có thể dẫn tới mất nước nếu người mẹ nhổ nước bọt thường xuyên. Để ngăn chặn biến chứng này, cố gắng uống 8 ly nước mỗi ngày để thay thế cho lượng nước bọt mất đi.