Tán sỏi ngược dòng bằng laser là bước đột phá mới trong phương pháp điều trị sỏi tiết niệu – an toàn, không xâm lấn và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát sỏi. Vậy tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là gì và được thực hiện trong những trường hợp nào? Cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
Sỏi tiết niệu là tình trạng xuất hiện những viên sỏi trong hệ thống đường tiết niệu. Sỏi có thể nằm ở nhiều vị trí với các kích thước khác nhau như ở thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Với những viên sỏi nhỏ có thể tự bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu hoặc chỉ cần điều trị nội khoa với một số loại thuốc phù hợp kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên, khi sỏi có kích thước lớn, sỏi có thể nằm kẹt ở bất kỳ vị trí nào của đường tiết niệu làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu gây ra tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng, thận ứ nước, thận hư…Khi này, can thiệp ngoại khoa là phương pháp điều trị chỉ định bắt buộc để loại bỏ sỏi.
Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn đã và đang được ứng dụng trong việc điều trị sỏi tiết niệu. Trong đó phương pháp tán sỏi ngược dòng bằng bằng laser được đánh giá là một cuộc cách mạng trong điều trị sỏi.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là kỹ thuật sử dụng ống soi niệu quản đi từ vùng niệu đạo đến bàng quang, niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng nguồn năng lượng laser để phá vỡ viên sỏi, bơm rửa và gắp hết các vụn sỏi ra ngoài
2. Chỉ định và chống chỉ định khi áp dụng tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
2.1. Chỉ định tán sỏi ngược dòng:
- Người bệnh có sỏi niệu quản nằm ở vị trí 1/3 giữa và 1/3 dưới.
- Người bệnh có sỏi bàng quang có kích thước trên 10mm.
- Người bệnh có sỏi bàng quang dưới 10mm nhưng không thể di chuyển xuống vị trí thấp hơn của niệu quản để đi ra ngoài.
- Người bệnh bị sót các mảnh sỏi nhỏ khi thực hiện phương pháp tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
2.2. Chống chỉ định tán sỏi ngược dòng bằng laser:
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu đang điều trị hoặc điều trị chưa dứt điểm.
- Người bệnh có niệu quản hẹp hoặc gấp khúc không đặt được máy nội soi.
- Người bệnh mắc một số các bệnh lý về rối loạn chức năng đông máu đang dùng thuốc chống đông.
- Người bệnh bị suy thận, thận ứ nước độ III, IV.
- Người bệnh niệu quản bị tổn thương.
3. Quy trình tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
Quy trình tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được thực hiện theo các bước sau:
Người bệnh đến bệnh được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng (chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính…) để xác định chính xác vị trí, kích thước của sỏi. Ngoài ra, người bệnh được chỉ định một số xét nghiệm khác để kiểm tra chức năng đông máu và tình trạng đường tiết niệu.
Sau khi xác định đủ điều kiện để thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng, người bệnh được đưa vào phòng mổ vô khuẩn một chiều khép kín để tiến hành tán sỏi.
Người bệnh được bác sĩ gây tê tủy sống và đặt ở tư thế sản khoa. Bác sĩ đưa ống soi niệu quản từ niệu đạo vào bàng quang hoặc niệu quản để tiếp cận trực tiếp với viên sỏi.
Qua màn hình nội soi, bác sĩ sẽ bắt đầu tán vỡ sỏi bằng năng lượng laser thành những mảnh vụn nhỏ. Cuối cùng, các mảnh sỏi vỡ sẽ được gắp ra ngoài.
Kết thúc tán sỏi, người bệnh sẽ được đặt một sonde JJ được đặt vào hệ tiết niệu và sẽ được rút ra sau 2 tuần.
Thông thường, một ca tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser sẽ diễn ra từ 30-60 phút tùy vào tình trạng bệnh lý của người bệnh. Người bệnh sẽ được năm viện từ 12-24 giờ để theo dõi thêm. Sau đó được xuất viện về nhà và sinh hoạt bình thường.
4. Những ưu – nhược điểm của phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng
4.1. Ưu điểm:
Tán sỏi nội soi ngược dòng có những ưu điểm vượt trội như:
- Tán được tất cả các loại sỏi , kể cả sỏi có kích thước lớn với hiệu quả đạt gần như 100%.
- Người bệnh không có bất kỳ vết mổ nào trên cơ thể.
- Thời gian phẫu thuật nhanh (khoảng 30 phút), không quá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro như phương pháp mổ mở truyền thống.
- Trong và sau khi phẫu thuật, người bệnh không phải chịu đau đớn như khi mổ mở.
- Thời gian người bệnh nằm viện ngắn, thời gian phục hồi sức khỏe nhanh. Người bệnh có thể đi lại và hoạt động sau vài giờ sau khi tán sỏi và ra viện sau 24 giờ. Người bệnh có thể quay trở lại làm việc và học tập bình thường.
- Bảo tồn tối đa chức năng thận của người bệnh.
4.2. Nhược điểm:
Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng cũng tồn tại một số hạn chế. Đó là:
- Một số trường hợp không thể tiến hành tán sỏi bằng laser như người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu; người bị hẹp niệu đạo…
- Có thể gặp một số biến chứng sau phẫu thuật như tổn thương niệu quản, hoặc bị thủng niệu quản do tia laser bắn nhầm; người bệnh có lẫn máu trong nước tiểu…
5. Chăm sóc cho người bệnh sau khi tán sỏi bằng laser.
Kết quả điều trị tán sỏi bằng laser còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình hậu phẫu. Người bệnh mới tán sỏi cần được chăm sóc chu đáo và cẩn thận.
- Uống nhiều nước từ 2-3 lít mỗi ngày để vụn sỏi nhanh di chuyển qua niệu quản và ra ngoài theo đường tiểu.
- Tăng cường bổ sung nhiều rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn các loại thức ăn mềm dễ cho tiêu hóa.
- Không ăn mặn, nội tạng động vật; hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ. Không ăn các loại thực phẩm có chứa oxalate để ngăn ngừa nguy cơ tạo sỏi.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các đồ uống có chứa chất kích thích khác.
- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiệu các triệu chứng bất thường như đau, sốt, tiểu ra máu…
- Tái khám đúng hẹn để đảm bảo toàn bộ sỏi đã được loại bỏ. Thông thường sẽ là sau 1 tháng kể từ khi tiến hành tán sỏi.
Tán sỏi ngược dòng bằng laser là một phương pháp điều trị sỏi hiện đại, xâm lấn tối thiểu với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên phương pháp cũng tồn tại một số rủi ro. Do đó, người bệnh cần lựa chọn bệnh viện uy tín có đội bác sĩ chuyên môn cao cùng hệ thống máy tán sỏi hiện đại để tránh những biến chứng có thể xảy ra.