Tân mạch võng mạc (hay tân mạch hắc mạc, tân mạch hắc võng mạc) là biến chứng do nhiều bệnh ở đáy mắt gây nên. Biểu hiện điển hình của nó là những tổn thương ở hoàng điểm khiến bạn nhìn mờ, thấy hình ảnh bị biến dạng so với thực tế hoặc bị thay đổi màu sắc. Cụ thể những bệnh về mắt nào gây ra biến chứng này và cách xử lý ra sao sẽ có trong nội dung sau.
Menu xem nhanh:
1. Tân mạch võng mạc là cái gì?
Tân mạch võng mạc, chính xác hơn gọi là tân mạch hắc võng mạc hay tân mạch hắc mạc, là một dạng biến chứng xuất hiện khi bạn mắc bệnh ở đáy mắt lâu ngày mà không được điều trị.
Khái niệm “tân mạch hắc mạc” chỉ vùng mạch máu mới ở màng bồ đào sau có các mạch máu mới ít chức năng, dễ vỡ, dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới võng mạc. Nó có thể làm cho người bệnh bị mất thị lực đột ngột nếu không được điều trị kịp thời. Vậy màng bồ đào sau ở đâu?
Vỏ nhãn cầu mắt của con người có 3 lớp màng, trong đó có màng bồ đào. Màng bồ đào cũng được cấu tạo từ 3 phần là mống mắt, thể mi (màng bồ đào trước) và hắc mạc (màng bồ đào sau).
Màng bồ đào chứa các mạch máu nuôi dưỡng nhãn cầu. Nó tiết ra thủy dịch, giúp điều hòa nhãn áp và điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào nhãn cầu. Đồng thời tạo buồng tối nhờ các tế bào sắc tố đen để giúp hình ảnh rõ nét. Khi màng bồ đào sau xuất hiện các mạch máu dễ vỡ (tân mạch hắc mạc), nó làm giảm chức năng của màng bồ đào, có thể dẫn đến mù lòa.
2. Nguyên nhân tân mạch hắc võng mạc
Theo các nghiên cứu về mắt, tân mạch hắc võng mạc là một biến chứng của một số bệnh lý ở đáy mắt. Do không được điều trị kịp thời, đúng thời điểm mà hình thành. Điển hình là các bệnh:
– Bệnh tắc tĩnh mạch ở trung tâm của võng mạc.
– Bệnh thoái hóa hoàng điểm (xuất hiện ở người cao tuổi).
– Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch do rối loạn vận mạch.
– Bệnh lý hoàng điểm ở người bị cận nặng.
Ngoài ra, biến chứng của tiểu đường cũng là một nguyên nhân làm tăng sinh tổn thương ở võng mạc. Tiểu đường làm glucose huyết tăng, máu cung cấp đến mắt giảm. Khi đó, các mạch máu mới xuất hiện không đúng vị trí, gây ra tình trạng xuất huyết dịch kính. Sự gia tăng mạch máu đáy mắt ở người tiểu đường còn làm hình thành mô sẹo, làm bong võng mạc.
3. Triệu chứng, biến chứng
Khi xuất hiện tân mạch hắc võng mạc ở đáy mắt, bạn có thể thấy các biểu hiện:
– Hình ảnh quan sát được bị mờ, không nhìn rõ, thị lực giảm nhanh
– Mắt bị lóa.
– Thấy có những đốm đen xuất hiện ở trước mắt.
– Hình ảnh đồ vật được nhìn thấy bị biến dạng, bệnh nhân nhìn đường thẳng nhưng thấy đường cong.
– Thị lực trung tâm suy giảm, thậm chí mất.
– Trường hợp hiếm gặp, hình ảnh nhìn thấy bị thay đổi màu sắc so với vật thật.
– Kiểm tra thấy chức năng hoàng điểm giảm (mắc hội chứng hoàng điểm).
Tình trạng gia tăng mạch máu dễ vỡ ở màng bồ đào sau sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là tình trạng xuất huyết võng mạc kèm theo phù trung tâm hoàng điểm. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, có thể làm cho người bệnh mất thị lực hoàn toàn. Khả năng hồi phục thị lực sau xuất huyết võng mạc do tân mạch hắc mạc vỡ là rất thấp. Nó phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ bệnh và bệnh lý nền kèm theo.
Khi thấy các triệu chứng hình thành tân mạch hắc mạc, kèm theo những dấu hiệu như hiện tượng ruồi bay trước mắt, thị lực giảm nhanh… hãy đi khám chuyên khoa mắt ngay.
4. Chẩn đoán tân mạch võng mạc
Sau khi trao đổi về triệu chứng bệnh, nếu nghi ngờ xuất hiện tân mạch hắc mạc, các bác sĩ sẽ tiến hành soi đáy mắt. Soi đáy mắt nhằm quan sát cấu trúc bên trong của nhãn cầu, tìm ra tổn thương cũng như các vấn đề ở dịch kính, võng mạc, gai thị…
Sau khi soi đáy mắt, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm hình ảnh để xác định bệnh lý liên quan trực tiếp đến tình trạng xuất hiện mạch máu ở hắc mạc. Các xét nghiệm này có thể là chụp OCT, chụp mạch huỳnh quang…
5. Điều trị tân mạch hắc mạc
5.1 Điều trị ngoại khoa
Đa phần các trường hợp người có tân mạch ở hắc mạc đều được chỉ định tiêm nội nhãn Anti VEGF. Liệu trình, liều lượng tiêm tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý gốc.
Anti VEGF di chuyển vào trong mạch máu, tương tác với nội mô. Nó ức chế các yếu tố làm tăng nội mô, ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới và hiện tượng chảy máu, chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong hắc mạc.
Để tiêm Anti VEGF, bác sĩ tiến hành sát trùng mắt bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó nhỏ thuốc tê lên bề mặt nhãn cầu. Tiếp đến, cần có dụng cụ y tế chuyên biệt để cố định mắt. Khi đã cố định mắt an toàn, bác sĩ sử dụng kỹ thuật tiêm tương ứng để bơm thuốc vào buồng dịch kính. Cuối cùng, bác sĩ rút kim và dùng tăm bông vô trùng ấn vào vị trí tiêm để ngăn thuốc trào ra ngoài.
Tiêm nội nhãn mang giúp mang lại khả năng cải thiện thị lực và hạn chế nguy cơ tái phát, hạn chế di chứng. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhất định đã phẫu thuật vẫn tái phát bệnh.
Ngoài tiêm nội nhãn, một số nước còn áp dụng phương pháp laser quang động để điều trị tân mạch hắc mạc. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp khoảng 20 – 30% người bệnh cải thiện thị lực.
5.2 Điều trị nội khoa
Trường hợp có tân mạch hắc mạc do mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, bác sĩ thường chỉ định dùng các thuốc sau:
– Thuốc làm rút nhanh thanh dịch dưới võng mạc Acetazolamid dạng viên 250mg.
– Thuốc giúp cải thiện sự bền vững ở thành mạch chứa acid ascorbic.
– Viên kali 600mg.
– Thuốc giãn mạch, giúp cải thiện khả năng tuần hoàn máu.
– Một số loại vitamin giúp phục hồi chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc.
Tóm lại, tân mạch hắc mạc là cụm từ chỉ các mạch máu mới ít chức năng, dễ vỡ, hình thành trong hắc mạc do biến chứng của bệnh lý ở đáy mắt. Đây là một biến chứng nguy hiểm, nhiều khả năng gây mù lòa. Người bệnh nên khám và điều trị sớm bằng thuốc hoặc phẫu thuật tiêm nội nhãn. Ở TCI, phòng khám chuyên khoa mắt được trang bị nhiều máy móc hiện đại. Trong đó, máy chụp đáy mắt màu cao cấp nhập khẩu từ Y là thiết bị chuyên dụng giúp phát hiện tốt tân mạch hắc mạc cũng như các vấn đề ở đáy mắt. Cùng với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn kiểm tra chuyên sâu, tìm ra nguyên nhân bệnh lý và lên phác đồ điều trị thích hợp. Liên hệ với TCI ngay khi có các triệu chứng nhìn mờ, nhìn hình bị sai màu sắc… để được tư vấn, đặt lịch khám.