Lợi ích mà hoạt động sàng lọc ung thư sớm mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tầm soát ung thư bao lâu một lần để đạt hiệu quả như ý vẫn là thắc mắc của nhiều người.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của tầm soát ung thư đối với mỗi cá nhân
Tầm soát ung thư là hình thức thăm khám chuyên sâu nhằm sàng lọc và phát hiện các dấu ấn ung thư từ giai đoạn rất sớm, thậm chí ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Theo thời gian, thói quen tầm soát ung thư chủ động ngày càng được nhiều người hưởng ứng, và là minh chứng rõ nhất cho thấy các lợi ích mà nó mang lại:
– Là cơ hội để phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư (hiện tại chưa phải ung thư nhưng có nguy cơ cao biến chứng thành ung thư sau này), từ đó xây dựng hướng phòng bệnh hiệu quả.
– Là biện pháp quan trọng hàng đầu trong chẩn đoán, phát hiện và điều trị ung thư.
– Giúp người bệnh loại bỏ tâm lý lo âu nếu cơ thể không may xuất hiện các triệu chứng bất thường.
– Tăng khả năng chữa khỏi và đem lại cơ hội sống cho người bênh. Việc điều trị vì thế cũng ít đau đớn và tốn kém hơn. Người bệnh không mất quá nhiều thời gian điều trị và có thể sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
2. Tần suất tầm soát ung thư bao lâu một lần?
2.1. Ai nên tầm soát ung thư định kỳ
Không ít bệnh lý nguy hiểm, trong đó có cả ung thư hầu như không xuất hiện triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Điều này dẫn tới hệ quả phần lớn chỉ biết bệnh khi đã tới giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều trở ngại, hiệu quả không cao, dễ tái phát trở lại sau điều trị. Việc thăm khám và chữa trị vì thế cũng tốn nhiều chi phí hơn.
Chính vì lẽ đó, hoạt động tầm soát ung thư định kỳ được khuyến cáo áp dụng đối với mọi đối tượng trưởng thành. Bất kể ai cũng nên đi sàng lọc ung thư định kỳ ngay cả khi cơ thể chưa có triệu chứng gì bất thường. Không chỉ giúp tiết kệm thời gian và chi phí điều trị, hoạt động này còn đem lại lợi ích trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ người bệnh.
Bên cạnh đó, nhóm những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh dưới đây được khuyến cáo nên chủ động trong việc sàng lọc dấu ấn ung thư:
– Những người ở độ tuổi 40 trở lên
– Tiền sử gia đình có người mắc ung thư
– Người có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Hút thuốc lá, uống rượu nhiều,…
– Người có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính như: viêm gan B, C, viêm dạ dày, viêm đại tràng
2.2. Nên thực hiện tầm soát ung thư bao lâu một lần?
Đối với trường hợp khỏe mạnh
Khỏe mạnh ở đây được nhấn mạnh là khi cơ thể không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe. Tuy nhiên, cần hiểu rằng các chỉ số sức khỏe không ngừng thay đổi mỗi ngày bởi tác động đến từ môi trường, lối sống, chế độ ăn uống và vận động của mỗi người. Do vậy, việc duy trì thói quen sàng lọc ung thư định kỳ sẽ giúp người khỏe mạnh loại bỏ dấu hiệu bệnh tật tiềm ẩn, đồng thời có phướng án xử trí bệnh ngay từ giai đoạn rất sớm.
Đánh giá từ phía chuyên môn, các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người khỏe mạnh vẫn nên đi tầm soát ung thư định kỳ 1 lần/ năm hoặc tối thiểu 1 lần trong vòng 2 năm.
Đối với trường hợp đã có dấu hiệu bất thường
Một số triệu chứng bất thường cho thấy cơ thể bạn đang lên tiếng như:
– Sụt cân bất thường, chán ăn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân
– Ho dai dẳng, ho ra máu, đi tiểu ra máu
– Nuốt nghẹn ở cổ họng trong thời gian dài, xuất huyết âm đạo kèm theo chu kỳ kinh nguyệt không đều, phát hiện khối u cục ở vú,…
Nếu không may gặp phải những dấu hiệu trên, bạn cần nhanh chóng sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ để thăm khám. Không ít trường hợp u lành hóa ác chỉ sau một thời gian rất ngắn. Vì thế, những trường hợp này được chuyên gia y tế khuyên nên thăm khám và tầm soát ung thư ít nhất 2 lần/ năm.
2.3. Có nên thực hiện tầm soát ung thư nhiều lần trong năm?
Đây cũng là thắc mắc của không ít người. Nhiều người bệnh khi đã xuất hiện triệu chứng bất thường thì ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến mong muốn được kiểm tra và sàng lọc nhiều hơn, phòng ngừa mọi rủi ro ngoài ý muốn. Tuy chưa có bất kỳ minh chứng nào cho thấy việc tầm soát ung thư thường xuyên là không tốt, tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa hẳn đã cao.
Nếu chưa có dấu hiệu nào đáng lo ngại thì trong một khoảng thời gian ngắn, các chỉ số sức khỏe gần như không có sự thay đổi đáng kể. Tốt nhất, bạn nên tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
3. Tổng hợp các phương pháp tầm soát ung thư hiện nay
Tùy theo tình trạng sức khỏe, nhu cầu của mỗi cá nhân mà việc tầm soát ung thư có thể bao gồm đa dạng danh mục khám khác nhau.
– Xét nghiệm máu là một trong những danh mục thiết yếu trong quy trình sàng lọc ung thư. Thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ có thể tìm ra dấu ấn ung thư dựa trên sự thay đổi của các chất chỉ điểm – sinh ra do tế bào ung thư hoặc biến đổi bất thường trong cơ thể.
– Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng: Tùy nhu cầu thăm khám hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp. Với sự hỗ trợ của công nghệ, máy móc tiên tiến, việc thăm khám có khả năng ghi lại hoặc mô phỏng bằng hình ảnh, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát hình thái của các khu vực tổn thương, mức độ tiến triển của bệnh.
– Sinh thiết là bước chẩn đoán cuối cùng nhằm xác định xem tế bào ở vị trí tổn thương là lành tính hay ác tính. Bước này được tiến hành ngay sau khi bác sĩ xác định được khu vực tổn thương thông qua chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng.
Như vậy, số lần thực hiện tầm soát ung thư định kỳ cũng đóng vai trò quan trọng, và là điều kiện tiên quyết giúp phòng ngừa rủi ro bệnh tật. Hãy ghi chú lịch thăm khám theo lời hẹn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất!