Loãng xương là bệnh xương khớp phổ biến, thường gặp ở những người ở độ tuổi 45 trở lên. Theo thống kê, phụ nữ có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao gấp 2 lần so với nam giới. Tại sao bị loãng xương, cách điều trị như thế nào, cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm câu trả lời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về loãng xương và yếu tố nguy cơ của bệnh
Loãng xương là tình trạng xương bị xốp, giòn, dễ tổn thương, gãy ngay cả khi chấn thương nhẹ. Đây là căn bệnh khó điều trị và gây ra nhiều biến chứng nặng nề như: gãy xương, gù vẹo cột sống, … ảnh hưởng đến khả năng lao động, vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
Một số yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương bao gồm:
– Giới tính: phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với nam giới.
– Tuổi tác: tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng lớn.
– Những người suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D.
– Yếu tố di truyền.
– Người ít vận động, công việc ngồi nhiều trong thời gian dài.
– Có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như uống rượu bia, hút thuốc lá, …
– Phụ nữ sau sinh không được bổ sung đầy đủ chất.
2. Lý giải: “Tại sao bị loãng xương”
2.1. Tại sao bị loãng xương – Do thiếu hụt hormone
Hormone estrogen có tác dụng bảo vệ xương do đó những người có nồng độ estrogen thấp có nguy cơ cao mắc bệnh.
Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh thuộc nhóm có estrogen thấp. Những bạn nữ trẻ tuổi có kinh nguyệt không đều cũng dễ gặp phải tình trạng này. Đây là lý do vì sao bệnh phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông.
Ở đàn ông, hormone testosterone đảm nhận vai trò bảo vệ xương. Vì vậy, những người nam giới có lượng hormone sinh dụng thấp thì nguy cơ bị loãng xương so với người có lượng hormone sinh dục ở mức bình thường.
2.2. Từng bị gãy xương
Những người từng bị gãy xương, chấn thương nặng có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với những người còn lại.
2.3. Tại sao bị loãng xương – Do chế độ dinh dưỡng
Nếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày thiếu canxi và các khoáng chất như vitamin D, vitamin B6, B12, vitamin K, photpho … hay cơ thể không hấp thụ được canxi thì nguy cơ loãng xương rất cao. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều một số chất cũng gây tác dụng phụ với xương khớp như:
– Protein: đây là chất quan trọng với cơ thể nhưng khi ăn quá nhiều sẽ làm giảm canxi.
– Lạm dụng rượu bia, cà phê sẽ làm giảm sự hấp thụ canxi và giảm khả năng sử dụng canxi của cơ thể.
2.4. Một số bệnh lý gây loãng xương
Loãng xương có thể là hậu quả của một số nhóm bệnh. Lúc đó sẽ được xếp vào nhóm loãng xương thứ phát.
– Các bệnh về tiêu hóa: gây cản trở quá trình hấp thu canxi, vitamin D và một số chất dinh dưỡng khác. Khi đó việc tái tạo xương trong cơ thể bị ảnh hưởng.
– Các bệnh về thận: có thể gây ra tình trạng mất canxi. Từ đó làm xáo trộn, mất cân bằng quá trình tạo xương và quá trình hủy xương.
– Các bệnh về tuyến giáp và cận giáp: bệnh cường giáp sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp làm xương suy yếu. Bệnh cường cận giáp làm cho cơ thể sản sinh ra nhiều hormon cận giáp gây ra tình trạng mất xương.
2.5. Một số loại thuốc gây bệnh loãng xương
– Các thuốc chống co giật hoặc thuốc chống động kinh.
– Thuốc giảm axit dạ dày có chứa aluminum.
– Corticosteroid: Prednisone là loại corticosteroid có thể gây mất xương.
– Hormon tuyến giáp: bệnh nhân suy giáp hoặc phải cắt tuyến giáp được chỉ định sử dụng hormone tuyến giáp. Khi sử dụng quá nhiều có thể làm xương suy yếu.
2.6. Lối sống không lành mạnh cũng là nguyên nhân gây loãng xương
– Ít vận động
Thói quen lười vận động, ngồi nhiều, nằm nhiều khiến xương suy yếu và tăng nguy cơ bị loãng xương. Do đó, cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp xương chắc khỏe, dự phòng nguy cơ mắc bệnh.
– Lạm dụng thuốc lá, rượu bia
Những chất kích thích này làm tăng nguy cơ loãng xương. Các hóa chất trong thuốc lá khiến cơ thể khó sử dụng canxi. Đồng thời cản trở hormone estrogen thực hiện nhiệm vụ của mình.
– Cân nặng
Những người quá gầy, nhẹ cân cũng có nguy cơ bị loãng xương cao. Đặc biệt là phụ nữ có vóc dáng bé, khung xương nhỏ cũng cần cẩn thận vì khối lượng xương trong cơ thể thấp.
3. Các phương pháp điều trị loãng xương
3.1. Cung cấp canxi
Người bệnh sẽ được cung cấp lượng canxi vào cơ thể trong mức khuyến cáo, không bổ sung dư thừa. Ở độ tuổi từ 1 đến 70, nên dung nạp vào cơ thể 600 đơn vị quốc tế IU vitamin D mỗi ngày. Với người từ 71 tuổi trở lên cần 800 IU.
3.2. Điều trị bằng thuốc
Thuốc điều trị bệnh loãng xương rất đa dạng. Trong đó, Bisphosphonates là thuốc loãng xương phổ biến cho:
– Phụ nữ sau mãn kinh
– Người cao tuổi
– Nam giới thuộc nhóm nguy cơ cao (thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá,…)
Loại thuốc này có tác dụng ức chế, làm chậm quá trình hủy xương. Phần lớn thuốc điều trị loãng xương uống trước bữa ăn sáng ít nhất 30 phút và sau uống không được nằm trong vòng 30-60 phút. Lý do là để tránh thuốc bị thức ăn, đồ uống chứa sắt và canxi hấp thu ngược lại. Ngoài ra nhóm thuốc này có thể gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nên người đang có bệnh lý dạ dày – thực quản trước đó nên hạn chế uống.
Bệnh nhân cần nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn liều lượng, cách sử dụng để có kết quả tốt. Không được phép tự ý uống các thuốc truyền miệng, tự điều chỉnh liều lượng hay thay đổi loại thuốc. Uống sai thuốc sẽ khiến bệnh trở nặng và khó điều trị hơn.
Một số loại thuốc điều trị hoặc thực phẩm chức năng có nguy cơ làm giảm mật độ xương. Do đó, trong quá trình điều trị cũng cần kê khai đầy đủ với bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp.
3.3. Truyền loãng xương
Đây cũng là phương pháp được áp dụng nhiều trong thời gian gần đây. Thuốc thường có hiệu quả kéo dài trong 12 tháng và được chỉ định sử dụng 1 lần 1 năm.
Theo thời gian, sự lão hóa của xương khớp là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, mỗi cá nhân nên có phương pháp phòng ngừa loãng xương từ sớm để trì hoãn quá trình này. Điều đơn giản có thể thực hiện ngay hôm nay là cân bằng chế độ dinh dưỡng, tăng cường tập luyện và kiểm tra sức khỏe xương khớp thường xuyên.