Trí nhớ giảm sút đang là một trong những vấn đề phổ biến hiện nay, không chỉ ở người già mà ở cả những người trẻ tuổi. Cùng tìm hiểu suy giảm trí nhớ là gì, nguyên nhân, biểu hiện và những ảnh hưởng của tình trạng này đến người bệnh qua bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ còn gọi là chứng hay quên. Đây là tình trạng chức năng ghi nhớ của não bộ suy giảm hoặc quá trình vận chuyển thông tin về vỏ não bị ngưng trệ.
Người bị giảm trí nhớ thường gặp khó khăn trong việc tái hiện lại các sự việc đã xảy ra trong quá khứ hay ghi nhớ thông tin, hình thành ký ức mới.
2. Những ai dễ gặp phải vấn đề về trí nhớ?
2.1 Suy giảm trí nhớ là tình trang phổ biến ở người già
Suy giảm nhận thức và trí nhớ là tình trạng thường xảy ra ở người cao tuổi, chủ yếu do quá trình lão hóa, mà cụ thể là sự thoái hóa liên tục của bộ não sau nhiều năm.
Bạn có biết, sau 25 tuổi, mỗi ngày lại có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị phá hủy và không có sự thay thế, tái tạo? Càng lớn tuổi, hiện tượng này càng xảy ra nhanh hơn, đặc biệt là sau tuổi 60. Các nghiên cứu cho thấy, chỉ 1% người ở lứa tuổi 60 – 64 gặp phải chứng giảm trí nhớ, nhưng ở độ tuổi 85, tỷ lệ người mắc chứng bệnh này lên đến 50%.
Quá trình lão hóa cũng làm giảm sút chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ thể, khiến hệ thần kinh không được cung cấp đủ dưỡng chất để hoạt động, vì thế chức năng của hệ thần kinh cũng giảm sút, hậu quả là trí nhớ giảm dần.
2.2 Suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến ở người trẻ
Nhiều người cho rằng, trí nhớ giảm sút là căn bệnh của người già. Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên hơn 18 500 người trong độ tuổi từ 18 đến 99 cho thấy rằng có đến 20% số người được khảo sát gặp vấn đề về trí nhớ. Đặc biệt, tỷ lệ giảm trí nhớ ở thanh niên đạt mức cao, chiếm tới 14%, không kém nhiều so với độ tuổi trung niên là (22%) và người cao tuổi (26%).
Đối với tình trạng giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi, các yếu tố lối sống chính là nguyên nhân góp phần đáng kể gây khởi phát sớm các vấn đề này. Cụ thể đó là:
– Thiếu ngủ
Việc thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình củng cố trí nhớ và lưu trữ thông tin ký ức tại vỏ não, khiến thông tin bị ngưng trệ, từ đó dẫn đến tình trạng mau quên. Đồng thời khiến tâm trạng thay đổi thất thường, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo và gây ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.
– Làm việc quá sức
Phải làm quá nhiều khiến não bộ bị quá tải, gây ra tình trạng giảm trí nhớ ở người trẻ. Bạn nên tập trung làm từng việc một, ghi lại các việc cần làm để tránh quên.
– Căng thẳng, trầm cảm
Thường xuyên bị căng thẳng hoặc lo lắng sẽ gây khó khăn cho việc ghi nhớ những ký ức mới cũng như khơi gợi lại những ký ức cũ.
– Lạm dụng rượu, bia
Các chuyên ra cho biết uống quá nhiều rượu bia có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn.
– Dinh dưỡng không đầy đủ
Thiếu máu do thiếu sắt hay thiếu hụt vitamin B12 hoặc các dưỡng chất khác có thể gây nên các biểu hiện như hoa mắt, lú lẫn, chậm chạp, thờ ơ… Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm trí nhớ ở người trẻ.
– Các vấn đề sức khỏe
Suy giảm tuần hoàn máu não, rối loạn tuyến giáp, tình trạng não úng thủy, khối u, tụ máu dưới màng cứng, thoái hoá thuỳ trán,… có thể gây ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của người trẻ.
3. Các biểu hiện suy giảm trí nhớ
– Hay quên những việc trong quá khứ, khó ghi nhớ thông tin mới
– Giảm khả năng tập trung, lơ đãng trong công việc và học tập
– Hạn chế về tư duy, khả năng nhìn nhận và đánh giá sự việc
– Rối loạn hành vi (nhắc đi nhắc lại một câu nói, diễn đạt vòng vo…)
– Gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thời gian, địa điểm, vị trí
– Tâm lý, cảm xúc bất ổn (dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ,…)
– Quên đường về nhà, quên câu mình vừa nói, nơi mình vừa đến
– Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, giải các câu đố, phép tính
4. Ảnh hưởng của việc giảm sút trí nhớ đối với người bệnh
4.1 Giảm hiệu suất công việc
Như đã nói ở trên, những người có trí nhớ giảm sút thường lơ đãng, thiếu tập trung vào việc học hay làm việc, giảm khả năng tư duy và suy nghĩ về các vấn đề. Người bệnh thường phản ứng chậm chạp với mọi thứ, do vậy không còn khả năng đáp ứng được các công việc, bài học.
4.2 Ảnh hưởng đến cuộc sống
Điều này có thể biểu hiện ở những việc đơn giản như đi chợ quên mang tiền, quên không tắt điện khi đi ra ngoài… Việc nhớ nhớ quên quên cũng khiến tâm trạng, hành vi, cảm xúc người bệnh thay đổi, họ thường xuyên cáu gắt, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.
4.3 Ảnh hưởng tới sức khỏe
Các chuyên gia Nội thần kinh cho biết nếu tình trạng suy giảm trí nhớ không được giải quyết kịp thời, thường trong vòng 3 năm thì rất dễ chuyển sang giai đoạn sa sút trí tuệ.
Khi trí tuệ đã sa sút, các tế bào não tổn thương và không còn khả năng phục hồi, gây ra tình trạng chết tế bào não, teo não, tổn thương mạch máu não hoặc tổn thương chất trắng.
Lúc này não bộ mất dần khả năng điều khiển các cơ quan chức năng, vì vậy sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp, người bệnh có thể tử vong.
Như vậy, suy giảm trí nhớ gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc và cuộc sống của người bệnh, dù ở bất cứ độ tuổi hay nghề nghiệp nào. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vì vậy, khi thấy các biểu hiện giảm trí nhớ, chậm nhớ, chóng quên cần đi khám chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.