Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa mưa với tốc độ lây lan nhanh. Vậy sốt xuất huyết có nguy hiểm không và làm thế nào để hạn chế sự nguy hiểm của căn bệnh này luôn là mối quan tâm của nhiều người.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cơ bản về bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra khi virus Dengue xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Đây là một bệnh truyền nhiễm lây từ người qua người qua tác nhân trung gian là muỗi Aedes aegypti.
Cụ thể khi muỗi Aedes hút máu của bệnh nhân nhiễm virus Dengue, virus này sẽ xâm nhập vào cơ thể muỗi và ủ bệnh trong trong khoảng 8 – 11 ngày, sau đó truyền bệnh cho người. Khi người lành bị muỗi mang virus đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ đi vào máu của người và tồn tại từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu người thì muỗi sẽ nhiễm virus và tiếp tục quá trình truyền bệnh.
2. Sốt xuất huyết có nguy hiểm không, đâu là yếu tố quyết định?
Các chuyên gia đánh giá sốt xuất huyết là căn bệnh rất nguy hiểm. Bệnh gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, suy kiệt về sức khỏe. Nếu không điều trị sớm và tích cực, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
Không chỉ tác động tới sức khỏe, bệnh sốt xuất huyết còn tạo nên gánh nặng kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Người mắc bệnh sốt xuất huyết phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị. Người thân cũng thường phải nghỉ làm để chăm sóc. Chi phí điều trị không nhỏ cũng là “bài toán lớn” cho nhiều gia đình.
2.2 Sốt xuất huyết có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ bệnh
Sốt xuất huyết ở thể nhẹ thường kéo dài 4 – 7 ngày với các triệu chứng:
– Sốt cao trên 39 – 40 độ C, thậm chí có thể lên đến 40,5 độ C
– Rất khó hạ sốt
– Đau đầu dữ dội ở vùng trán
– Đau dữ dội phía sau nơi hốc mắt
– Buồn nôn hoặc nôn mửa
– Đau nhức cơ và các khớp
– Xuất hiện các nốt phát ban
Các nốt phát ban do sốt xuất huyết thường xuất hiện trên cơ thể từ 3 đến 4 ngày tính từ khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1 đến 2 ngày. Bệnh ở thể này thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không điều trị tích cực có thể diễn tiến nặng hơn với tình trạng xuất huyết đặc trưng: xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da, các vết bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
Đặc biệt, khi có các dấu hiệu mệt mỏi, li bì, đau bụng dữ dội, vật vã, nôn nhiều, lạnh chân tay, hốt hoảng,… thì có nghĩa người bệnh đang đối mặt với nguy hiểm, nếu xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu thấy những triệu chứng này cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
2.2 Sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Các biến chứng của bệnh
Ở giai đoạn nặng, bệnh có thể gây xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng,…
– Giảm tiểu cầu
Giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng thường gặp và nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Khi đã bị giảm tiểu cầu, nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, tử vong nhanh chóng. Ở người khỏe mạnh, tình trạng hạ tiểu cầu có thể không gây các triệu chứng đáng kể, nhưng cũng bởi vậy mà nhiều người chủ quan, khi phát hiện ra thì thường đã có triệu chứng xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm.
– Cô đặc máu
Tình trạng cô đặc máu thường dẫn đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì.
– Tụt huyết áp và đau đầu
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thể nặng thường cảm thấy khó khăn khi đứng và đi bộ do huyết áp giảm đột ngột. Họ cũng có thể sẽ bị nhức đầu nghiêm trọng.
– Suy đa tạng
Đây là tình trạng rối loạn chức năng ít nhất 2 hệ thống cơ quan trong cơ thể. Các biến chứng suy đa tạng là suy gan tối cấp, suy thận, suy tim, tụt huyết áp… Trong đó, tim và thận là 2 cơ quan dễ bị ảnh hưởng bởi sốt xuất huyết khi phải tăng cường bơm máu và bài tiết huyết tương. Khi gặp biến chứng suy đa tạng, nếu không được cấp cứu và lọc máu liên tục ngay, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
– Sốc do mất máu
Bệnh sốt xuất huyết có thể làm tăng tính thấm mao quản, gây tình trạng thoát huyết tương và cô đặc máu. Khi máu sẽ bị đẩy ra ngoài có thể gây sốc mất máu với các biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu qua vết thương hở. Mất máu nhiều khiến cơ thể kiệt quệ, sốt cao không giảm, vã mồ hôi, nôn nhiều.
– Xuất huyết não
Tình trạng rối loạn nguyên tố đông máu có thể gây chảy máu cam dữ dội, rong kinh, bầm tím, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não… Tỷ lệ xuất huyết não ở bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ chiếm khoảng 1% nhưng rất dễ gây tử vong.
– Tràn dịch màng phổi
Ở giai đoạn nặng của bệnh, tình trạng tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài sẽ xảy ra ngày càng rầm rộ. Nếu ở giai đoạn này vẫn truyền nhiều dịch nhưng không có biện pháp tăng cường thải dịch ra ngoài thì người bệnh có thể gặp các vấn đề về hô hấp như viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi, phù phổi cấp, có thể mất mạng.
– Hôn mê
Tình trạng xuất huyết trong cơ thể có thể khiến dịch huyết tương ứ đọng ở màng não gây phù não và các hội chứng thần kinh khác dẫn đến hôn mê. Đây là biến chứng sốt xuất huyết nặng nề nhất, người bệnh rất dễ tử vong.
– Suy thai, sinh non, dọa sẩy hoặc sẩy thai
Phụ nữ đang mang thai không may bị sốt xuất huyết sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, kiệt quệ và có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thai, sinh non, thai chết lưu. Khi chuyển dạ, thai phụ có thể bị chảy máu kéo dài do khó cầm máu, tổn thương gan thận do tiền sản giật. Nếu lượng huyết tương bị thoát ra quá lớn, ồ ạt sẽ gây cổ trướng.
– Các biến chứng về mắt
Xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính là những biến chứng về mắt thường gặp nhất ở người bị sốt xuất huyết, có thể gây mù lòa.
3. Cách giảm thiểu nguy hiểm do sốt xuất huyết gây ra
Để giảm thiểu những nguy hiểm do sốt xuất huyết, người bệnh cần phát hiện sớm căn bệnh này bằng cách thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Cần điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ và chú ý chăm sóc sức khỏe theo các khuyến cáo của Bộ Y tế ngay từ giai đoạn nhẹ để bệnh không có cơ hội trở nặng và gây biến chứng.
Bên cạnh việc điều trị, cũng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm cho người thân và khu vực xung quanh nơi ở, nơi làm việc.