Sau phẫu thuật bong võng mạc, chúng ta cần lưu ý thực hiện một số điều như: cho mắt nghỉ ngơi thật nhiều, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, không sử dụng các thiết bị điện tử,…Điều này sẽ giúp làm tăng khả năng, tốc độ hồi phục thị lực cho đôi mắt.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp điều trị bệnh lý bong võng mạc như thế nào?
1.1. Khái niệm và triệu chứng điển hình khi bong võng mạc
Võng mạc được xem là một trong những bộ phận quan trọng của đôi mắt. Võng mạc nhận nhiệm vụ tiếp nhận các luồng ánh sáng từ thủy tinh thể, sau đó hội tụ lại. Tiếp theo, các tín hiệu nhận được sẽ truyền tới não thông qua con đường các dây thần kinh thị giác. Khi tiếp nhận các thông tin này, não bộ sẽ tự động sản sinh ý thức về các vật hay hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy. Do đó, trong trường hợp võng mạc bị bong rách ra, đôi mắt sẽ bị ảnh hưởng tới thị giác, khả năng quan sát sự vật.
Một số triệu chứng điển hình khi người bệnh bị bong rách võng mạc đó là:
– Thị lực suy giảm, mắt nhìn mờ, không rõ nét.
– Mắt cảm giác như bị một tấm mành che lại, đôi lúc thấy như có mây đen che tầm nhìn.
– Mắt thấy xuất hiện các luồng sáng, chớp sáng, ruồi bay ở phía trước mặt.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người bệnh chỉ thấy mắt nhìn mờ đi chứ không có thêm các triệu chứng nào khác. Lúc này, bệnh bong võng mạc có thể xuất hiện ở giai đoạn sớm.
Để chẩn đoán và kiểm tra kỹ càng về bệnh lý bong võng mạc, người bệnh cần đi tới bệnh viện để các bác sĩ có thể thực hiện các bước khám, soi, chụp đáy mắt hay các xét nghiệm cần thiết khác.
1.2. Điều trị bong võng mạc bằng phương pháp phẫu thuật ra sao?
Trong trường hợp thị lực của đôi mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bệnh nhân bị mất một phần thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn, đi kèm với những phiền toái làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì phương pháp điều trị bằng phẫu thuật là việc làm cần thiết.
Phẫu thuật sẽ là phương án tối ưu giúp giải quyết, khắc phục tình trạng bong rách của giác mạc, cũng như phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Việc này cũng cần thực hiện trong thời gian sớm nhất bởi nếu để hiện tượng bong rách lan rộng ra vượt quá vùng hoàng điểm thì bệnh nhân sẽ có thể mất thị lực vĩnh viễn.
Một số phương pháp bác sĩ hay chỉ định bệnh nhân thực hiện khi phẫu thuật bong võng mạc đó là:
1.2.1. Phương pháp sử dụng đai củng mạc
Khi sử dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng miếng silicon để đặt ở phía bên ngoài khu vực thành mắt. Miếng silicon này sẽ đẩy phần võng mạc bị bong ra vào sát thành mắt. Tiếp theo bác sĩ sẽ thực hiện chiếu tia laser, áp lạnh để cố định võng mạc vào phần sau mắt. Phương pháp này thường được áp dụng trong giai đoạn sớm khi võng mạc chưa bị bong hẳn mà chỉ mới có xuất hiện các vết rách.
1.2.2. Phương pháp độn nội nhãn bằng khí nén
Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ phải thực hiện gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, sau đó bơm bóng khí vào mắt để làm tăng thể tích võng mạc, giúp võng mạc nhanh chóng áp sát vào thành mắt. Ở bước tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng tia laser hoặc áp lạnh cho vùng xung quanh các vết rách nhằm cố định võng mạc. Các bóng khí sau đó sẽ tự biến mất sau khoảng 1 đến 2 tuần.
1.2.3. Phương pháp cắt dịch kính
Đối với trường hợp võng mạc bị rách nghiêm trọng và không thể áp dụng được 2 phương pháp trên, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện cắt mô xơ trên võng mạc, sau đó sẽ tiến hành dán võng mạc lại vị trí ban đầu. Sau khi hoàn thành 2 bước trên, bác sĩ sẽ bơm vào mắt bóng khí hoặc dầu giúp duy trì hình dạng như ban đầu cho võng mạc.
2. Cần lưu ý gì sau khi điều trị phẫu thuật bong võng mạc
2.1. Sau phẫu thuật bong võng mạc bao lâu thì hồi phục thị lực?
Khả năng hồi phục thị lực trở lại sau khi điều trị bong võng mạc sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của võng mạc, phương pháp điều trị sử dụng, cũng như cách chăm sóc sau khi điều trị kết thúc.
– Với phương pháp dán củng mạc: thời gian để thị lực hồi phục trở lại như ban đầu trung bình mất khoảng 2 – 4 tuần.
– Với phương pháp sử dụng độn nội nhãn bằng khí nén: thị lực có thể hồi phục trở lại trong khoảng 3 tuần.
– Khi áp dụng phương pháp cắt dịch kính: thị lực có thể trở lại trong khoảng 4 đến 6 tuần.
2.2. Sau phẫu thuật bong võng mạc cần lưu ý những điều gì?
Để hỗ trợ vết thương nhanh lành, thị lực mau chóng hồi phục trở lại như ban đầu, sau khi thực hiện phẫu thuật điều trị bong võng mạc, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
2.2.1. Nên đeo kính để bảo vệ mắt thường xuyên
Sau khi phẫu thuật, lúc này sức đề kháng của mắt còn rất yếu. Do đó, mắt cần được bảo vệ kỹ càng với các loại kính mắt. Kính mắt sẽ giúp chống bụi bẩn cho đôi mắt cũng như bảo vệ mắt khỏi các tác động gây hại tới từ môi trường. Nên duy trì việc đeo kính ít nhất 30 ngày sau khi phẫu thuật kết thúc.
2.2.2. Tránh để nước, hóa chất tiếp xúc với mắt
Sau khi phẫu thuật bong rách võng mạc, bệnh nhân cũng cần lưu ý không nên để nước tiếp xúc trực tiếp với mắt. Không vỗ nước trực tiếp lên mắt hoặc xung quanh vùng mắt. Nên sử dụng kính bảo hộ mắt khi thực hiện rửa tay, vệ sinh cá nhân để tránh nước bắn vào mắt. Điều này cũng giúp bảo vệ mắt khỏi việc tiếp xúc với các hóa chất.
Nên kiêng trong khoảng 1 tháng sau khi phẫu thuật để giúp mắt nhanh chóng hồi phục lại như ban đầu.
2.2.3. Không nên để ánh mặt trời rọi thẳng vào mắt
Sau khi tháo băng mắt, bệnh nhân thường sẽ thấy khó mở mắt nếu bị ánh sáng chiếu thẳng vào. Tuy nhiên, bạn cũng nên hạn chế việc để ánh sáng mặt trời rọi vào mắt quá nhiều. Mắt sau phẫu thuật tiếp xúc với ánh mặt trời sẽ khiến mắt bị quáng gà, giảm thị lực, đau rát. Không chỉ vậy, các loại tia UV trong mắt cũng có thể gây tổn thương, viêm nhiễm cho mắt.
2.2.4. Không được dụi tay lên mắt
Việc dụi mắt sẽ làm mắt bị yếu đi, lây nhiễm vi khuẩn cho vùng mắt. Do đó, bạn nên từ bỏ thói quen này sớm, đặc biệt là sau khi thực hiện phẫu thuật mắt bong võng mạc.
2.2.5. Cho mắt được nghỉ ngơi điều độ
Sau khi trải qua phẫu thuật điều trị bong võng mạc, người bệnh nên nghỉ ngơi tối đa, cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn. Nhờ vậy, cơ hội phục hồi, làm mắt khỏe hơn sẽ tăng cao.
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về việc chăm sóc mắt sau khi điều trị phẫu thuật bong võng mạc. Liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được giải đáp các thông tin khác hoặc đặt lịch thăm khám với bác sĩ nhãn khoa nhé.