Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là một tình trạng rất phổ biến, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh khi về già. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi và những biện pháp cải thiện hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là gì?
Sa sút trí tuệ (dementia) là hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng liên quan đến suy giảm trí nhớ, nhận thức và kỹ năng xã hội ở mức nghiêm trọng. Các triệu chứng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày cũng như sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Thông thường sa sút trí tuệ liên quan đến chứng mất trí nhớ, nhưng mất trí nhớ lại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Và việc mất trí nhớ đơn thuần thì không được gọi sa sút trí tuệ.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm lại có gần 10 triệu ca mắc sa sút trí tuệ mới, 5-8% trong số đó thuộc nhóm từ 60 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2030, số người bị sa sút trí tuệ sẽ lên tới 82 triệu người, đến năm 2050 là 152 triệu người, chủ yếu là ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng sa sút trí tuệ, và tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà sẽ có những phương pháp khác nhau để điều trị nhằm cải thiện tình trạng này.
2. Các nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi
2.1 Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi do thoái hóa thần kinh
Alzheimer là bệnh lý phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ tiến triển ở người lớn tuổi. Bệnh này chiếm 60% – 80% các trường hợp bệnh nhân bị sa sút trí tuệ. Nguyên nhân là do các mảng Amyloid và các búi sợi tơ thần kinh trong não của những bệnh nhân này làm hỏng các tế bào thần kinh khỏe mạnh và các sợi kết nối chúng.
Tùy vào từng thể sa sút trí tuệ mà có thể có các nguyên nhân gây bệnh tương ứng như:
– Sa sút trí tuệ mạch máu
Tổn thương ở các mạch cung cấp máu cho não có thể dẫn tới đột quỵ hoặc làm tổn thương não theo những cách khác nhau, như làm thoái hóa chất trắng của não.
– Sa sút trí tuệ thể Lewy
Ở dạng này, những khối protein bất thường giống như quả bóng sẽ hình thành trong não gây sa sút trí tuệ, khiến người bệnh mộng du, ảo giác, giảm sự tập trung và chú ý, giảm khả năng phối hợp, run và cứng đơ.
– Sa sút trí tuệ vùng trán
Bệnh xảy ra do sự phân hủy của các tế bào thần kinh hoặc do sự kết nối của tế bào thần kinh ở thùy trán và thái dương. Ở thể này, bệnh nhân thường mất ổn định trong hành vi, tính cách, suy nghĩ, ngôn ngữ và cử động.
– Sa sút trí tuệ hỗn hợp
Nguyên nhân gây ra thể này là do người bệnh mắc nhiều loại bệnh cùng lúc, ví dụ như bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ mạch máu.
Ngoài ra, tình trạng đột biến gen ở người mắc bệnh Huntington, những ảnh hưởng từ bệnh Parkinson cũng khiến một số tế bào thần kinh trong não và tủy sống bị thải loại, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng về kỹ năng tư duy (nhận thức).
2.2 Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi không do thoái hóa
– Chấn thương sọ não
Chấn thương đầu lặp đi lặp lại, thường ở những võ sĩ quyền anh, cầu thủ bóng đá hoặc binh lính,… có thể khiến não bị tổn thương, gây sa sút trí tuệ. Sau khi bị ngã, những người cao tuổi có thể gặp tình trạng máu tụ dưới màng cứng, gây ra các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.
– Các bệnh nội tiết
Những người có vấn đề về tuyến giáp, đường huyết thấp, quá ít hoặc quá nhiều natri hoặc canxi, hấp thụ vitamin B12 kém có thể phát triển các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.
– U não
Sự xuất hiện của các khối u não có thể gây chèn ép, tổn thương các thần kinh dẫn đến sa sút trí tuệ.
– Thiếu oxy
Ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng, hen suyễn, đau tim… là các tình trạng khiến các mô cơ quan không nhận đủ oxy, có thể dẫn đến sa sút trí tuệ.
– Não úng thủy
Tình trạng các tâm thất trong não mở rộng, gây ra các vấn đề về đi lại, khó tiểu và sa sút trí tuệ.
– Thiếu dinh dưỡng
Nước, vitamin B1, B6, B12, vitamin E,… rất quan trọng đối với khả năng ghi nhớ. Tình trạng mất nước, thiếu hụt các khoáng chất trong chế độ ăn có thể gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ.
– Thuốc
Một số loại thuốc có thể có thể có tác dụng phụ, gây ra các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.
– Tiếp xúc với chất độc
Thuốc trừ sâu, chì, rượu mạnh, chất kích thích,… có thể là những chất độc dẫn đến các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ.
3. Triệu chứng của sa sút trí tuệ
– Trí nhớ bị suy giảm: Ở giai đoạn đầu thường là giảm trí nhớ ngắn hạn, người bệnh quên những gì vừa nói, vị trí để các đồ vật,… Khi bệnh nặng, người bệnh có thể không nhận ra được người thân, người quen, quên những sự việc xảy ra trong quá khứ,…
– Giảm nhận thức: Giảm khả năng cảm nhận về thời gian, không gian
– Rối loạn ngôn ngữ: Khó tìm từ để diễn tả lời nói, nói sai, viết sai…
– Ăn uống, vệ sinh cá nhân khó khăn
– Thu mình, ngại tiếp xúc với mọi người
– Có sự thay đổi về cảm xúc, coi mình là trung tâm, rất dễ kích động
– Giảm khả năng tính toán, sáng tạo, khó khăn trong việc đưa ra quyết định, lập kế hoạch
– Có các hành vi không phù hợp, ví dụ như đi lang thang
– Rối loạn tâm lý – hành vi và giảm chức năng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh
4. Chăm sóc người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ
Người cao tuổi nói chung và người già bị sa sút trí tuệ nói riêng rất cần được quan tâm và chăm sóc đúng cách để có thể cải thiện sức khỏe, tăng cường hoạt động của não bộ, phòng ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ và một số chức năng khác. Các biện pháp gồm:
– Cho người bệnh ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm nhiều đường và cholesterol nạp vào cơ thể, ăn nhiều rau quả tươi để kiểm soát huyết áp
– Không cho người bệnh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia
– Động viên, khuyến khích người bệnh tập thể dục nhẹ nhàng nhưng thường xuyên, đều đặn
– Khuyến khích người bệnh chủ động và tự lập, chỉ hỗ trợ khi thực sự cần thiết
– Nhắc nhở, theo dõi việc uống thuốc, giúp bệnh nhân giữ tinh thần thoải mái và ổn định
Trên đây là những thông tin về chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi, hi vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân hoặc những người thân yêu. Nếu nghi ngờ các dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người già, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa, giúp phòng ngừa và điều trị hợp lý.