Rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân parkinson 

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Người bệnh Parkinson dễ gặp phải những rối loạn chức năng thần kinh tự chủ. Mời bạn cùng tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân parkinson nói chung và biểu hiện trên lâm sàng của người bệnh. Qua khám rối loạn thần kinh tự chủ, sẽ cân nhắc phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp.

1. Khái niệm rối loạn thần kinh tự chủ và cơ chế gây rối loạn

1.1 Khái niệm rối loạn thần kinh tự chủ

Hệ thần kinh tự chủ gồm hệ giao cảm và hệ đối giao cảm. Được hoạt hóa chủ yếu bởi các trung tâm ở tủy sống, thân não và hạ đồi.

Trong đó:

Hệ đối giao cảm: gồm các nhân não và tủy (não giữa, hành não, vùng tủy cùng).

Hệ giao cảm: phân bố sừng bên chất xám tủy sống, từ cột nhân trung gian ngoài, liên tục từ đốt ngực 1 đến đốt thắt lưng.

Mạng lưới thần tự chủ trung ương trải dài từ vỏ não và gian não đến thân não. Giúp kiểm soát hoạt động của các tế bào thần kinh giao cảm, đối giao cảm tiền hạch.

Vùng ngoại biên của hệ thống thần kinh tự chủ gồm hệ thần kinh ruột, hạch thần kinh giao cảm, đối giao cảm, hậu hạch.

Mô phỏng bị rối loạn thần kinh tự chủ

Nguồn gốc của hệ thần kinh tự chủ.

1.2 Cơ chế gây rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân parkinson

Khi có bất thường trong sự tích tụ alpha-synuclein tại các vùng thần kinh tự chủ trung ương và ngoại biên. Điều này sẽ gây ra rối loạn chức năng thần kinh tự chủ, điền hình như trong bệnh Parkinson.

Ở bệnh Parkinson, các alpha-synuclein xoắn bất thường tích tụ lại hình thành nên các thể vùi, gọi là thể Lewy. Chúng nằm trong các tế bào thần kinh (neuron) và sợi thần kinh (neurite). Các thể Lewy này sẽ kết tập đầu tiên ở các hạch thần kinh tự chủ ngoại biên và sau đó lan ra các vùng thần kinh tự chủ trung ương.

Trong bệnh parkinson, ngoài thoái hóa chất đen, thể Lewy và mất tế bào thần kinh còn tìm thấy ở các vùng điều hòa thần kinh tự chủ. Cụ thể bao gồm vùng hạ đồi, nhân cận cánh tay, vùng lưới trung gian của hành tủy, nhân lục, và nhân raphe. Các vùng đối giao cảm tiền hạch, bao gồm: nhân Edinger-Westphal và nhân lưng vận động phế vị. Các nhân giao cảm tiền hạch ở cột nhân trung gian ngoài. Các tế bào thần kinh trong hạch thần kinh tự chủ cạnh sống.

Theo một số nghiên cứu được thực hiện còn tìm thấy mất các tế bào thần kinh và tích tụ thể Lewy ở hạch giao cảm, vùng bụng bên hành não và đám rối thần kinh ruột trong bệnh Parkinson. Các tổn thương thuộc vùng điều hòa thần kinh tự chủ có thể là nguyên nhân chính gây rối loạn chức năng tự chủ tim mạch, tiết mồ hôi và chức năng tiêu hóa – tiết niệu.

2. Biểu hiện rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân parkinson

2.1 Rối loạn chức năng tiết niệu, sinh dục

Người bệnh parkinson thường có biểu hiện rối loạn chức năng tiết niệu – sinh dục, có thể kèm theo rối loạn phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới.

Các biểu hiện cụ thể rối loạn chức năng tiết niệu như: tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ. Nhiều người bệnh parkinson phàn nàn rằng họ đi tiểu gấp, tiểu nhiều lần đặc biệt là vào ban ngày và cảm thấy khó đi tiểu lúc khởi đầu.

Nguyên nhân của việc đi tiểu nhiều ở những bệnh nhân này được lý giải là do rối loạn chức năng bàng quang tăng hoạt, gây ra bởi sự biến đổi chu trình dopamine hạch nền, làm mất ức chế phản xạ đi tiểu. Việc sử dụng thuốc kháng cholinergic trong điều trị bàng quang tăng hoạt trên bệnh nhân Parkinson cần được sử dụng một cách thận trọng, tránh lạm dụng.

Các biểu hiện của rối loạn chức năng sinh dục ở bệnh nhân parkinson như: giảm ham muốn tình dục, giảm giao hợp, rối loạn cương dương và xuất tinh sớm. Nguyên nhân do rối loạn chức năng ở vùng hạ đồi thông qua con đường dopamine – oxytocin làm giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương.

bị rối loạn thần kinh tự chủ

Người bệnh parkinson có thể bị rối loạn tuyến tiền liệt gây tiểu dắt, tiểu nhiều, cảm giác cứng vùng bàng quang.

2.2 Rối loạn chức năng tự chủ tim mạch

Điển hình đó là hạ huyết áp tư thế, thường xuất hiện vào giai đoạn muộn của bệnh parkinson. Những đối tượng parkinson có nguy cơ cao bị hạ huyết áp tư thế gồm nam giới, tuổi cao, có sử dụng các loại thuốc như Levodopa, thuốc đồng vận dopamine, thuốc ức chế men monoamine oydase type B.

Ngoài ra, rối loạn chức năng tự chủ tim mạch ở bệnh nhân Parkinson còn biểu hiện đó là tăng huyết áp khi nằm. Tức là huyết áp tâm thu trên 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 90mmHg sau 5 phút nghỉ ngơi khi nằm.

Giảm biến thiên nhịp tim khi thực hiện các biện pháp hít thở sâu, thay đổi tư thế từ nằm sang đứng.

2.3 Rối loạn chức năng thần kinh tự chủ tiêu hóa

Tình trạng hay gặp nhất là táo bón. Bệnh nhân parkinson tích tụ alpha synuclein ở nhân lưng dây X và đám rối thần kinh ở ruột, điều này khiến bệnh nhân khó đi tiêu hoặc giảm số lần đi tiêu trong thời gian dài dẫn tới táo bón.

Nuốt khó cũng là một biểu hiện thể hiện rối loạn chức năng nuốt ở bệnh nhân parkinson.

Chậm làm trống dạ dày cũng là một biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh tự chủ, thường xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh ở parkinson. Các triệu chứng chậm làm trống dạ dày gồm: buồn nôn, nôn ói, no sớm, no quá mức, đầy hơi và chướng bụng.

Rối loạn chức năng thần kinh tự chủ tiêu hóa

Bệnh nhân parkinson bị rối loạn thần kinh tự chủ dễ gây táo bón, chướng bụng, đầy hơi.

3. Chẩn đoán lâm sàng chứng rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân parkinson

Các biểu hiện khi khám rối loạn thần kinh tự chủ trên lâm sàng rất mơ hồ và đa dạng. Chủ yếu bao gồm các triệu chứng sau:

– Triệu chứng tim mạch (cảm giác choáng váng khi đứng lâu hay thay đổi tư thế).

– Triệu chứng tiêu hóa (tiết nước bọt, nuốt 95 nghẹn, táo bón).

– Triệu chứng tiết niệu – sinh dục (tiểu gấp, tiểu không kiểm soát, cảm giác tiểu không hết).

– Triệu chứng rối loạn điều hòa nhiệt – mồ hôi (tiết mồ hôi nhiều hoặc không chịu được nóng/ lạnh).

– Triệu chứng sinh dục (rối loạn cương ở nam giới).

Trong đó, triệu chứng thường gặp nhất trên lâm sàng của người bệnh parkinson bị rối loạn thần kinh tự chủ là táo bón (chiếm 35,3%), kế đến là triệu chứng rối loạn đi tiểu (20,6%), tiêp theo là triệu chứng hạ huyết áp tư thế (chiếm 14,6%).

Khi thăm khám chuyên gia có thể cân nhắc việc sử dụng các test về thần kinh tự chủ, test đánh giá chức năng hệ giao cảm để chẩn đoán một cách chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital