Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đa số các trường hợp mắc polyp túi mật là lành tính nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị sớm. Vì vậy việc phát hiện sớm các dấu hiệu polyp túi mật là vô cùng cần thiết. Vậy polyp túi mật triệu chứng là gì và điều trị chúng như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Polyp túi mật triệu chứng là gì?
Polyp túi mật hình thành do tế bào niêm mạc túi mật tăng sinh một cách bất thường, phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Polyp túi mật là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở người trưởng thành và nữ giới thường dễ mắc hơn nam giới.
Đa số mắc polyp túi mật là dạng lành tính nhưng một số trường hợp có thể tiến triển thành ác tính, khi ấy sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng polyp túi mật rất có ý nghĩa trong điều trị. Vậy polyp túi mật có triệu chứng thế nào?
Thông thường, khi mới xuất hiện, các triệu chứng thường rất mơ hồ, ít khi rầm rộ, có thể được tình cờ phát hiện khi người bệnh đi khám sức khỏe.
Khi polyp túi mật gây rối loạn bài tiết dịch mật tại lòng túi mật hay khi có sỏi túi mật và viêm túi mật kèm theo thì các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn, bao gồm:
– Đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị, đau thường xuất hiện sau khi ăn.
– Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.
2. Polyp túi mật có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp bị polyp túi mật là lành tính nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ polyp có thể phát triển thành ung thư hoá khi polyp túi mật lớn hơn 10mm, polyp không có chân, đa polyp, kích thước polyp tăng nhanh sau một thời gian ngắn. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ung thư của khối polyp là:
– Tuổi: Người bệnh có tuổi càng lớn thì nguy cơ ung thư hoá càng cao (thường từ 60 tuổi trở lên).
– Kích thước polyp: Khi polyp túi mật có kích trên 10mm thì nguy cơ chuyển thành ác tính cao nên cần xem xét phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
– Hình dạng: các polyp không có cuống có khả năng chuyển thành ác tính cao hơn các polyp có cuống.
– Số lượng: Theo quan sát, các polyp ác tính thường xuất hiện đơn lẻ trong khi các polyp lành tính thường là đa polyp.
– Bệnh mắc kèm: Người bị polyp túi mật xuất hiện kèm với sỏi túi mật hay viêm túi mật mạn tính thì cần phẫu thuật cắt túi mật càng sớm càng tốt.
3. Phân loại polyp túi mật
Tuỳ theo nguyên nhân và tính chất, polyp túi mật có thể chia thành các loại sau:
– Polyp thể cholesterol: Sự lắng đọng của cholesterol trên thành túi mật là nguyên nhân chính hình thành polyp. Đa phần polyp túi mật thuộc dạng này, có kích thước nhỏ (< 10mm) và đa polyp nên không gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh.
– Polyp thể viêm: Dạng polyp này có bản chất là mô xơ sẹo gây ra bởi các tổn thương mạn tính trên thành túi mật. Kích thước polyp thường nhỏ hơn 10mm, chân rộng và không gây ung thư nên người bệnh có thể yên tâm.
– Polyp thể u tuyến: Đây là một dạng tổn thương tiền ung thư, có kích thước dao động từ 5-20 mm. Xuất hiện đơn lẻ và thường liên quan đến bệnh lý sỏi mật hoặc viêm túi mật mạn tính.
– Polyp thể phì đại cơ tuyến: Đối tượng mắc phải loại polyp này thường là người trưởng thành và tỷ lệ tăng dần theo tuổi. Dạng polyp này thường xuất hiện đơn lẻ ở đáy túi mật và có nguy cơ phát triển thành ung thư.
4. Nguyên nhân gây polyp túi mật
Có nhiều yếu tố được cho là có liên quan đến việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan mật kém, nồng độ mỡ máu cao, béo phì, nhiễm vi rút viêm gan, thói quen ăn thức ăn dầu mỡ, chất béo làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể… Tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành nên polyp túi mật.
5. Các biện pháp điều trị polyp túi mật
Vì túi mật là một cơ quan của hệ thống đường dẫn mật, có chức năng điều hoà bài tiết dịch mật và tiêu hoá thức ăn nên không thể tùy tiện cắt bỏ khi không phải là chỉ định bắt buộc.
Để điều trị polyp túi mật có 2 khả năng có thể xảy ra là theo dõi định kỳ và cắt bỏ túi mật.
– Khoảng 92% polyp túi mật là lành tính nên người bệnh hầu như không cần phải cắt bỏ túi mật. Khi phát hiện ra túi mật có polyp với kích thước nhỏ hơn 10mm thì người bệnh cần đi khám định kỳ mỗi 3-6 tháng để theo dõi tiến triển của polyp.
– Với những polyp có kích thước trên 10mm và có khả năng ác tính hoá thì cần cắt bỏ túi mật để ngăn chặn sự phát triển thành ung thư túi mật. Ngày nay, cắt bỏ túi mật thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Đây là phương pháp ít xâm lấn, ít đau, hạn chế các biến chứng nguy hiểm và giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
6. Chế độ ăn cho người bị polyp túi mật
6.1 Người bị polyp túi mật nên ăn gì?
– Hoa quả giàu khoáng chất và vitamin (B, C, D, E) như táo, lê, cam… giúp tăng cường sức khỏe gan mật, hạn chế sự hình thành và phát triển của polyp.
– Rau củ nhiều chất xơ như bắp cải, su hào, cà rốt để hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn, hạn chế hấp thu chất béo ở ruột, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu.
– Sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như bơ, hạnh nhân, dầu o liu, dầu cải, dầu hướng dương,…
– Ngoài chế độ ăn thì chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cũng mang lại nhiều lợi ích giúp hạn chế sự phát triển của polyp. Người bị polyp túi mật nên nên duy trì tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp gan mật hoạt động tốt hơn.
6.2 Người bị polyp túi mật nên kiêng gì?
– Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hoà như mỡ động vật, thức ăn chiên xào, thức ăn nhanh,…
– Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, phô mai,..
– Thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, tinh bột tinh chế như các loại bánh ngọt, bánh quy,…
Hy vọng bài viết trên giúp bạn giải đáp được thắc mắc polyp túi mật triệu chứng là gì, có nguy hiểm không và điều trị nó như thế nào. Để phòng và hạn chế sự tăng sinh của khối polyp, mỗi chúng ta cần đi thăm khám định kỳ kết hợp với chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học.