Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX là một trong những phương pháp hay được sử dụng hiện nay. Phương pháp này cần có sự thăm khám sức khỏe trước khi áp dụng, cũng như cần phải theo dõi sát sao các triệu chứng trong quá trình điều trị. Cùng tìm hiểu các thông tin chi tiết về phương pháp này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần phải điều trị thai ngoài tử cung?
Trước hết chúng ta cần hiểu đó là thai ngoài tử cung là một bệnh lý sản khoa nguy hiểm đối với phụ nữ. Khi thai ở ngoài tử cung sẽ đồng nghĩa với việc thai nhi không thể phát triển và lớn lên như bình thường mà sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng cho người mẹ. Do đó, nếu trong trường hợp chị em phát hiện mình bị thai ngoài tử cung thì cần có biện pháp điều trị, xử lý thai ngoài tử cung càng sớm càng tốt, tránh gây ra hiện tượng vỡ khối chửa dẫn tới chảy màu vùng bụng ồ ạt không kiểm soát.
Hiện nay có 3 phương pháp chính hay được sử dụng để điều trị tình trạng thai ngoài tử cung đó là: tiêm thuốc nội khoa, phương pháp phẫu thuật mổ nội soi và phương pháp mổ mở đường bụng. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm khác so với nhau. Tùy vào thể trạng và tình hình bệnh lý của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra sự tư vấn cũng như chỉ định điều trị phù hợp.
2. Tổng quan về phương pháp điều trị nội khoa thai ngoài tử cung
2.1. Điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX có mục đích gì?
Tất cả các phương pháp được sử dụng đều có chung mục đích nhằm xử lý khối thai ngoài tử cung. Riêng đối với phương pháp sử dụng thuốc nội khoa sẽ tập trung vào giải quyết một số vấn đề như sau:
– Loại bỏ khối thai ngoài tử cung mà không cần sử dụng tới các biện pháp phẫu thuật.
– Mong muốn làm giảm tối đa tỉ lệ biến chứng do thai ngoài tử cung gây nên.
– Bảo toàn được phần ống dẫn trứng (vị trí thai làm tổ) cho mẹ.
– Giúp bệnh nhân tránh khỏi cuộc phẫu thuật hay việc sử dụng thuốc gây mê.
2.2. Điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX có chỉ định ra sao?
Để phương pháp điều trị có hiệu quả cao nhất, trước khi được chỉ định sử dụng thuốc nội khoa, các bác sĩ cần cho bệnh nhân kiểm tra để đảm bảo một số yếu tố như sau:
– Tình hình sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh nhân không có dấu hiệu huyết áp thấp, huyết áp cao, huyết động học ở trạng thái ổn định. Điều này nhằm tránh việc bệnh nhân bị choáng trong quá trình điều trị.
– Xét nghiệm máu có kết quả nồng độ beta HCG nhỏ hơn hoặc bằng 5000 mIU/ml.
– Qua siêu âm không quan sát được thai ở trong buồng tử cung mà ở bên ngoài buồng tử cung.
– Kiểm tra kích thước của khối thai ngoài ở khoảng nhỏ hơn 3 – 4cm.
– Bệnh nhân đã được tư vấn về các ưu, nhược điểm và quá trình điều trị bằng thuốc nội khoa. Bệnh nhân đồng ý thực hiện điều trị nội khoa
2.3. Cần chỉ định cho bệnh nhân sử dụng MTX đa liều trong trường hợp nào?
Theo đó, tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc nội khoa dạng đơn liều hay đa liều. Một số yếu tố quyết định việc điều trị đa liều đó là:
– Bệnh nhân có sức khỏe ổn định, huyết động học không có hiện tượng bị choáng.
– Nồng độ beta HCG trong máu có kết quả lớn hơn 5000 mIU/ml và nhỏ hơn 10000 mIU/ml.
– Kiểm tra kích thước khối thai ngoài có kết quả lớn hơn 5cm.
– Trong trường hợp thai nằm ở đoạn kẽ tử cung thì cần có kích thước lớn hơn 3cm.
2.4. Phương pháp điều trị nội khoa chống chỉ định áp dụng với những trường hợp nào?
Một số trường hợp bệnh nhân không phù hợp để sử dụng thuốc nội khoa đó chính là:
– Bệnh nhân có sức khỏe không đảm bảo: bị huyết áp, tim mạch, mạch đập nhanh, da xanh nhợt, hay vã mồ hôi, buồn nôn,…
– Bệnh nhân có dấu hiệu vỡ thai ngoài tử cung như: đau bụng dưới dữ dội, mệt mỏi, sốc, choáng, khi siêu âm có lượng dịch nhiều khoảng >300 ml, có hiện tượng dịch ổ bụng.
– Bệnh nhân đang ở trong thời gian cho con bú.
– Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc MTX hoặc các chất trong thuốc.
– Trường hợp có các bệnh lý nội khoa như: suy thận, viêm loét dạ dày, phổi, suy giảm miễn dịch,…thì cũng không phù hợp sử dụng phương pháp điều trị này.
– Bệnh nhân không có mong muốn sử dụng MTX.
– Trường hợp bệnh nhân có những bất thường trong các xét nghiệm tiền hóa trị cũng không áp dụng được biện pháp điều trị này.
2.5. Cần làm gì trước khi điều trị bằng thuốc nội khoa MTX?
Trước khi bắt đầu quá trình điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc nội khoa. bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số bước xét nghiệm, thăm khám sau:
– Xét nghiệm máu để kiểm tra các chức năng đường huyết, nhóm máu, huyết đồ,…
– Kiểm tra chức năng của gan, thận, tụy, mật,…
– Kiểm tra chức năng đông máu cho bệnh nhân.
– Làm các bước kiểm tra điện tâm đồ, chụp x – quang tim phổi.
3. Quá trình điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc nội khoa cần chú ý điều gì?
Khi bắt đầu quá trình điều trị bệnh lý thai ngoài tử cung bằng cách tiêm thuốc nội khoa MTX, chúng ta cần phải chú ý theo dõi một số dấu hiệu sau đây để nhận biết được quá trình điều trị có phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả hay không.
3.1. Theo dõi hiện tượng đau
Theo đó, sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc nội khoa khoảng 2, 3 ngày thì bệnh nhân có thể thấy xuất hiện các triệu chứng đau bụng. Điều này là hoàn toàn bình thường bởi đó là dấu hiệu của việc thuốc đang bắt đầu phát huy tác dụng làm ngăn chặn sự phát triển của khối thai. Lúc này, tình trạng tụ máu trong khu vực vòi trứng cũng như sự kéo dãn của ống dẫn trứng cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau bụng. Theo thời gian thì các cơn đau sẽ từ từ thuyên giảm và biến mất. Nếu quá đau, bệnh nhân cần xin ý kiến tư vấn và thăm khám của các bác sĩ để được đánh giá lại tình trạng huyết động học cũng như các chỉ số cần thiết.
3.2. Theo dõi chỉ số beta HCG trong máu
Thông thường sau khi điều trị thuốc nội khoa, các bác sĩ sẽ cần cho bệnh nhân theo dõi xét nghiệm lại chỉ số beta HCG sau 4 ngày và 7 ngày. Theo đó, nếu như chỉ số beta HCG sau các mốc thời gian có dấu hiệu giảm xuống thì ca điều trị bằng thuốc nội khoa được xem như thành công và có dấu hiệu đáp ứng thuốc tốt. Ngược lại, nếu như sau thời gian theo dõi mà chỉ số beta HCG có dấu hiệu tăng lên thì bác sĩ sẽ xem xét để chỉ đinh cho bệnh nhân thực hiện tiêm thêm liều thuốc nội khoa thứ 2 hoặc cân nhắc tới việc sử dụng biện pháp điều trị khác. Chỉ số beta HCG nhỏ hơn 15 mUI/ml được xem là chỉ số an toàn chứng tỏ bệnh nhân đã khỏi bệnh lý thai ngoài tử cung.
3.3. Cần theo dõi các khối máu tụ
Khoảng 56% các trường hợp có khối thai ngoài tử cung tăng kích thước sau khi điều trị bằng thuốc nội khoa MTX. Tuy nhiên, sự tăng kích thước này không phải là căn cứ chính quyết định sự thất bại hay thành công của phương pháp điều trị nội khoa. Nếu siêu âm chỉ số beta HCG đã giảm đúng lộ trình thì ca điều trị vẫn sẽ có khả năng thành công.
3.4. Phải chuyển điều trị bằng phẫu thuật khi nào?
Bệnh nhân cần phải chuyển sang phương pháp phẫu thuật để điều trị thai ngoài tử cung trong một số trường hợp sau:
– Bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng nhiều, huyết động học và sức khỏe không ổn định.
– Khi siêu âm quan sát thấy khối thai to lên, có nhiều dịch trong ổ bụng.
– Chỉ số beta HCG vẫn tiếp tục tăng.
Những dấu hiệu này báo hiệu việc bệnh nhân không đáp ứng thuốc nội khoa. Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ buộc phải chỉ định bệnh nhân chuyển sang mổ nội soi hoặc mổ mở đường bụng.