Đẻ thường là mong muốn của rất nhiều mẹ bầu vì những lợi ích mà nó đem lại. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng đáp ứng đủ những điều kiện sức khỏe để có thể sinh thường. Với những mẹ đã từng sinh mổ, thắc mắc vẫn luôn thường trực đó là đẻ mổ rồi có đẻ thường được không?
Menu xem nhanh:
1. Đẻ mổ khác đẻ thường như thế nào?
Sinh thường là phương pháp sinh nở theo ngả âm đạo một cách tự nhiên. Khi cổ tử cung của mẹ mở rộng, thai nhi được đẩy ra ngoài theo đường âm đạo. Trước khi sinh, mẹ sẽ trải qua quá trình chuyển dạ từ từ. Cổ tử cung dần giãn ra và ngắn lại. Các cơn gò tử cung dồn dập, nhanh, mạnh và đều, giúp em bé dần dần được đẩy ra ngoài, di chuyển đến cửa âm đạo. Với tác động từ những cơn rặn của mẹ, em bé nhanh chóng chào đời.
Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, những cơn đau chuyển dạ đẻ thường trở nên “nhẹ nhàng” hơn nhờ phương pháp gây tê màng cứng. Thời gian của một ca đẻ thường, từ khi chuyển dạ tới khi em bé chào đời thường kéo dài khoảng 12 – 14 tiếng.
Khi đẻ thường, cả thai phụ và thai nhi đều nhận được những lợi ích nhất định. Đối với các mẹ, ưu điểm khi đẻ thường gồm:
– Thời gian phục hồi sau ca sinh ngắn hơn.
– Hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng sau đẻ.
– Mẹ được tiếp xúc với em bé từ sớm.
– Khả năng tiết sữa sớm hơn, cơn gò tử cung được diễn ra ổn định hơn, sản dịch được đẩy ra tốt hơn.
– Cơ thể nhanh chóng phục hồi, tử cung co hồi sớm.
Đối với thai nhi, việc được sinh ra qua ngả âm đạo của mẹ cũng giúp bé nhận được một vài lợi ích nhất định:
– Bé được sinh ra dần dần. Áp lực từ quá trình co bóp của tử cung sẽ dễ dàng làm nứt túi ối, giúp đẩy chất nhầy trong miệng, mũi và phổi của bé được đẩy ra ngoài, giúp hạn chế những vấn đề về hô hấp, kích thích phổi hoạt động ổn định và tốt hơn.
– Mẹ sinh thường, bé được bú mẹ sớm và thường xuyên hơn do mẹ không phải chịu những cơn đau sau mổ đẻ, ảnh hưởng đến việc cho con bú. Từ đó, sức khỏe của em bé cũng sẽ được ổn định từ sớm, đặc biệt là về hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch tự nhiên.
– Khi bé ra ngoài qua ngả âm đạo của mẹ, sẽ được tiếp xúc với hệ vi sinh vật ở âm đạo. Điều này sẽ kích thích hệ vi sinh vật ở đường ruột tốt hơn.
Khác với đẻ thường, đẻ mổ là phương pháp sinh nở có can thiệp phẫu thuật. Cụ thể, em bé sẽ được đưa ra ngoài qua đường rạch tại thành tử cung của người mẹ. Tiếp đó, bác sĩ cũng sẽ đưa nhau thai ra ngoài và vệ sinh tử cung cho mẹ. Nhờ thực hiện gây tê tủy sống trước sinh mà thai phụ hoàn toàn tỉnh táo trong cả quá trình diễn ra cuộc sinh, không cảm thấy đau hay khó chịu. Thai nhi sẽ được bác sĩ đưa ra ngoài qua vết mổ và thực hiện kẹp, cắt dây rốn. Cả quá trình sinh mổ chỉ mất khoảng 30 đến 45 phút thực hiện.
Sau khi đưa thai nhi và bánh nhau ra ngoài, xử lý sạch sẽ tử cung, thai phụ sẽ được bác sĩ khâu lại phần da rạch đẻ mổ. Sản phụ được theo dõi khoảng 6 tiếng sau sinh và được lưu viện để kiểm tra, chăm sóc vết mổ ổn định.
Dù không đem lại nhiều lợi ích như việc đẻ thường, nhưng những ưu điểm của phương pháp đẻ mổ cũng khiến nhiều mẹ bầu phải cân nhắc:
– Giúp các mẹ sinh nở dễ dàng, thuận lợi và an toàn hơn, đặc biệt với những trường hợp thai phụ gặp các vấn đề bệnh lý thai sản, biến chứng trong thai kỳ.
– Nếu mổ chủ động, sinh trước khi chuyển dạ, thai phụ sẽ không phải đối diện với cơn đau chuyển dạ.
– Bé được đưa ra ngoài qua đường rạch tại thành tử cung, vì vậy tránh được việc bị tổn thương khi chịu sức ép từ ngả âm đạo của mẹ.
– Với trường hợp thai nhi đang gặp những nguy cơ trong thai kỳ, việc sinh mổ giúp đảm bảo an toàn, hỗ trợ mẹ trong quá trình sinh để con có thể chào đời bình an.
Bên cạnh những ưu điểm thì sinh mổ và sinh thường cũng tồn tại nhiều nhược điểm. Khi sinh thường, người mẹ sẽ phải đối diện với cơn đau chuyển dạ, cơn co tử cung dữ dội, tổn thương tại tầng sinh môn và thậm chí bị trĩ sau sinh. Đối với thai nhi, trong quá trình đi qua âm đạo của mẹ, bé có thể bị chấn thương do kích thước vòng đầu to hơn khung chậu mẹ, dẫn đến tình trạng khó sinh.
Với trường hợp sinh mổ, nhược điểm cũng nhiều hơn. Thai phụ sinh mổ mất máu nhiều hơn sinh thường, phải thực hiện phẫu thuật nên thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Ngoài ra, sản phụ cũng phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng hậu sản, tình trạng tắc sữa và tăng nguy cơ gặp phải một vài biến chứng ở lần mang thai tiếp sau. Thai nhi cũng sẽ gặp một số nguy cơ nhất định khi mẹ đẻ mổ. Do không được chào đời qua ngả âm đạo của mẹ mà sẽ được bác sĩ đưa ra ngoài nhanh chóng qua đường rạch tại thành tử cung, bé dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp. Ngoài ra, hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ cũng sẽ không tốt bằng những trẻ sinh thường.
2. Thai phụ có thể đẻ thường sau lần đẻ mổ được không?
Như đã chia sẻ, sau sinh mổ, người phụ nữ cần một thời gian để phục hồi thể trạng, vết mổ hoàn toàn. Thời gian tối thiểu để các mẹ có thể mang thai, sinh con sau lần sinh mổ là từ 2 đến 3 năm. Vậy, qua khoảng thời gian đó, chị em có thể mang thai và đẻ thường được không?
2.1. Thai phụ đẻ mổ rồi có đẻ thường được không?
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa nhận định chị em có thể mang thai sau sinh mổ khi tử cung đã hoàn toàn phục hồi. Việc mang thai sớm, khi vết mổ chưa lành hẳn, tử cung chưa ổn định sẽ dẫn đến tình trạng sẹo mổ bị bục, thai làm tổ tại vết mổ đẻ cũ, vết mổ dính vào tử cung, các vấn đề về nhau thai,…
Ngoài ra, sau khi đã thực hiện sinh mổ, chị em cũng được bác sĩ Sản khoa khuyên nên đẻ mổ ở lần tiếp theo để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp ít ỏi có thể sinh thường sau đẻ mổ:
– Thai không quá lớn.
– Ngôi thai thuận ở những tuần cuối của thai kỳ và sau chuyển dạ.
– Khung chậu của mẹ đủ rộng và mẹ không mắc các bệnh lý phụ khoa như u xơ, u nang,… trong thai kỳ.
– Vết mổ đẻ cũ ổn định, hoàn toàn không gây biến chứng, không căng, đau hay nứt.
– Thai phụ mới chỉ sinh mổ 1 lần và lần sinh mổ đó cách lần mang thai hiện tại từ 2 đến 3 năm.
– Vết mổ đẻ cũ là đường mổ ngang.
2.2. Các mẹ đã đẻ mổ rồi có đẻ thường được không? Những trường hợp không thể sinh thường sau lần mổ lấy thai
Ngoài những trường hợp có thể sinh thường sau đẻ mổ, hầu hết chị em đều nên đẻ mổ ở lần tiếp theo để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những trường hợp:
– Mang thai khi vết mổ đẻ cũ chưa lành, nhất là những trường hợp mang thai, sinh con trong khoảng thời gian cách nhau chưa tới 18 tháng.
– Mẹ đã từng mổ đẻ 2 lần trở lên.
– Những trường hợp mang đa thai, song thai.
– Thai có trọng lượng lớn.
– Trường hợp mẹ và bé bất tương xứng đầu – chậu.
– Những trường hợp gặp biến chứng, bất thường trong thai kỳ.
Ngoài ra, việc quyết định sinh nở theo hướng nào còn phải phụ thuộc vào quá trình theo dõi, đánh giá thai kỳ của các mẹ bầu, tiền sử bệnh lý, quá trình sinh mổ trước đó ra sao,…
Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất, thai phụ nên lựa chọn những cơ sở y tế chuyên khoa có dịch vụ thai sản đầy đủ, uy tín, chất lượng. Thu Cúc TCI chính là địa chỉ được nhiều chị em tìm đến để thực hiện những ca sinh khó, thực hiện nguyện vọng sinh đẻ an toàn của bản thân.
Với dịch vụ Thai sản trọn gói, Thu Cúc TCI đã giúp hàng ngàn mẹ bầu có được ca sinh thuận lợi, “mẹ tròn, con vuông”. Với dịch vụ thăm khám, quản lý thai kỳ cẩn thận từ trước sinh, nhiệt tình, tận tâm trong quá trình sinh và chu đáo sau sinh, Thai sản trọn gói TCI trở thành dịch vụ đứng đầu khoa Sản, được rất nhiều mẹ bầu đánh giá tích cực, lựa chọn tin tưởng.
Đặc biệt, với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm, từng công tác nhiều năm trong lĩnh vực Sản phụ khoa, chị em sẽ được nghe những lời khuyên hữu ích, có được phương án sinh nở an toàn nhất. Đồng thời, chính các bác sĩ cũng sẽ phụ trách từng ca sinh để các mẹ thêm phần yên tâm.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc: “Đẻ mổ rồi có đẻ thường được không?” Hy vọng các mẹ bầu sẽ chú ý hơn trong việc theo dõi sức khỏe thai kỳ của bản thân, từ đó lựa chọn được phương pháp sinh nở an toàn nhất, thành công đón con yêu chào đời.