Phẫu thuật tật khúc xạ và những thông tin cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Minh Hải

Bác sĩ Chuyên khoa Mắt

Với sự phát triển của y học ngày nay, tật khúc xạ ở mắt hoàn toàn có thể điều trị bằng cách thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể thực hiện phẫu thuật tật khúc xạ. Tham khảo ngay những thông tin về phẫu thuật điều trị tật khúc xạ trong bài viết dưới đây nhé!

1. Tật khúc xạ là gì và đối tượng nên thực hiện phẫu thuật tật khúc xạ

1.1. Tìm hiểu về tật khúc xạ

Tật khúc xạ là thuật ngữ mô tả các rối loạn ở mắt, khiến thị lực bị ảnh hưởng. Nhiều người thường lầm tưởng tật khúc xạ là cận thị. Tuy nhiên, tật khúc xạ được chia thành nhiều loại khác nhau và cận thị là một loại tật khúc xạ. Dựa vào những bất thường về kích thước và hình dạng giác mạc, có bốn loại tật khúc xạ khác nhau phổ biến bao gồm:

– Cận thị: Hiện tượng nhìn gần rõ, nhìn xa mờ do giác mạc quá cong khiến tiêu điểm nằm trước võng mạc. Đây là tật khúc xạ phổ biến nhất ở người trẻ.

Viễn thị: Hiện tượng mắt nhìn gần không rõ nhưng nhìn rõ những vật ở xa. Đây là hiện tượng giác mạc hoặc thể thủy tinh quá dẹt khiến tiêu điểm nằm sau võng mạc.

– Loạn thị: Do bề mặt giác mạc không cong đều dẫn đến hội tụ thành nhiều tiêu điểm trên võng mạc. Người loạn thị sẽ nhìn mờ nhòe ở mọi khoảng cách, thấy bóng mờ hoặc nhìn hình đôi, hình ba. Loạn thị thường đi kèm cùng tật cận thị hoặc viễn thị.

Lão thị: Đây là hiện tượng mắt nhìn mờ do giác mạc lão hóa, trở nên cứng dần, không thể điều tiết giác mạc cong lên hay dẹt xuống như bình thường. Tật khúc xạ này khá giống viễn thị, tuy nhiên nguyên nhân gây ra khác nhau. Lão thị không thể phòng tránh và ngăn ngừa được do xuất phát từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Tật khúc xạ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, dân văn phòng và những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Nhóm đối tượng này thường mắt tật khúc xạ chủ yếu do thói quen sinh hoạt không hợp lý: ngồi sai tư thế, đọc sách báo trong điều kiện thiếu ánh sáng, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều,…

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng gây ra tật khúc xạ ở mắt, nhưng chiếm tỉ lệ không nhiều. Nếu cả bố và mẹ đều mắc tật khúc xạ thì con cái có khả năng cao cũng sẽ mắc phải tật khúc xạ. Hoặc một vài nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tật khúc xạ như: lão hóa thủy tinh thể, tổn thương do chấn thương mắt, tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng mạnh, vệ sinh mắt sai cách,…

Nguyên nhân gây tật khúc xạ ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tật khúc xạ là do ngồi sai tư thế, thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử

1.2. Đối tượng nào nên phẫu thuật tật khúc xạ?

Đa số các phương pháp phẫu thuật khúc xạ đều an toàn và được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên người thực hiện cần đạt đủ các tiêu chuẩn về độ tuổi và tùy theo tình trạng mắt. Các điều kiện phẫu thuật cần đáp ứng bao gồm:

– Độ cận: Độ cận thích hợp để thực hiện phẫu thuật là trong khoảng từ 4 đến 10 độ. Ngoài ra, trong vòng 1 năm mắt không thay đổi độ cận quá 0.75 độ mới có thể mổ.

– Độ tuổi: Thông thường bác sĩ khuyến nghị không nên thực hiện phẫu thuật quá sớm mà nên đợi khi đủ 18 tuổi. Vì lúc này độ khúc xạ đã ổn định, đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật và hạn chế khả năng tái cận sau khi mở.

– Độ dày giác mạc: Giác mạc cần phải đạt độ dày phù hợp để thực hiện mổ.

– Không mắc các bệnh lý khác ở mắt, đang không mang thai hoặc cho con bú, giác mạc ở hình dạng bình thường,…

1.3 Trước khi phẫu thuật tật khúc xạ cần lưu ý gì?

– Đi khám mắt trước khi phẫu thuật để bác sĩ đánh giá tình trạng tật khúc xạ của bạn ở thời điểm hiện tại, bao gồm: độ cận, tình trạng giác mạc,… Sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đưa là lời khuyên có nên thực hiện phẫu thuật hay không và thời điểm nào nên thực hiện. Không phải tất cả bệnh nhân đều có thể mổ điều trị tật khúc xạ và không phải phẫu thuật xong là mắt đảm bảo hết tật khúc xạ hoàn toàn. Tốt nhất, bạn hãy thăm khám, kiểm tra kỹ và nghe tư vấn của bác sĩ trước khi lựa chọn phẫu thuật.

– Nếu được bác sĩ tư vấn có thể phẫu thuật, bạn cần lưu ý ngừng sử dụng kính áp tròng mềm ít nhất 3 ngày trước khi phẫu thuật.

– Không trang điểm khi thực hiện phẫu thuật.

– Không sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích trước khi phẫu thuật mắt.

Phẫu thuật tật khúc xạ là cách điều trị tật khúc xạ vĩnh viễn

Cần thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật

2. Điều trị tật khúc xạ bằng công nghệ Laser

Phẫu thuật tật khúc xạ bằng laser là phương pháp hiện đại và nhanh chóng hiện nay. Phương pháp laser giúp điều chỉnh tật khúc xạ vĩnh viễn bằng cách thay đổi độ cong của giác mạc, cải thiện tầm nhìn và độ rõ của ảnh.

Phẫu thuật bằng laser chỉ cần thực hiện một lần là có thể phục hồi thị lực như ban đầu mà vô cùng nhẹ nhàng, nhanh chóng. Tuy nhiên tùy cơ địa và lối sinh hoạt mà khả năng tái bệnh của mỗi người cũng khác nhau. Do vậy, sau phẫu thuật, hãy thăm khám mắt định kỳ cũng như điều chỉnh thói quen sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử để tránh mắc lại tật khúc xạ.

3. Giới thiệu về Ortho K – Phương pháp điều trị tật khúc xạ tạm thời không cần phẫu thuật

Ortho K là loại kính áp tròng cứng, được thiết kế đặc biệt để đeo khi đi ngủ. Sau khoảng 6 – 8 tiếng đeo vào ban đêm, người bị tật khúc xạ có thể nhìn rõ mọi vật xung quanh mà không cần đeo loại kính nào khác.

Kính Ortho K rất hữu dụng trong việc hỗ trợ làm chậm tiến trình tăng độ cận ở trẻ em. Đây cũng là giải pháp hiệu quả điều trị khúc xạ mắt cho các đối tượng chưa đủ tuổi hay điều kiện để phẫu thuật. Tuy chỉ có thể duy trì thị lực ổn định trong một thời gian ngắn nhưng kính Ortho K mang lại hiệu quả duy trì và giảm độ cận. Trước khi sử dụng phương pháp Ortho K, người bệnh cần thăm khám, kiểm tra mắt để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn chi tiết để đảm bảo sử dụng đúng cách và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Kính Ortho K là phương pháp điều trị tật khúc xạ không cần phẫu thuật

Sử dụng kính Ortho K giúp hỗ trợ làm chậm tiến trình tăng độ cận ở trẻ em

Tóm lại, có rất nhiều phương pháp có thể khắc phục tạm thời hoặc vĩnh viễn tật khúc xạ. Bác sĩ khuyến nghị mọi người hãy đi khám mắt định kỳ, đặc biệt là những người đã mắc tật khúc xạ để kịp thời theo dõi thị lực.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital