Phân biệt các triệu chứng suy hô hấp cấp và mạn tính

Suy hô hấp là tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng, xảy ra khi phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể hoặc không loại bỏ được khí CO₂ hiệu quả. Việc nhận biết đúng triệu chứng suy hô hấp cấp và mạn tính là điều quan trọng giúp chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hạn chế biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt rõ ràng hai thể suy hô hấp này qua các dấu hiệu điển hình, từ đó chủ động hơn trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe hô hấp.

1. Suy hô hấp là gì?

Suy hô hấp là tình trạng chức năng phổi bị suy giảm, dẫn đến việc cơ thể không nhận đủ oxy hoặc không thể loại bỏ lượng carbon dioxide (CO₂) dư thừa. Sự mất cân bằng này gây giảm oxy trong máu động mạch (PaO₂), làm gián đoạn quá trình cung cấp oxy đến các cơ quan, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sống của cơ thể.

Về lâm sàng, suy hô hấp được chia thành hai thể chính: suy hô hấp cấp và suy hô hấp mạn tính. Tuy nhiên, khi nói đến suy hô hấp trong bối cảnh cấp cứu, thuật ngữ này thường dùng để chỉ suy hô hấp cấp – tình trạng diễn biến nhanh chóng và cần can thiệp khẩn cấp.

Suy hô hấp là tình trạng chức năng phổi bị suy giảm

Suy hô hấp là tình trạng chức năng phổi bị suy giảm

2. Nguyên nhân suy hô hấp

Suy hô hấp cấp có thể do nguyên nhân tại phổi hoặc ngoài phổi, ảnh hưởng đến khả năng trao đổi khí và duy trì oxy máu.

2.1. Nguyên nhân tại phổi

– Các tổn thương tại phổi làm cản trở quá trình oxy hóa máu hoặc loại bỏ CO₂:

– Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: như viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi, xơ phổi…

– Phù phổi cấp: do suy tim hoặc tổn thương màng phế nang – mao mạch.

Hen phế quản: đặc biệt trong cơn hen nặng gây co thắt đường thở nghiêm trọng.

– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): trong đợt cấp có thể gây giữ CO₂ và giảm oxy máu.

– Tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi: làm xẹp phổi hoặc hạn chế giãn nở phổi.

2.2. Nguyên nhân ngoài phổi

Những yếu tố không liên quan trực tiếp đến nhu mô phổi nhưng ảnh hưởng đến khả năng thông khí:

– Tổn thương hệ thần kinh trung ương: như chấn thương sọ não, đột quỵ… làm suy giảm điều khiển trung tâm hô hấp.

– Tổn thương cơ hô hấp, thường do: Viêm sừng trước tủy sống, hội chứng Guillain-Barré (liệt mềm cấp kiểu Landry), uốn ván, rắn cắn, ngộ độc phospho hữu cơ.

– Chấn thương lồng ngực: gây gãy xương sườn, tổn thương màng phổi hoặc phổi.

– Tắc nghẽn đường thở trên (thanh – khí quản): do khối u thanh quản, bướu giáp chìm, u thực quản chèn ép.

3. Phân biệt triệu chứng suy hô hấp cấp và mạn

3.1. Triệu chứng suy hô hấp cấp

Khi nguyên nhân là do thiếu oxy máu, người bệnh thường có các dấu hiệu sau:

– Cảm thấy mệt mỏi rõ rệt, dễ kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày.

– Khó thở, có cảm giác hụt hơi, không đủ không khí để hít vào.

– Buồn ngủ liên tục hoặc giảm mức độ tỉnh táo.

– Da, môi và đầu chi (ngón tay, ngón chân) trở nên nhợt nhạt hoặc tím tái do thiếu oxy mô.

Khi nguyên nhân do tăng CO₂ trong máu, người bệnh có thể biểu hiện:

– Mắt bị suy yếu và có thể bị mất thị lực tạm thời.

– Đau đầu, chóng mặt, lú lẫn hoặc thay đổi hành vi.

– Nhịp tim thường xuyên tăng lên và thở nhanh.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện đồng thời các triệu chứng của cả thiếu oxy và tăng CO₂, làm tình trạng suy hô hấp thêm nghiêm trọng và cần được xử trí cấp cứu kịp thời.

Triệu chứng suy hô hấp

Triệu chứng suy hô hấp cấp có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân nền

3.2. Triệu chứng suy hô hấp mạn

Suy hô hấp là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong đó, suy hô hấp mạn tính thường phát sinh do các bệnh lý nền kéo dài thuộc hệ tim mạch, hô hấp hoặc thần kinh và không được kiểm soát hiệu quả.

Khác với suy hô hấp cấp, suy hô hấp mạn tính tiến triển từ từ theo thời gian. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không nhận thấy biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng chỉ được phát hiện khi chú ý kỹ hoặc qua thăm khám y tế.

Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng điển hình như:

– Khó thở, thở dốc, đặc biệt khi gắng sức.

– Thở nhanh, nông hoặc ngược lại rất chậm.

– Thở ko đều, bị hụt hơi.

– Màu da, móng tay và môi trở nên tím hoặc xanh nhẹ do thiếu oxy.

– Ho tần suất dày đặc.

– Stress.

– Thường xuyên đau đầu.

Suy hô hấp mạn tính nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nặng như: rối loạn nhịp tim, ngừng thở, thậm chí hôn mê. Do đó, việc nhận biết sớm và điều trị tích cực là điều vô cùng cần thiết để kiểm soát tình trạng này và bảo vệ sức khỏe lâu dài.

4. Khuyến nghị chăm sóc và phòng ngừa tái phát suy hô hấp

Người bệnh cần điều chỉnh lối sống và sinh hoạt để hạn chế triệu chứng khó thở cũng như ngăn ngừa biến chứng:

– Thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách từ tốn, tránh gắng sức đột ngột để không làm trầm trọng thêm tình trạng khó thở.

– Nên ngừng việc hút thuốc lá.

– Tránh xa các chất kích thích như rượu bia và các chất gây hại cho phổi.

– Tuân thủ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh đường hô hấp như cúm mùa, phế cầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú, khi có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

– Duy trì lối sống lành mạnh: ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tập luyện thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng hợp lý, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái để nâng cao sức đề kháng.

Nên duy trì lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa bệnh suy hô hấp

Nên duy trì lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa bệnh suy hô hấp

Việc phân biệt triệu chứng suy hô hấp cấp và mạn tính có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Nếu suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, cần cấp cứu ngay thì suy hô hấp mạn tính lại âm thầm nhưng ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường, tuân thủ điều trị và thực hiện lối sống lành mạnh để bảo vệ chức năng hô hấp và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital