Viêm phế quản tình trạng niêm mạc của các phế quản trong phổi bị viêm. Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dày lên đồng thời làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ho và có thể kèm theo đờm (đàm) đặc. Khi trẻ bị viêm phế quản cần có những biện pháp xử trí kịp thời, tránh để tình trạng bệnh nặng hơn.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu cần đưa trẻ đi nhập viện sớm
Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng: suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi,…. Ngoài ra, các trường hợp viêm phế quản nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà.
2. Chăm sóc tại nhà
Tiếp tục cho trẻ ăn uống đầy đủ. Cần bổ sung nhiều nước cho trẻ để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Bạn có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ mắc hen sau này. Bên cạnh đó, bạn cần đưa bé đi tái khám đúng hẹn của bác sĩ.
3. Chăm sóc tại bệnh viện
Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi nhập viện, các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Có thể bác sĩ sẽ dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như ventolin, bricanyl, salbutamol. Đồng thời kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh cần phải bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Bên cạnh đó cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất và cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh.
Đối với những trường hợp nặng, có dấu hiệu suy hô hấp cần phải sử dụng liệu pháp oxygen, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt. Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp ở trẻ thì phải tiến hành đặt nội khí quản cũng như các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Lưu ý, chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steroid cho trẻ.