Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng và thường đến từ việc thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt không đúng cách. Người mắc rối loạn tiêu hóa thường có cảm giác khó chịu, ăn uống kiêng khem, sức khỏe giảm sút,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân và được chia thành 2 loại bao gồm nguyên nhân ngoài bệnh lý và nguyên nhân bệnh lý. Cụ thể như sau:
1.1. Nguyên nhân ngoài bệnh lý
Có nhiều tác nhân trong cuộc sống hoặc đến từ thói quen, lối sống của người bệnh dẫn tới rối loạn tiêu hóa như:
– Chế độ ăn uống không khoa học: Ăn uống thất thường, ăn quá nhiều đồ dầu mỡ chiên rán, ăn đồ ăn không hợp vệ sinh, mất cân bằng dinh dưỡng,…
– Uống nhiều bia, rượu: Việc uống nhiều rượu bia lâu ngày sẽ khiến cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa và đồng thời dẫn đến hệ quả là mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột làm ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa.
– Lạm dụng thuốc kháng sinh cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Làm gia tăng tình trạng tiêu chảy.
– Stress kéo dài: Stress nặng gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu ở ruột, làm gián đoạn chức năng co bóp của dạ dày.
– Một số tác nhân khác như lười vận động, thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường sống,…
1.2. Nguyên nhân do bệnh lý
Một số bệnh lý gây ra các triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa như đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và nôn, đi phân lỏng hoặc táo bón,… bao gồm:
– Bệnh lý dạ dày, tá tràng (viêm hoặc loét).
– Viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt.
– Viêm ruột thừa cấp tính.
– Bệnh sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản hoặc sỏi bàng quang).
– Một số bệnh gây viêm ruột cấp tính như bệnh tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, ngộ độc thực phẩm…
– Bệnh lý ngoài đường tiêu hóa như thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn ốc tiền đình.
2. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa gặp phải
2.1. Đau bụng là triệu chứng rối loạn tiêu hóa đầu tiên
Đau bụng có thể là triệu chứng của rất nhiều các bệnh khác nhau. Tuy nhiên, người bị rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện các cơn đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo mức độ của bệnh. Những cơn đau thường xuất hiện ở bên trái vùng bụng hoặc ở những vị trí khác quanh vùng bụng. Cơn đau có thể xuất hiện từng cơn, đau nhói như dao cắt, đau nhẹ âm ỉ hoặc đau lâm râm.
2.2. Bụng bị đầy hơi
Triệu chứng thứ hai của rối loạn tiêu hóa là bụng bị đầy hơi. Đầy hơi khiến bạn thường xuyên có cảm giác bụng bị căng ra như vừa ăn no, ậm ạch và khó chịu mặc dù không ăn uống gì nhiều. Kèm với đó là các dấu hiệu như ợ chua, ợ hơi như người đau dạ dày. Hay đi trung tiện, miệng hôi và ợ chua rất khó chịu
2.3. Đi ngoài bị táo bón, tiêu chảy, kiết lỵ
Rối loạn tiêu hóa khi mắc bệnh lâu ngày mà không có biện pháp chữa trị sẽ dẫn đến hiện tượng đi ngoài, táo bón hoặc tiêu chảy, thậm chí cũng có thể là kiết lỵ nhưng phổ biến là bị tiêu chảy. Khi đó người bệnh dễ bị mất nước và chất điện giải, háo nước. Cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi không muốn hoạt động nhiều. Khi đến giai đoạn này tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ ngay để điều trị kịp thời.
2.4. Buồn nôn hoặc nôn mửa cũng là triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Nôn mửa cũng là triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Khi bộ phận tiêu hóa hoạt động không tốt, thức ăn sau khi nạp vào cơ thể không được hấp thụ kèm theo những phản ứng với các loại men trong đường ruột dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, người bệnh bị trào ngược thức ăn lên trên dẫn đến tình trạng nôn mửa.
3. Xử lý đúng cách khi gặp phải rối loạn tiêu hóa
Quá trình xử lý rối loạn hệ tiêu hóa sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ rối loạn cụ thể hoặc dựa trên kết quả chẩn đoán bệnh cùng nguyên nhân gây bệnh… Tuy nhiên, nhìn chung, đối với trường hợp này, người bị rối loạn tiêu hóa có thể sẽ được khuyên thực hiện xử lý theo một số phương pháp sau:
Với trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ, các triệu chứng nhẹ:
– Nghỉ ngơi và nên uống nhiều nước.
– Ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và có lợi cho hệ tiêu hóa
– Kiêng các loại thực phẩm khó tiêu chứa nhiều dầu mỡ, gia vị, bơ sữa…
– Có thể dùng các loại thuốc không kê đơn giúp làm giảm triệu chứng như thuốc nhuận tràng, thuốc trị táo bón, men tiêu hóa,…
Với trường hợp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài và có xu hướng trở nặng:
– Người bệnh cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
– Sử dụng đúng loại thuốc kê đơn theo chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng, giải quyết đúng tâm bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Như vậy, triệu chứng rối loạn tiêu hóa rất đa dạng và cần tìm hiểu đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý đúng cách. Với trường hợp rối loạn tiêu hóa đến từ nguyên nhân bệnh lý, người bệnh cần tiến hành thăm khám sớm để được điều trị tận cùng căn nguyên theo phác đồ được bác sĩ chỉ định.