Hẹp động mạch vành là một trong những nguyên nhân ra tình trạng đau thắt ngực. Nhưng đó chưa phải tất cả. Hãy cũng theo dõi bài viết dưới đây để nắm được những nguy cơ khôn lường từ bệnh hẹp mạch vành và cách ngăn ngừa hiệu quả nhé.
Menu xem nhanh:
1. Hẹp động mạch vành là hiện tượng gì?
Hẹp động mạch vành là tình trạng giảm diện tích lòng mạch khiến máu lưu thông qua động mạch vành một cách khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do sự tích tụ và phát triển của các mảng bám trên thành mạch. Các mảng bám được hình thành bởi quá trình lắng đọng của cholesterol, canxi và các chất khác trong máu.
2. Hẹp mạch vành có nguy hiểm không?
Hẹp mạch vành có nguy hiểm không còn phải phụ thuộc vào vị trí và mức độ tắc hẹp. Hệ thống động mạch vành có 2 nhánh chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái. Động mạch vành trái lại bao gồm thân chung động mạch vành trái, động mạch liên thất trước, động mạch mũ.
Trường hợp tắc hẹp chỉ xảy ra ở một hoặc một vài động mạch nhỏ thì không cần quá lo lắng. Nhưng nếu vị trí hẹp tại các động mạch lớn thì người bệnh cần theo dõi sát sao hơn.
Nếu hẹp 50% một nhánh động mạch vành không phải thân chung động mạch vành trái khi chụp động mạch vành thì thường chưa gây nguy hiểm tới sức khỏe. Nhưng nếu hẹp 50% động mạch vành thân chung thì bạn cần hết sức lưu ý.
3. Hẹp mạch vành tiềm ẩn những nguy cơ gì?
Khi các mảng bám mới hình thành thường vẫn còn nhỏ và mềm, chưa gây ảnh hưởng đến sự đàn hồi của thành mạch thì hầu như chưa gây nguy hiểm, thậm chí người bệnh không cảm thấy bất cứ triệu chứng gì.
Nhưng khi các mảng bám đã phát triển, xơ cứng làm giảm sự đàn hồi của mạch máu thì người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng khó chịu, có nguy cơ đối mặt với nhiều biến cố nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim,…
3.1 Các triệu chứng khó chịu do hẹp động mạch vành gây ra
Điển hình là những cơn đau thắt ngực khiến bệnh nhân có cảm giác đè nén, nặng ngực, nóng rát ở giữa ngực hoặc vùng ngực phía bên trái. Cơn đau ngực có thể đau lan ra cổ, hàm, vai và cánh tay.
Những cơn đau này thường kéo dài từ vài giây đến nhiều giờ. Cơn đau có thể chỉ xảy ra khi người bệnh gắng sức và thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi, được gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Nhưng cũng có thể bệnh nhân bị đau ngực ngay cả khi nằm nghỉ, hay còn gọi là đau thắt ngực không ổn định.
Bên cạnh đau thắt ngực, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như:
– Khó thở
– Mệt mỏi
– Đầy bụng, khó tiêu
– Buồn nôn
…
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể không có triệu chứng đau ngực cũng như bất cứ dấu hiệu nào khác, được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng.
3.2 Các biến cố cấp tính do hẹp động mạch vành
– Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành. Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi một động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn do sự nứt vỡ cả các mảng xơ vữa và sự hình thành cục máu đông.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm cơn nhồi máu cơ tim là: người bệnh đột nhiên bị mệt, lo lắng, bồn chồn; khó thở bất thường; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn; buồn đi đại tiện; khó chịu ở cổ, hàm, vai và cánh tay. Nếu cảm thấy cơn đau ngực dữ dội kéo dài hơn 15 phút, đã dùng thuốc mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì người bệnh nên được đưa đi cấp cứu ngay vì rất có thể cơn nhồi máu cơ tim đã xảy ra.
– Đột quỵ não
Nếu các cục máu đông theo mạch máu di chuyển lên não, người bệnh có thể bị tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ.
Đây là tình trạng cấp tính cực kỳ nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Nếu được cứu sống, người bệnh cũng phải đối mặt với nguy cơ tàn phế rất cao.
Khi thấy các dấu hiệu như yếu liệt tay chân, tê mặt, khó khăn trong việc vận động, nói chuyện, giảm thị lực, choáng ngất,… thì bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay.
– Đột tử
Tình trạng nghẽn hẹp mạch vành có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Trong nhiều trường hợp, hệ thống điện tim có thể bị ngưng trệ đột ngột, gây đột tử và tử vong.
Ngoài các trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể phải đối mặt với các nguy cơ khác, đặc biệt là suy tim. Do tim tình trạng thiếu máu trong một thời gian dài, phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp lượng máu thiếu hụt nên ngày càng suy yếu và giảm khả năng bơm máu.
4. Làm thế nào để phòng ngừa những nguy cơ trên
Để cải thiện tình trạng bệnh cũng như ngăn ngừa các biến cố có thể xảy ra, bệnh nhân bị hẹp động mạch vành cần được theo dõi và điều trị tích cực bằng các biện pháp:
– Sử dụng thuốc làm giảm các triệu chứng
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh mạch vành thường bao gồm thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống tập kết tiểu cầu… Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo. Để sử dụng thuốc một cách phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, hạn chế các tác dụng phụ thì bạn nên đi khám chuyên khoa tim mạch và thực hiện theo phác đồ của các bác sĩ.
Trong những trường hợp bệnh tiến triển nặng, tắc hẹp trên 70%, các triệu chứng tăng nặng mà điều trị nội khoa không đáp ứng được thì bệnh nhân có thể được chỉ định các biện pháp nhằm khai thông mạch vành, giúp dòng máu có thể di chuyển dễ dàng hơn trong lòng mạch.
– Thay đổi lối sống
Bên cạnh việc dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm: chế độ ăn ít muối, hạn chế chất béo, nhiều rau xanh; chế độ sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, tránh căng thẳng với công việc, cuộc sống; tập luyện thường xuyên các môn thể thao vừa sức.
Tóm lại, hẹp động mạch vành là một tình trạng không thể xem thường vì nó có thể dẫn tới những biến cố nguy hiểm cho người bệnh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, suy tim. Để cải thiện tình trạng này và ngăn ngừa các biến chứng, bạn cần đến các chuyên khoa tim mạch để được theo dõi và điều trị bệnh một cách hiệu quả.