Dấu hiệu bệnh tim ở giai đoạn đầu ai cũng nên biết

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Hầu hết những người mắc bệnh tim mạch đều ít hoặc không có triệu chứng khi mới mắc bệnh. Cũng bởi vậy mà việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, dù mơ hồ, bệnh tim ở giai đoạn đầu cũng có những dấu hiệu cảnh báo. Những dấu hiệu đó biểu hiện đa dạng, khác nhau ở mỗi người bệnh, nhưng nếu biết “lắng nghe cơ thể” bạn vẫn có thể nhận ra, giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch. 

1. Vì sao bệnh tim mạch ít biểu hiện ở giai đoạn đầu?

Hệ tim mạch có vai trò quan trọng trong việc tạo máu nuôi dưỡng chính trái tim và đưa máu đi nuôi khắp cơ thể. Khi trái tim và hệ thống mạch máu gặp những bất về cấu trúc và chức năng thì các cơ quan trong cơ thể cũng không thể hoạt động bình thường. 

Tuy nhiên ở giai đoạn đầu của hầu hết các bệnh lý tim mạch, bệnh nhân đều ít hoặc không biểu hiện triệu chứng. Nếu có thường là những dấu hiệu rất mơ hồ. Điều này có thể khiến người bệnh chủ quan bỏ qua, khiến việc phát hiện bệnh trở nên chậm trễ. 

Nguyên nhân là do ở giai đoạn đầu của bệnh tim mạch, các tổn thương ở tim chưa nhiều, trái tim vẫn có thể cố gắng làm việc nhiều hơn, bù trừ vào những phần thiếu hụt do tổn thương gây ra. Do đó nhu cầu cung cấp máu và oxy của tim cũng như của cả cơ thể vẫn được đáp ứng. Các cơ quan vẫn đảm bảo hoạt động nên ít gây các triệu chứng tại tim cũng như các cơ quan khác. 

Vì sao bệnh tim ít biểu hiện ở giai đoạn đầu?

Các triệu chứng tim mạch thường ít biểu hiện ở giai đoạn đầu do các tổn thương vẫn chưa gây ảnh hưởng nhiều đến tim, tim vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng máu đi nuôi cơ thể.

2. Các triệu chứng bệnh tim ở giai đoạn đầu thường gặp

2.1 Khó thở

Cảm giác khó thở ở bệnh nhân mắc bệnh tim giai đoạn đầu thường xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.

2.2 Đau, tức, đè nặng ngực

Cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực là triệu chứng thường gặp ở  các bệnh nhân tim mạch. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn. Ở giai đoạn đầu, các cơn đau thường rất nhẹ, thoáng qua rồi biến mất.

2.3 Sưng phù

Chức năng tim mạch bị rối loạn, tăng huyết áp có thể khiến cơ thể bị tích nước, gây căng phù ở mặt, bàn chân. Triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm. Dấu hiệu này thường bắt đầu từ hai bàn chân, khi bệnh nặng hơn có thể kèm theo gan to, tĩnh mạch cổ nổi.

2.4 Mệt mỏi là triệu chứng bệnh tim ở giai đoạn đầu mà nhiều người bỏ qua

Các bất thường về cấu trúc hoặc chức năng tim mạch, đặc biệt là tình trạng thiếu máu đến tim, não và phổi có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí khi bệnh nặng, nhiều người có thể cảm thấy kiệt sức ngay cả khi thực hiện các hoạt động thường ngày. 

Các triệu chứng bệnh tim ở giai đoạn đầu

Các biểu hiện đau ngực, mệt mỏi, chán ăn,… dù mơ hồ nhưng đều có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

2.5 Ho dai dẳng, thở khò khè

Khi tim không đủ sức bơm máu cung cấp cho cơ thể, máu có thể bị ứ lại tại phổi. Lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.

2.6. Chán ăn, buồn nôn

Nếu dịch ứ lại trong gan hay hệ thống tiêu hóa, người có thể cảm thấy chán ăn và buồn nôn. Đặc biệt là sau các bữa ăn no do hệ tiêu hóa bị thiếu năng lượng.

2.7 Đi tiểu đêm thường xuyên

Đi tiểu đêm nhiều có thể khiến người bệnh nghĩ đến các bệnh lý về thận. Tuy nhiên nhiều người bệnh suy tim cũng gặp hiện tượng này vào ban đêm do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể. Cùng với đó là hiện tượng phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu. Hiện tượng này thường không mấy rõ ràng ở giai đoạn đầu của bệnh tim.

2.8 Rối loạn nhịp tim 

Nhịp tim nhanh, mạch không đều, đánh trống ngực hoặc tim đập dồn dập có thể là những biểu hiện của bệnh tim mạch. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể thở nhanh, lo lắng, đổ mồ hôi tay.

2.9 Chóng mặt, ngất xỉu

Triệu chứng có thể gặp ở những người bệnh bị rối loạn nhịp tim,hoặc bị thiếu máu đến não. Hiện tượng ngất xỉu thường ít xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh tim giai đoạn đầu. Tình trạng chóng mặt cũng thường chỉ thoáng qua.

3. Làm thế nào để không bỏ qua các dấu hiệu “chỉ điểm”?

3.1 “Lắng nghe” cơ thể để phát hiện sớm bệnh tim ở giai đoạn đầu

Rất nhiều người mắc bệnh tim phát hiện muộn vì lơ là những dấu hiệu nhỏ. Đôi khi họ thấy cơn đau ngực xuất hiện rồi tự biến mất và nghĩ rằng mình không sao. Đôi khi thấy mệt mỏi, họ nghĩ do mình làm việc quá sức, chỉ cần nghỉ ngơi là được. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể làm cho những tổn thương ở tim ngày càng tích tụ và tăng nguy cơ xảy ra các biến cố. Vì vây, cần “lắng nghe” cơ thể nhiều hơn, quan tâm đến sức khỏe một cách nghiêm túc hơn.

3.2 Thăm khám thường xuyên 

Người bình thường nên thăm khám cứ 6 tháng – 1 năm/lần. Việc này sẽ giúp kiểm tra sức khỏe tổng thể, tìm kiếm những dấu hiệu bệnh tật, đặc biệt là ở những bệnh lý ít biểu hiện sớm như bệnh lý tim mạch. Đối với những người được chẩn đón mắc bệnh tim, thời gian thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

3.3 Khám sớm khi có triệu chứng 

Nhiều người bệnh ngay cả khi nhận thấy những triệu chứng chỉ điểm cũng rất chủ quan không chịu đi khám, đặc biệt là những người trẻ tuổi vì họ nghĩ rằng bản thân còn trẻ, khỏe, tự chống lại được bệnh tật hoặc các triệu chứng mình gặp phải không nghiêm trọng, nghỉ ngơi sẽ tự hết. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh tim mạch khó được phát hiện sớm, dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Chẩn đoán bệnh tim mạch giai đoạn đầu

Để chẩn đoán chính xác các bệnh tim mạch từ giai đoạn đầu, bạn cần đi khám tại chuyên khoa tim mạch uy tín.

4. Cách phòng tránh bệnh tim mạch 

Để phòng tránh các bệnh lý tim mạch gây ảnh hưởng đến cơ thể, bạn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý. Bởi đây là những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim. 

4.1 Về chế độ ăn

Nên thực hiện ăn nhạt, hạn chế các món chiên xào, nhiều dầu mỡ và các chất béo có hại. Bổ sung các loại cá, rau xanh và hoa quả. Hạn chế uống bia rượu, các loại chất kích thích,…

4.2 Về chế độ sinh hoạt

Ăn ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya, căng thẳng vì có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp,…

4.3 Về chế độ tập luyện

Nên tập luyện thường xuyên những bộ môn yêu thích. Chú ý theo dõi khi tập. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đau ngực, khó thở khi gắng sức, cần tạm nghĩ và theo dõi. Nếu bạn đã nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hoặc cơn đau giảm khi nghỉ nhưng tình trạng đó thường xuyên lặp lại thì cần nghĩ đến các vấn đề tim mạch và đi khám sớm. 

Trên đây là những dấu hiệu bệnh tim ở giai đoạn đầu và những thông tin liên quan giúp bạn có thể nhận biết sớm bệnh tim mạch cũng như phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả. Điều bạn cần làm là thực hiện lối sống lành mạnh và luôn lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện ngay khi xuất hiện các bất thường. Đó là yếu tố quan trọng để ngăn chặn những nguy hiểm do các bệnh lý tim mạch gây ra. Lưu ý, các thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo và không thể thay thế các chẩn đoán y khoa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital