Những nguy cơ khi bị đau răng hàm dưới

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Bác sĩ Răng Hàm Mặt

Răng và nướu bị đau là cảnh báo của nhiều tình trạng răng miệng khác nhau. Điển hình như với răng hàm dưới, việc đau nhức không chỉ gây khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều nguy cơ bệnh lý. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những nguy cơ khi bị đau răng hàm dưới và cách xử lý để duy trì một hàm răng khỏe mạnh.

1. Tìm hiểu những chiếc răng hàm dưới

1.1 Cấu tạo của răng hàm dưới

Cấu trúc của răng hàm tương tự như các chiếc răng khác trên cung hàm. Răng bao gồm các phần cụ thể sau:

– Men răng: Đây là lớp phủ bên ngoài của thân răng. Chúng thường rất cứng và chứa nhiều khoáng chất. Tuy nhiên, men răng không có dây thần kinh và không thể tái tạo khi hư hại.

– Ngà răng: Phần ngà răng là lớp cứng chiếm phần lớn thể tích của răng. Chúng được bao phủ bởi men răng. Mặc dù không cứng như men răng nhưng ngà răng có tính đàn hồi và không dễ vỡ. Trong ngà răng chứa ống tủy và các buồng ống tủy.

– Tủy răng: Bộ phận này nằm trong khoang tủy. Chúng bao gồm mạch máu, bạch mạch và dây thần kinh. Mạch máu của tủy răng dễ bị xung huyết trong trường hợp viêm tủy. Điều này có thể gây hoại tử nếu không được điều trị kịp thời. Tủy răng gồm buồng tủy và hệ thống ống tủy, chịu trách nhiệm dẫn truyền thần kinh và cung cấp dưỡng chất cho răng.

1.2 Chức năng của răng hàm dưới

Răng đóng vai trò quan trọng với ba chức năng cơ bản sau:

– Chức năng ăn nhai: Răng là bộ phận chính trong quá trình nhai thức ăn. Chúng giúp cắn, xé và nghiền thức ăn thành các mẩu nhỏ trước khi nó được nuốt vào dạ dày. Tình trạng răng đau, hỏng hay mọc lệch có thể gây ra sự không thoải mái khi nhai. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

– Chức năng phát âm: Răng phối hợp cùng với lưỡi và cổ họng để tạo ra âm thanh khi nói. Ví dụ, răng cắn giúp tạo ra âm “t”, “d”, “n”, trong khi răng cụm lại với nhau tạo ra âm “s”, “z”. Nếu răng hàm bị thiếu, hỏng hoặc mọc lệch có thể làm thay đổi âm điệu và phát âm của người nói.

– Chức năng thẩm mỹ: Hàm răng đều đặn, trắng sáng và thẳng là yếu tố quan trọng trong việc tạo nên một nụ cười đẹp và hài hòa. Răng hàm tuy nằm sâu bên trong nhưng nếu gặp vấn đề bất thường, mất răng sẽ gây ảnh hưởng tới cấu trúc, độ cân bằng khuôn mặt. Vì vậy, việc duy trì sức khỏe răng miệng không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề về thẩm mỹ và tự tin cá nhân.

2. Biểu hiện đau răng hàm ở dưới

Khi bị đau răng hàm dưới, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện sau:

– Đau nhức: Đau răng hàm dưới có thể biểu hiện dưới dạng đau nhói, đau khi nhấn, … Đau thường xuất hiện ở vùng răng hoặc nướu gần răng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cảm giác nhức nhối cũng có thể lan ra từ vùng răng bị đau đến các khu vực lân cận. Điển hình như vị trí cả hàm và tai.

– Nhức mạnh khi nhai hoặc cắn: Khi cố gắng nhai thức ăn hoặc cắn xuống, chúng ta có thể cảm thấy đau nhức tăng lên ở vùng răng bị ảnh hưởng.

– Kích thích nướu: Răng hoặc vùng nướu xung quanh răng bị đau có thể trở nên nhạy cảm. Đặc biệt là khi răng tiếp xúc với thức ăn, nước hoặc chải răng.

3. Những nguy cơ khi bị đau răng hàm dưới

Sâu răng

Đau răng hàm dưới có thể là biểu hiện sâu răng

Đau nhức ở răng hàm dưới có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mức độ đau có thể từ đau nhẹ đến đau dữ dội. Tình trạng này có thể là báo hiệu cho những nguy cơ các bệnh lý răng miệng như:

– Răng khôn: Răng khôn, hay còn gọi là răng số 8 thường mọc trong khoảng từ 17 đến 25 tuổi. Mọc răng khôn không đúng vị trí có thể gây đau và tăng nguy cơ mắc các vấn đề như viêm nha chu, sâu răng. Trong nhiều trường hợp, răng khôn cần nhổ bỏ để giảm nguy cơ biến chứng.

– Sâu răng: Sâu răng có thể gây đau nhức răng hàm dưới. Triệu chứng của sâu răng bao gồm ê buốt, đau nhức răng và xuất hiện mảng đen hoặc lỗ hổng trên bề mặt răng. Đau nhức có thể gia tăng và trở nên dữ dội nếu sâu răng vào tùy.

Áp xe răng: Áp xe răng có thể gây ra sưng nề, đau nhức và hình thành ổ mủ dưới chân răng. Bệnh này không chỉ gây đau mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng. Điển hình như viêm xương, tiêu xương hàm, viêm hạch.

Việc chăm sóc và điều trị kịp thời các vấn đề này là rất quan trọng. Điều này duy trì sức khỏe răng miệng và tránh các nguy cơ nghiêm trọng.

Điều trị đau răng hàm dưới

Khi bị đau răng, người bệnh nên nhanh chóng tới nha khoa để kiểm tra, điều trị kịp thời

4. Cách khắc phục khi răng hàm ở dưới bị đau nhức

Để khắc phục hoàn toàn tình trạng đau răng, việc đầu tiên cần thực hiện là hẹn gặp bác sĩ nha khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân của vấn đề. Dựa vào bệnh lý cụ thể, bác sĩ sẽ đề xuất phương án điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp giảm đau tạm thời tại nhà mà bạn có thể áp dụng trong trường hợp không thể gặp bác sĩ ngay lập tức:

– Súc miệng nước muối: Sử dụng dung dịch nước muối ấm để súc miệng giúp vệ sinh và giảm vi khuẩn trong miệng. Điều này có thể giúp giảm viêm tình trạng nhiễm và đau nhức.

– Chườm đá lạnh: Đặt một viên đá lạnh hoặc một túi đá lên vùng bên ngoài má gần vị trí đau răng khoảng 5 phút. Lạnh sẽ gây tê, giúp làm giảm sưng và giảm cảm giác đau.

Tình trạng răng hàm dưới

Chườm lạnh có thể giúp giảm đau răng tạm thời

– Sử dụng thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau không steroid theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm cảm giác đau tạm thời.

Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ là giải pháp tạm thời và không thể thay thế được việc tìm kiếm sự can thiệp chuyên môn từ bác sĩ nha khoa. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, các vấn đề về răng miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, từ mất răng đến viêm nhiễm lan rộng. Do đó, việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn là rất quan trọng để giữ cho sức khỏe răng miệng của bạn trong tình trạng tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital