Tiêm chủng đầy đủ bảo vệ sức khỏe của mọi người, giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Nhìn chung, tiêm chủng có ý nghĩa quan trọng với toàn xã hội, tuy nhiên những lưu ý trước và sau khi tiêm vacxin là gì để đạt được hiệu quả phòng bệnh tối ưu? Cùng TCI tham khảo ngay.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của tiêm phòng đầy đủ với trẻ em và người lớn
Bản chất của tiêm chủng là sử dụng vacxin nhằm kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động chống lại một vài loại bệnh truyền nhiễm cụ thể. Cho đến nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công vacxin phòng gần 30 bệnh truyền nhiễm và khoảng 190 quốc gia cùng vùng lãnh thổ đã đưa vacxin vào sử dụng phổ cập. Nhìn chung, tiêm chủng đầy đủ cho mọi đối tượng có ý nghĩa quan trọng với toàn xã hội:
– Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Khoảng 85 – 95% người sau khi tiêm vacxin sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế số người mắc bệnh và tử vong, hứng chịu di chứng của bệnh tật.
– Đây là biện pháp góp phần quan trọng giúp phát triển nguồn nhân lực. Nhờ vacxin, người được tiêm đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh và phát triển bình thường, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia.
– Đây là biện pháp góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Như đã đề cập ở trên, tiêm chủng đầy đủ bảo vệ sức khỏe của mọi người, từ đó giảm chi phí chăm sóc y tế, thời gian và công sức của gia đình. Bên cạnh đó vacxin có tác động lâu dài cho cả cá nhân và cộng đồng như gia tăng khả năng, năng suất lao động của người trưởng thành do không ốm đau.
2. Những lưu ý trước và sau khi tiêm vacxin phòng bệnh
2.1. Trước khi tiêm
2.1.1 Thực hiện khám sàng lọc
Tại phòng tiêm, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sàng lọc và đánh giá toàn diện thể trạng. Khám sàng lọc trước tiêm chủng là bước chuẩn bị cần thiết nhằm phát hiện những bất thường trên cơ thể. Căn cứ vào kết quả khám này và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ lựa chọn mũi tiêm phù hợp cho bạn hoặc quyết định tạm hoãn tiêm.
Kết quả khám sàng lọc dựa nhiều vào những thông tin mà bạn cung cấp cho bác sĩ, do đó bạn và bác sĩ cần hợp tác với nhau để đảm bảo thông tin được cung cấp là chuẩn xác. Cụ thể đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần cung cấp những thông tin gồm:
– Cân nặng của trẻ. Nếu là trẻ sơ sinh thì liệu trẻ đã đủ 2.5kg chưa.
– Thói quen sinh hoạt, ngủ, bú hiện tại của trẻ.
– Tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ bao gồm sốt, các bệnh lý truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh hay bệnh khiến trẻ phải nhập viện điều trị từ khi sinh ra đến giờ.
– Tình hình sử dụng thuốc hoặc tình hình điều trị nếu trẻ đang mắc bệnh.
– Tiền sử dị ứng thuốc hoặc thức ăn của trẻ nếu có.
– Tiền sử dị ứng vacxin hoặc phản ứng phụ trong những lần tiêm ngừa trước đây.
Đối với người lớn cũng cần cung cấp cho bác sĩ những thông tin cơ bản như:
– Tình hình sức khỏe hiện tại.
– Tiền sử bệnh lý.
– Tiền sử sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị.
– Lịch sử tiêm chủng trong vòng 1 tháng đổ lại và phản ứng của cơ thể trước vacxin.
Đối với phụ nữ, ngoài những thông tin trên cần thông báo thêm về tình trạng mang thai của bản thân và thời gian dự định mang thai trong tương lai.
2.1.2 Những lưu ý khác
– Không tiêm vacxin khi đang bệnh hoặc sốt. Thời gian tiêm có thể được lùi lại cho đến khi sức khỏe ổn định.
– Không ăn quá no hoặc quá đói trước khi tiêm để tránh sau tiêm bị hạ đường huyết.
– Vệ sinh cơ thể sạch để tránh nhiễm trùng.
– Mặc quần áo thoải mái để bác sĩ dễ thao tác trong quá trình tiêm.
– Mang đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, sổ tiêm chủng và cung cấp cho bác sĩ để tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn thông tin.
– Trẻ em nên tiêm các loại vacxin phối hợp chứa thành phần vô bào để hạn chế phản ứng phụ sau tiêm như sưng đỏ, đau, sốt.
– Trao đổi kĩ với bác sĩ để kiểm soát và giảm thiểu những phản ứng phụ có thể xảy ra.
– Tuân thủ lịch tiêm chủng theo lứa tuổi đã được Bộ Y tế và các chuyên gia y tế khuyến cáo.
2.2. Sau khi tiêm
Sau tiêm chủng, bạn nên ở lại phòng tiêm để theo dõi sức khỏe tối thiểu 30 phút. Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như nôn, thở nhanh hoặc ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho bác sĩ.
Sau khi về nhà cần theo dõi tiếp trong 24-48 giờ một số vấn đề gồm:
– Nhịp thở.
– Thân nhiệt.
– Sự tỉnh táo.
– Da toàn thân và da chỗ tiêm.
2.2.1 Những phản ứng sau tiêm
Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng cơ thể đáp ứng miễn dịch với vacxin. Hầu hết những phản ứng này xuất hiện ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức vừa và rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (như hội chứng sốc nhiễm độc hoặc sốc phản vệ).
Một số phản ứng mức độ nhẹ gồm:
– Đau tại chỗ tiêm.
– Sốt nhẹ, đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau thông thường.
Một số phản ứng mức độ vừa gồm:
– Sốt cao, xuất hiện 12 giờ sau tiêm, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt.
– Co giật.
– Phản ứng dị ứng.
Một số phản ứng mức độ nặng gồm:
– Hội chứng sốc nhiễm độc gồm sốt cao trên 38.8 độ C, hạ huyết áo, xây xẩm, ngất xỉu, đi tiểu ít, đau đầu, đau mỏi cơ, ban đỏ như cháy nắng trên cơ thể, tiêu chảy, nôn, khát nước, vùng quanh chỗ tiêm sưng đỏ và căng tức, có thể kèm mắt hoặc trong miệng đỏ bất thường.
– Sốc phản vệ gồm nổi mề đay, phù mạch, khó thở, thở rít, đau bụng, nôn mửa và tụt huyết áp.
2.2.2 Chăm sóc sau tiêm chủng
Một số phương pháp chăm sóc người có phản ứng mức độ nhẹ gồm:
– Theo dõi tại nhà.
– Uống nhiều nước. Trẻ em có thể bú nhiều nhưng chia nhỏ số lần.
– Mặc quần áo thoải mái.
– Duy trì dinh dưỡng hàng ngày.
– Chườm lạnh để giảm đau nếu vết tiêm sưng đỏ.
– Tránh chạm vào vết tiêm. Không xoa dầu, chườm nóng, đắp chanh, khoai tây hoặc bất cứ gì vào vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng.
– Có thể sử dụng Paracetamol 10-15 mg/kg/lần để giảm sốt.
Một số phương pháp chăm sóc người có phản ứng mức độ vừa gồm:
– Nhập viện điều trị.
– Có thể sử dụng Paracetamol 10-15 mg/kg/lần để giảm sốt, uống mỗi 4-6 giờ/lần theo chỉ định của bác sĩ
– Tiêm tĩnh mạch bằng Corticoids, uống hoặc tiêm Diphenhydramin nếu có phản ứng dị ứng.
– Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch bằng Seduxen để chống co giật.
– Truyền dịch nếu nôn trớ nhiều, uống ít nước.
– Liên tục sàng lọc các dấu hiệu sốc nhiễm độc hoặc phản ứng phản vệ.
– Xuất viện khi đã tỉnh táo, sinh hoạt bình thường và hết sốt.
Đối tượng có dấu hiệu phản ứng nặng cần được nhập viện ngay lập tức, thở oxy và điều trị tích cực tùy tình hình thực tế.
Trên đây là thông tin gửi tới bạn về những lưu ý khi tiêm vacxin. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì hãy liên hệ ngay tới phòng tiêm thuộc Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp.