Giác mạc là một lớp màng mỏng trong suốt bên ngoài, phía trước mắt. Đây là vị trí dễ bị tổn thương và bị vi khuẩn tấn công nhất nếu không được bảo vệ đúng cách. Một trong số đó là bệnh viêm loét giác mạc. Mặc dù phổ biến nhưng điều trị bệnh viêm loét giác mạc như thế nào thì nhiều người vẫn còn băn khoăn.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc hay còn gọi là loét giác mạc xảy ra do giác mạc bị trầy xước và nhiễm trùng do nhiều lý do khác nhau. Các tổ chức ở giác mạc bị hoại tử, có thể có 1 hoặc nhiều vết, ổ loét. Đây là bệnh lý về mắt xảy ra phổ biến và gây nên rất nhiều biến chứng, hậu quả nghiêm trọng.
2. Tác nhân gây loét giác mạc
Từ khái niệm đã cho thấy 1 phần tác nhân gây nên viêm loét giác mạc, đó là do giác mạc bị trầy xước và nhiễm trùng. Nguyên nhân gây trầy xước có thể là do tiếp xúc với bụi, đất, cát và vô thức đưa tay dụi mắt. Ngoài ra, có thể chú ý tới một số nguyên nhân như:
– Nhiễm nấm: một số loại nấm là tác nhân tấn công giác mạc chúng ta (Aspergllus, Fusarium,…)
– Mắt gặp các chấn thương
– Tình trạng mắt khô trầm trọng sau nhiều ngày, dễ gặp với người thường xuyên sử dụng kính áp tròng. Ngoài ra, người thường xuyên sử dụng kính áp tròng còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng Acanthanmoeba.
– Biến chứng từ các bệnh lý về mắt như đau mắt hột, viêm kết mạc,…
– Virus Herpes simplex khiến bệnh nhân bị viêm loét giác mạc còn gia tăng khả năng tái nhiễm nhiều lần
– Tổn thương dây thần kinh gây hở mi, mắt khô, dễ bị vi khuẩn tấn công
– Lạm dụng các loại thuốc nhỏ mắt mà không xin ý kiến bác sĩ
– Tự ý dùng các bài thuốc lá dân gian đắp lên vùng mắt
– Thiếu vitamin, chất dinh dưỡng có lợi cho mắt
Là bệnh lý phổ biến nên viêm loét giác mạc có rất nhiều tác nhân gây bệnh. Các tác nhân này đều xuất phát từ những điều nhỏ nhất. Do đó, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mắt mọi lúc mọi nơi.
3. Dấu hiệu cảnh báo giác mạc bị loét
Mắt bị viêm loét giác mạc sẽ có các dấu hiệu điển hình như:
– Cảm giác cộm như có dị vật trong mắt, trẻ em thường vô thức đưa tay dụi mắt khiến tình trạng viêm trở nên nặng hơn
– Mắt sưng đỏ, luôn có cảm giác đau đớn
– Mí mắt sưng nề, khó mở mắt bình thường, lông mi có thể có dấu hiệu co quắp
– Nhạy cảm với ánh sáng
– Mắt chảy nhiều nước mắt là dấu hiệu ban đầu, khi bệnh nặng lên thậm chí sẽ chảy mủ
– Vết loét có dạng đốm trắng mờ hoặc xám ở trung tâm mắt, từ đó thị lực giảm dần
– Kết mạc đỏ ngầu, dấu hiệu này gần như tương tự với bệnh viêm kết mạc
Nhìn chung, các dấu hiệu của bệnh viêm loét giác mạc thường rất dễ nhận thấy. Khi thấy các dấu hiệu như kể trên, bạn hãy ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Cần biết, tác hại của viêm loét giác mạc là rất nghiêm trọng. Bệnh không chỉ khiến giảm thị lực, gây khó chịu mà có thể còn gia tăng nguy cơ mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời.
Bệnh có thể tự khởi phát khi bệnh nhân bị vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công nhưng cũng có thể mắc do lây lan. Thực tế, đây là bệnh truyền nhiễm, có thể bị lây truyền do tiếp xúc với dịch từ mắt người bệnh bằng cách bắt tay, tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người bệnh.
4. Điều trị bệnh như thế nào
Khi tới gặp bác sĩ, bệnh nhân có thể được chẩn đoán bằng các biện pháp như:
– Dùng thuốc nhỏ mắt có chứa Fluorescein: loại thuốc này sẽ tạm thời nhuộm màu vết viêm loét. Bác sĩ dễ dàng nhận thấy tổ chức ở giác mạc bị viêm bằng cách chiếu đèn khe vào mắt người bệnh.
– Để xác định rõ tác nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị chính xác hơn thì bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bằng cách cạo một phần nhỏ vết loét. Phương pháp này cần sử dụng đến thuốc tê.
Sau khi đã được chẩn đoán, người bệnh sẽ được điều trị bằng một số phương pháp như:
– Điều trị nội khoa: sử dụng kháng sinh hoặc các thuốc chống virus, chống nấm. Việc điều trị bằng thuốc cần dựa vào nguyên nhân mắc bệnh và tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
– Điều trị nội khoa: bác sĩ chỉ định phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn hoặc ghép giác mạc
Hai phương pháp điều trị bệnh trên được chỉ định phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Nếu bệnh ở thể nhẹ có thể sử dụng thuốc, kết hợp các biện pháp vệ sinh đúng cách. Nếu bệnh nhân đã bị viêm nặng, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngoại khoa. Trường hợp xấu nhất cần có giác mạc hiến tặng để ghép và lấy lại đôi mắt. Có thể thấy, không những hậu quả nghiêm trọng mà nó còn kéo theo việc điều trị rất khó khăn khi bệnh nhân chủ quan coi thường bệnh.Vì vậy, hãy luôn đảm bảo các biện pháp phòng ngừa bệnh.
5. Lưu ý để phòng tránh loét giác mạc
– Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ tay và mắt, đặc biệt là kính áp tròng
– Xin ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc nhỏ mắt cũng như bổ sung vitamin cho mắt
– Đến gặp bác sĩ khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, tuyệt đối không làm theo các bài thuốc dân gian hay mẹo truyền miệng
– Kiểm tra mắt định kỳ là một biện pháp phòng chống bệnh được khuyên
– Dùng kính bảo hộ trong các trường hợp: di chuyển trên đường, làm việc tại nơi có nhiều khói, bụi, đặc biệt là cát
– Dùng kính mát bảo vệ mắt khỏi tia cực tím có hại
– Điều trị dứt điểm các bệnh lý về mắt với bác sĩ
– Hạn chế thói quen dụi mắt, đặc biệt là khi có cảm giác có dị vật trong mắt
Loét giác mạc là căn bệnh rất nghiêm trọng và đương nhiên biến chứng của nó cũng không hề đơn giản. Như đã đề cập trong bài viết, nó có thể khiến bệnh nhân mù lòa. Vì vậy, đừng chủ quan và hãy lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để điều trị và bảo vệ đôi mắt của mình bạn nhé. Chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCI sẽ giúp quá trình đó của bạn trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn rất nhiều.